Hơn 3.000 sản phẩm ứng dụng mã QRcode vào truy xuất nguồn gốc

author 07:08 23/08/2018

(VietQ.vn) - Tính đến nay, đã có hơn 3.000 sản phẩm của 115 cơ sở sản xuất kinh doanh theo chuỗi nông sản an toàn ở Hà Nội tham gia hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode.

3.000 sản phẩm sử dụng mã QRcode truy xuất nguồn gốc

Theo thống kế từ Sở NN&PTNT Hà Nội, mỗi tháng, nhu cầu tiêu dùng của người dân Thành phố khoảng 52.000 đến 55.000 tấn trái cây. Trong khi đó, khả năng sản xuất mới đáp ứng được 30%, còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu.

Tuy nhiên hiện nay, tình trạng sử dụng hóa chất quá liều lượng, chất cấm, chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật không thuộc danh mục cho phép sử dụng, nhằm rút ngắn thời gian sản xuất, giữ tươi lâu cho trái cây ngày càng nhiều đã gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng.

Để giảm thiểu vấn nạn nói trên, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE) xây dựng, triển khai, vận hành “Hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc trái cây, nông sản trực tuyến” tại một số cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi.

Hệ thống triển khai thí điểm đầu tiên đối với 82 ha “Bưởi tôm vàng Đan Phượng”. Do quản lý tốt bằng tem truy xuất có xác thực nên dịp Tết Nguyên đán 2018, sản phẩm bưởi của Đan Phượng không bị trà trộn với các sản phẩm khác, giá bán tăng lên 10.000 đồng/quả.

Sau khi ứng dụng hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc trái cây, nông sản trực tuyến, đến nay, đã có hơn 3.000 sản phẩm của 115 cơ sở sản xuất kinh doanh theo chuỗi nông sản an toàn tham gia hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode.

Hơn 3.000 sản phẩm trong chuỗi nông sản an toàn của Hà Nội đã có thể truy xuất nguồn gốc bằng cách sử dụng mã QRcode. Ảnh: Phong Lâm

Bên cạnh việc lưu giữ thông tin sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp, trang trại nông sản trên địa bàn Hà Nội và nhiều địa phương, hệ thống sử dụng mã QRcode đã bắt đầu triển khai ở một số hệ thống siêu thị và công ty thực phẩm.

Đánh giá về hiệu quả của việc sử dụng mã QRcode trong truy xuất nguồn gốc trái cây, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Biggreen Việt Nam cho biết, tem QRcode sẽ là công cụ đắc lực hỗ trợ người sản xuất, doanh nghiệp quản lý sản phẩm trên thị trường, ngăn chặn và xử lý kịp thời nguy cơ hàng giả, hàng nhái thông qua từng hành vi quét mã QRcode của người tiêu dùng.

Đạt 100% chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn vào năm 2020

Cũng theo Sở NN&PTNT Hà Nội, đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu đạt 100% chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, trong đó có trái cây trên địa bàn thành phố ứng dụng phần mềm sử dụng mã QRcode để truy xuất nguồn gốc; minh bạch thông tin đến người tiêu dùng; tăng tỷ lệ truy xuất nguồn gốc ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, chợ bán lẻ đạt từ 30-50%...

Để xây dựng được quy trình truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm trái cây, đòi hỏi người dân, doanh nghiệp sản xuất phải có giải pháp đồng bộ từ khâu tích tụ ruộng đất đến quy trình sản xuất, chế biến phải thống nhất; giống, vốn đầu tư, kỹ thuật canh tác; thu hoạch, bảo quản theo đúng yêu cầu.

Song song với đó, các nhà cung cấp dịch vụ tem điện tử cần nghiên cứu, cải tiến tem nhằm giảm giá thành, phù hợp với từng sản phẩm để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng. Đối với người tiêu dùng, khi mua sản phẩm trái cây trên thị trường, cần lựa chọn mặt hàng có nhãn mác, tem, logo xác nhận của doanh nghiệp và có những thông tin bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Sở đang đẩy mạnh rà soát, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, giấy xác nhận kiến thức ATTP với các cơ sở kinh doanh trái cây theo phân cấp quản lý. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra truy xuất nguồn gốc, trong đó trọng tâm là thu hồi và xử lý thực phẩm nông, lâm sản không bảo đảm an toàn theo quy định của Bộ NN&PTNT.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương khuyến khích người tiêu dùng ứng dụng mã hình QR code để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ trái cây bằng các thiết bị di động. Đặc biệt, các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố chỉ nên nhập sản phẩm ở những vùng sản xuất an toàn, được cấp mã vạch, nhằm bảo đảm chất lượng.

Tìm giải pháp thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc cho doanh nghiệp(VietQ.vn) - Chia sẻ về khó khăn, tồn tại trong công tác truy xuất nguồn gốc, các đại biểu đã đưa ra những phương án tháo gỡ, hướng đến xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang