Hà Nội "diệt" chợ cóc để dân vào trung tâm thương mại ế ẩm

author 07:38 27/11/2013

(VietQ.vn) – Hà Nội đã và đang có kế hoạch giải tỏa chợ cóc xung quanh các trung tâm thương mại đang ế ẩm, giúp hoạt động kinh doanh ở những nơi này đạt hiệu quả.

Cần thời gian dài mới biết hiệu quả kinh tế

UBND TP Hà Nội vừa đánh giá lại hiệu quả của việc “phá chợ - xây trung tâm thương mại”. Theo đó, đã có 6 khu vực chợ truyền thống bị “san bằng” để biến thành các trung tâm thương mại cao tầng.

Đó là chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da, chợ Ô Chợ Dừa, chợ Thanh Trì, chợ 19/12, chợ Mơ.

Chợ Hàng Da có gần 1/3 tiểu thương xin bỏ

Chợ Hàng Da có gần 1/3 tiểu thương xin bỏ 

UBND TP Hà Nội đã cho các công ty như cty TNHH Phát triển mỹ thuật Hà Nội, Cty cổ phần thương mại Hàng Da, Cty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội, Cty TNHH Thủ đô 2, Cty cổ phần phát triển thương mại Vinaconex…đầu tư và xây dựng các tổ hợp trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, trên nền các chợ truyền thống.

Đánh giá về điều này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi dùng các từ: “tăng hiệu quả sử dụng quỹ đất, không dùng ngân sách, đảm bảo mỹ quan đô thị, tăng nguồn thu nhà nước”.

“Về hiệu quả kinh tế, cần một thời gian dài mới có thể đánh giá đúng” – ông Khôi cho hay.

Chủ đầu tư cũng…bí tiền

UBND TP Hà Nội cũng thừa nhận, hoạt động kinh doanh tại các trung tâm thương mại kém hiệu quả, chưa đảm bảo an sinh xã hội, chưa đảm bảo hàng hóa tiêu dùng hàng ngày của dân…

Do làm ăn không hiệu quả nên nhiều hộ kinh doanh đã xin thôi hoặc chuyển nhượng điểm bán hàng cho người khác (chợ Hàng Da có 200/636 hộ, chợ Cửa Nam có 62/62 hộ, chợ Ô Chợ Dừa có 100/100 hộ kiinh doanh).

Lý giải nguyên nhân, UBND TP Hà Nội cho rằng, do khâu thiết kế “chưa chuẩn” nên không hợp lý, không giữ được công năng chợ truyền thống, tỷ trọng bố trí công trình chủ yếu là chức năng trung tâm thương mại, chợ chỉ là phụ và chiếm tỷ lệ nhỏ.

Hơn nữa, người dân có thói quen mua sắm ngay trên xe, ngại gửi xe vào chợ. Một số dự án xây chợ - trung tâm thương mại có nhà để xe dưới hầm, không thuận tiện cho dân ra vào.

Đặc biệt, các “đại gia” đầu tư vào “miếng bánh” này lại có năng lực tài chính hạn chế, đầu tư dàn trải. Như công ty CP xây dựng Sông Hồng đã “ôm” nhiều dự án như chợ Hàng Da, chợ Châu Long, chợ Xuân La…). Còn “ông lớn” Vinaconex , Tổng công ty Dầu khí – chủ dự án chợ Mơ – lại đăng thự hiện tái cơ cấu voón, thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ, nên  đầu tư kéo dài, gây mất ổn định với tâm lý tiểu thương…

Thế nên, hầu hết các công trình trung tâm thương mại đang xây dựng đều hạ chiều cao so với quy hoạch vì doanh nghiệp không cân đối được nguồn vốn.

“Diệt” hàng loạt chợ cóc, chợ tạm

Trước tình cảnh trên, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo, các quận, huyện giải tỏa chợ cóc xung quanh chợ - trung tâm thương mại, để người dân vào chợ mua sắm, giúp các nơi này hoạt động hiệu quả.

Các doanh nghiệp xem xét giảm giá thuê kiot, sạp hàng để các hộ kinh doanh yên tâm, tránh khiếu kiện, gây mất ổn định.

Đáng chú ý, UBND TP Hà Nội yêu cầu chợ tạm Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) phải hoàn trả mặt bằng, cải tạo, chỉnh trang tuyến phố Phùng Hưng sau khi đưa các hộ kinh doanh vào trung tâm thương mại 19/12.

Chợ tạm Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng) sắp xếp vào chợ Mơ sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ.

Chợ tạm đường Láng (quận Đống Đa) do bị vướng một phần vào dự án đường sắt trên cao, nên sẽ đầu tư xây dựng lại ở phần đất còn lại.

Chợ tạm tại phố Phan Đình Phùng – Trần Văn Chung (quận Hà Đông), UBND TP Hà Nội yêu cầu chính quyền xử lý tình trạng họp chợ gây ách tắc, mất an toàn giao thông.

UBND TP Hà Nội giao Ban chỉ đạo 197 các cấp giải tỏa các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè…

Nhật Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang