Hà Nội có "dễ cho quan" và khó với dân?

author 10:21 10/01/2013

(VietQ.vn) – Hà Nội đã mất thời gian hơn 4 năm “hoãn” chấp hành nghị định của Thủ tướng Chính phủ, cho các phó giám đốc “quá độ”. Vậy dân nghèo có được “quá độ” như vậy không?

“Quan” được “quá độ”, dân thì không?

Trả lời chất vấn của Chất lượng Việt Nam, vừa qua lãnh đạo TP. Hà Nội lý giải việc có nhiều phó giám đốc sở là do “thời gian quá độ” khi sáp nhập với tỉnh Hà Tây cũ, nên cần có lộ trình để các cán bộ này điều chuyển đi nơi khác hoặc cho về hưu.

Vị Giám đốc này có lúc có tới 13 phó giám đốc.
Vị giám đốc này có lúc có tới... 13 phó giám đốc

So với quy định của Thủ tướng, nhiều sở của thủ đô có số phó giám đốc vượt gấp đôi nhưng lãnh đạo các cấp vẫn “châm chước”, “thông cảm” cho việc vi phạm này.

Câu hỏi đặt ra là với những người nghèo bán hàng rong trên các tuyến phố, Hà Nội có “thông cảm” cho họ một thời gian “quá độ” không?

Hay là mỗi sáng sớm và chiều đến, nhiều người nghèo bán hàng rong kiếm sống thường xuyên bị công an và dân phòng xua đuổi? Đó là chưa tính đến những “phí ngầm” để “mua” một chỗ kiếm cơm?

Sắp tới, người ta sẽ thu phí giao thông mang danh nghĩa “bảo trì đường bộ”. Phí đó “đánh” mức như nhau với xe SH, Dylan hay Cup “ghẻ”.

Nghĩa là cũng xe máy, dù giá trị chỉ vài triệu hoặc hàng trăm triệu thì mức thu vẫn như nhau, mặc dù “ông SH, Dylan” chiếm diện tích nhiều hơn.

Một lần nữa, người nghèo, cận nghèo có được “thông cảm”?

Công lao thầm lặng

Dậy từ lúc 2 - 3 giờ sáng, những người nghèo lên Hà Nội sinh nhai phải đi tới các chợ đầu mối để mua thực phẩm với giá gốc. Sau đó, họ là lực lượng đông đảo và tích cực nhất, len lỏi trong từng gốc phố, lề đường... để bán thực phẩm cho người dân.

Không có họ, ai sẽ bán rau, hoa quả, đồ ăn sáng cho nhiều người Hà Nội?
Không có họ, ai sẽ bán rau, hoa quả, đồ ăn sáng cho nhiều người Hà Nội?

Không phải nhà kinh kế hay quản lý vĩ mô nào cũng nhận ra những thân phận bé nhỏ ấy có vai trò quan trọng trong việc giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) – một thành công rực rỡ của Chính phủ trong năm vừa qua.

Đương nhiên, nhà lãnh đạo nào cũng muốn tỉnh mình sớm “hóa hổ, hóa rồng”, có quang cảnh đẹp như các nước phương Tây.

Nhưng chúng ta chưa bao giờ quên, Mỹ và nhiều nước phương Tây có được cơ sở vật chất như ngày nay một phần quan trọng là nhờ đi vơ vét tài nguyên từ các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam.

Còn chúng ta, hơn 4.000 năm dựng và giữ nước, chịu nhiều mất mát sau chiến tranh, năm nào cũng chịu tai họa thiên nhiên... thì dù rất cố gắng, vẫn phải cần nhiều thời gian để quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Mỗi lần bão về cuốn hết hoa màu, nhà cửa, dân nghèo tỉnh lẻ có một con đường sinh nhai là lên thủ đô lao động. Vốn liếng không có, họ phải ra vỉa hè sinh nhai. Đó là những hoàn cảnh thường tình mà những người lãnh đạo có trái tim và trí tuệ sẽ thấu hiểu được.

Mặt khác, Hà Nội đã ban hành Quyết định 46/2009 do Phó Chủ tịch UBND TP, ông Nguyễn Huy Tưởng (vẫn đương nhiệm) ký, yêu cầu các quận, huyện phải quy hoạch các tuyến phố cho người nghèo bán hàng rong. Nhưng đến nay, không một địa phương nào chấp hành điều này.

Thế nên, khi mùa xuân sắp bắt đầu gõ cửa, khi tết cổ truyền đang cận kề với bao khoản phải chi tiêu... thì động thái “thông cảm” cho dân nghèo được “quá độ” sẽ giúp bao gia đình bớt đi những vất vả, lo toan; sẽ khẳng định mạnh mẽ bản chất nhân văn của xã hội ta, sẽ đem mùa xuân về sớm với những em bé ngày đêm mong bố mẹ lên Hà Nội kiếm ăn, sớm về nhà quây quần…

Hoàng Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang