Hà Nội: Gần 860 nghìn người được theo dõi sức khỏe bằng hồ sơ điện tử

author 09:03 10/03/2018

(VietQ.vn) - Hà Nội đã thiết lập được 859.062 hồ sơ điện tử quản lý hồ sơ sức khỏe nhân dân. Điều này giúp công tác khám chữa bệnh được tiết kiệm thời gian, thống nhất, khoa học và chính xác.

Hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân bằng hồ sơ điện tử sẽ cung cấp thông tin cơ bản về sức khỏe, tiền sử bệnh tật của người dân khi có yêu cầu và theo quy định. Mỗi người dân có thể tự biết tình trạng sức khỏe của mình thông qua hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân, qua mã định danh (ID) và các thông tin bảo mật khác như điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã vạch...

Các cơ sở khám, chữa bệnh có thể lấy thông tin hành chính, lịch sử bệnh, yếu tố nguy cơ, vùng dịch để tham khảo cho công tác khám chữa bệnh..., giúp tiết kiệm thời gian, thống nhất, khoa học và chính xác. Hệ thống này cũng cảnh báo về thông tin y tế quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; đặc biệt quản lý, theo dõi thường xuyên, kịp thời các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với cộng đồng.

Hà Nội thiết lập được 859.062 hồ sơ điện tử quản lý hồ sơ sức khỏe nhân dân. Ảnh minh họa/Zing

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, đến nay, Hà Nội đã khởi tạo 1.436 tài khoản và thiết lập được 859.062 hồ sơ điện tử quản lý hồ sơ sức khỏe nhân dân. Đây là chương trình được triển khai thí điểm tại 20 xã, phường của 4 quận, huyện: Long Biên, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Sóc Sơn.

Chương trình này giúp người bệnh giải quyết sớm các bệnh thông thường tại tuyến dưới, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh nặng, giảm tải bệnh viện. Trong giai đoạn đầu, việc triển khai tập trung vào các đối tượng: trẻ dưới 5 tuổi, người già trên 60 tuổi và lao động tự do. Mỗi xã, phường sẽ bố trí một đoàn khám gồm 14 bác sĩ với các chuyên khoa nội ngoại, sản nhi, mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng và xét nghiệm.

Hà Nội hiện có 42 cơ sở y tế công lập, trên 5.000 bác sĩ, Sở Y tế đang tổ chức khảo sát để triển khai mở rộng Hệ thống quản lý khám chữa bệnh toàn Thành phố. Theo đó sẽ có thể lập các tổ, bổ sung thiết bị máy móc để khám sức khỏe định kỳ cho người dân theo hình thức cuốn chiếu tại tất cả quận huyện. Các bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trên sẽ được huy động hỗ trợ. Hà Nội cũng sẽ lắp đặt đường truyền kết nối đến các trạm y tế, triển khai phần mềm nối mạng chung ở 42 cơ sở y tế.

Người dân khám bệnh ở đâu trên địa bàn Thành phố cũng sẽ được cập nhật vào hệ thống. Mỗi người có một mã số riêng, bác sĩ chỉ mở được các thông tin cá nhân nếu người bệnh đồng ý. Kể từ năm 2014, Hà Nội đã triển khai mô hình bác sĩ gia đình. Các quận, huyện triển khai mô hình bác sĩ gia đình đã thực hiện quản lý trên 35.000 hồ sơ sức khỏe.

Để đầu tư cho lĩnh vực y tế, vừa qua Hà Nội đã xây dựng Đề án xây dựng chỉ tiêu giường bệnh điều trị ban ngày tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố; rà soát chất lượng một số bệnh viện để lập kế hoạch nâng cấp đạt chuẩn quốc tế JCI; Lập kế hoạch hành động nâng cao thể lực và tầm vóc thanh niên Hà Nội đến năm 2030; bảo đảm tiến độ đầu tư, nâng cấp một số bệnh viện.

Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, việc quản lý sức khỏe cho nhân dân là giải pháp quan trọng cho người quản lý để hoạch định chính sách và xây dựng kế hoạch cũng như triển khai các hoạt động can thiệp y tế, như tiêm chủng, hoạt động dinh dưỡng, yếu tố vi lượng, khám, chữa bệnh... Bên cạnh đó, hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân còn giúp quản lý tốt các nhóm bệnh, tình hình tử vong, các bệnh có yếu tố gia đình, có yếu tố liên quan đến môi trường sống, nguồn nước và các yếu tố vệ sinh khác.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng có đến 70% người bệnh ung thư ở Việt Nam đến bệnh viện khi bệnh đã nặng, giai đoạn muộn, tỉ lệ tử vong cao. Việc sàng lọc, phát hiện bệnh, quản lý sức khỏe từ sớm thông qua quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ giúp phát hiện bệnh sớm, chất lượng điều trị sẽ tăng và chất lượng sống của người dân cũng tăng lên.

Minh Hải

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang