Hà Nội: Gần 60 ca mắc sốt xuất huyết đầu năm 2018, tuyệt đối không chủ quan

author 15:29 20/03/2018

(VietQ.vn) - Tại Hà Nội, đã ghi nhận 3 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dangue. Đây là dịch bệnh nguy hiểm, diễn biến khó lường trong năm 2017, người dân không được chủ quan.

Tin tức đăng tải trên báo Pháp Luật và Xã hội, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội về tình hình dịch bệnh trên địa bàn trong tuần qua (từ ngày 12-3 đến 18-3), trong tuần ghi nhận 3 trường hợp mắc sốt xuất huyết dangue. Tính từ đầu năm 2018 đến nay ghi nhận 59 trường hợp mắc, giảm so với cùng kỳ năm 2017 và không có tử vong.

Hà Nội: Đã có những trường hợp mắc sốt xuất huyết Dangue

Sốt xuất huyết dangue rất nguy hiểm có thể gây tử vong. Ảnh minh họa 

Bên cạnh đó, trong tuần ghi nhận 13 trường hợp sốt phát ban, trong đó có 10 trường hợp dương tính với sởi. Lũy tích năm 2018 đến nay có 38 trường hợp mắc sởi. Với bệnh tay chân miệng, trong tuần ghi nhận 14 trường hợp. Lũy tích đầu năm 2018 đến nay có 31 trường hợp mắc, không có tử vong...

Sốt xuất huyết lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút dengue sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Trong năm 2017 đã từng ghi nhận nhiều ca bệnh tử vong vì căn bệnh này.

Bệnh này xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Các chuyên gia đánh giá, sự nguy hiểm của căn bệnh sốt xuất huyết ở chỗ bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Hơn nữa, bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.

Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu. Có thể có nổi mẩn, phát ban. Do đó, khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Ở thể bệnh nặng bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Minh Châu (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang