Hà Nội: Gần 70.000 lao động thất nghiệp vì Covid-19

author 12:27 01/04/2020

(VietQ.vn) - Tính đến ngày 30/3 đã có 3.017 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch COVID-19 với 68.184 công nhân lao động bị tác động, mất việc làm, thiếu việc làm.

Ngày 1/4, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cho biết, tính đến ngày 30/3/2020 đã có 3.017 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch COVID-19 với 68.184 công nhân lao động bị tác động, mất việc làm, thiếu việc làm; trong đó có 741 doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động.

Các trường tư thục, cơ sở giáo dục ngoài công lập có gần 40.000 cán bộ, giáo viên, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập.

Trước tình hình đó, nhằm chăm lo cho đội ngũ công nhân lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đề nghị Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy quan tâm chỉ đạo các cấp chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội địa phương phối hợp với Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã và tổ chức công đoàn chăm lo hỗ trợ cho công nhân lao động các doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ, giáo viên, người lao động các trường học ngoài công lập bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, nhất là công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn; bệnh hiểm nghèo; bị mất việc làm...

 

Kết quả rà soát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong tháng 1 và 2/2020, cả nước có khoảng 10% số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất và tỷ lệ này sẽ tăng lên khoảng 15% trong tháng 3. Các ngành, nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất là dệt may, vận tải hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, dịch vụ du lịch, lưu trú và ăn uống…

Trước tình trạng này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất 6 nhóm giải pháp để hỗ trợ người lao động, bao gồm: Nhóm về bảo hiểm xã hội; nhóm về bảo hiểm thất nghiệp; nhóm hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; nhóm hỗ trợ từ ngân sách địa phương; chính sách tín dụng đối với lao động và doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh; nhóm đề xuất liên quan tới dừng đóng, giảm kinh phí công đoàn.

Trước đó, trong ngày 31/3, chủ trì họp Thường trực Chính phủ về chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tác động của dịch là rất lớn, không chỉ đối với sản xuất kinh doanh, thu ngân sách mà cả với đời sống của người dân, nhất là người nghèo, công nhân thất nghiệp và một số đối tượng khác không có tích lũy gặp rất nhiều khó khăn.

Tại phiên họp diễn ra trong ngày hôm nay (1/4), Chính phủ sẽ quyết định gói hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong quá trình chuẩn bị Nghị quyết về gói hỗ trợ này, Thủ tướng cho rằng, cần trả lời 3 câu hỏi, trước hết là xác định rõ đối tượng, ai cần hỗ trợ. Thủ tướng yêu cầu phải đủ 5 nhóm đối tượng: Người nghèo và cận nghèo; đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội; người lao động theo hợp đồng phải tạm thời ngưng việc; hộ hộ kinh doanh cá thể ngừng hoạt động; người lao động tự do mất việc. Nguyên tắc đặt ra là chỉ hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, không bỏ sót đối tượng và cũng không được để lợi dụng chính sách để hỗ trợ tràn lan.

Thứ hai là cần xác định chính xác mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ cho từng loại đối tượng. “Có những ý kiến nêu hỗ trợ 500 nghìn, 900 nghìn, 1 triệu đồng, 50% mức lương tối thiểu, v.v… thì căn cứ mức nào là phù hợp”, Thủ tướng nói.

Thứ ba là xác định rõ nguồn hỗ trợ, phương thức hỗ trợ và thẩm quyền quyết định. Theo Thủ tướng, nguồn chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước trong thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương cũng như từ doanh nghiệp.

Bảo My (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang