Hà Nội: Công trình xây dựng sai phép 'chình ình' ở phố cổ

author 10:02 16/01/2015

(VietQ.vn) - Nhiều công trình xây dựng sai phép “khủng”, vẫn ngang nhiên tồn tại như không có gì xảy ra. Trong khi, người dân vô cùng bức xúc thì chính quyền phường sở tại dường như thờ ơ không hay biết!

Thời gian qua, PV Chất lượng Việt Nam liên tục nhận được phản ánh của người dân sống ở phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) về tình trạng xây dựng của các công trình có địa chỉ tại số 1B phố Tố Tịch, công trình số 8 và số 26 phố Hàng Hòm xây dựng sai giấy phép xây dựng, trong quá trình thi công đổ vật liệu tràn lan ra đường giao thông khiến các hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo ghi nhận của PV tại công trình số 1B phố Tố Tịch, công trình đang được chủ đầu tư tiến hành hoàn thiện để đưa vào sử dụng với 8 tầng 1 tum trên diện tích đất xây dựng khoảng hơn 40 m2.

Trong khi đó khảo sát tại công trình số 8 và số 26 phố Hàng Hòm, 2 công trình này chủ đầu tư cũng đang cho quây bạt để xây dựng, hoàn thiện công trình với chiều cao đều được 2 chủ đầu tư thiết kế với 7 tầng 1 tum.

Điều khiến người dân càng búc xúc hơn là trong suốt thời gian dài thi công các công trình này, chủ đầu tư cho đổ vật liệu tràn lan ra ngoài đường gây cản trở giao thông đi lại. Chủ đầu tư cũng không cho lắp đặt hệ thống bảo vệ thi công khiến vật liệu xây dựng, bụi bặm bay tứ tung và gây nguy hiểm cho các hộ dân xung quanh nếu gặp phải sự cố.

Trò chuyện với PV, một người dân sở tại bức xúc cho biết: “Dân thường chúng tôi chỉ cơi nới hoặc mở rộng thêm chút mái tôn là ngay lập tức chính quyền, thanh tra xây dựng xuống lập biên bản phạt tiền và cưỡng chế ngay lập tức vậy mà tòa nhà này đã xây hơn hai năm, sai phép lù lù và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chúng tôi mà chính quyền cứ làm ngơ. Có lẽ họ đã “đi đêm” với nhau cả rồi nên mới ngang nhiên như thế...”

Nhiều công trình ngang nhiên xây dựng sai phép như vậy, nhưng không hiểu vì lý do gì mà cho tới nay công trình này vẫn được các cấp UBND phường Hàng Gai, UBND quận Hoàn Kiếm để tồn tại!?

Chúng tôi sẽ liên hệ làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND Quận Hoàn Kiếm và UBND TP Hà Nội nhằm làm rõ vụ việc.

Trong danh mục 79 tuyến phố và 83 ô phố tại khu phố cổ được quy định chi tiết về mật độ, số tầng cao được phép xây dựng và khoảng lùi công trình. Đơn cử, ô phố số 3 với phố Hàng Giấy được ghi chú là: Tại phố Gầm Cầu xây dựng, tôn tạo công trình trên cơ sở đảm bảo khoảng lùi an toàn đường sắt... lớp nhà mặt phố được phép từ 1-3 tầng, tương đương 6-12m; lớp phía sau từ 2-4 tầng, tương đương 10-16m, khoảng lùi tối thiểu của lớp sau là 4-6m...

Trong khu phố cổ, UBND TP yêu cầu không xây tầng hầm (trừ các phố Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, với điều kiện không ảnh hưởng hoặc tiếp giáp các công trình di tích hoặc có giá trị). Ngoài ra, trong phố cổ, không xây các trung tâm thương mại lớn và các công trình nhà ở mới làm tăng dân số, tăng mật độ xây dựng, tăng quá tải hệ thống giao thông, ảnh hưởng môi trường và các công trình quy mô lớn khác. Nhấn mạnh yêu cầu không bêtông hóa các không gian mở, không gian xanh trong các ô phố, TP yêu cầu công trình nhà ở xây mới phải có kiến trúc hài hòa với tổng thể dãy phố, khu vực. Đối với ô đất trên 70m2, bắt buộc phải tổ chức sân, trong có trồng cây.

Theo đó các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhà, chủ đầu tư các công trình xây dựng, sửa chữa, cải tạo trong khu vực, nếu vi phạm quy chế sẽ bị xử lý nghiêm. UBND TP yêu cầu, với các công trình vi phạm xây dựng trước khi ban hành quy chế, phải tháo dỡ các vật liệu xây dựng, che chắn tạm; các không gian sử dụng làm buồng, phòng lấn chiếm không gian hè phố và ngoài chỉ giới đường đỏ. Công trình có ngôn ngữ kiến trúc khác đột biến so với quy định của quy chế cũng sẽ buộc phải cải tạo theo phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt. Công trình sai phép, công trình xây xen cấy vào khu đất của công trình có giá trị đặc biệt, công trình công cộng, các công trình di tích lịch sử - văn hóa sẽ phải phá dỡ...

 

Lê Huy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang