Hà Nội kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành mây tre đan, sản phẩm từ gỗ

author 19:54 29/09/2020

(VietQ.vn) - Các doanh nghiệp sản xuất ngành mây tre đan, chế biến gỗ Hà Nội cùng chung tay, hình thành mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững, thúc đẩy liên kết giữa nhà cung cấp- nguyên liệu- nhà sản xuất- nhà phân phối- người tiêu dùng; tái sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu trong nước và thị trường xuất khẩu.

Ngày 29/9/2020, Chương trình “Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho nhóm ngành Mây tre đan, Chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ thành phố Hà Nội năm 2020” do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ tổ chức đã chính thức được khai mạc. Đồng hành cùng với Chương trình kết nối là Hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, xúc tiến thương mại.

Khai mạc chương trình Kết nối Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành Mây tre đan, Chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ thành phố Hà Nội năm 2020 

Chuỗi sự kiện được tổ chức nhằm bảo tồn và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát huy và giữ gìn cho ngành nghề truyền thống phát triển bền vững và ổn định; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thúc đẩy liên kết mạng lưới giữa nhà cung cấp- nguyên liệu- nhà sản xuất- nhà phân phối- người tiêu dùng; tái sản xuất kinh doanh đáp ứng thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu trọng điểm trong quá trình phục hồi kinh tế, phục hồi kinh tế xanh của thế giới. 

Chương trình có sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với các gian hàng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất, sản phẩm làng nghề tiêu biểu trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trưng bày tại đây là hàng thủ công mỹ nghệ thuộc nhóm ngành mây tre đan, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ được chế tác tinh xảo, phong phú, đa dạng, kết hợp độc đáo giữa phương thức sản xuất truyền thống và sự sáng tạo đổi mới, trở thành sản phẩm cao cấp, không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn vươn xa tới nhiều quốc gia trên thế giới, cả những thị trường khó tính bậc nhất như Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ… 

Cùng với đó là khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn huyện Chương Mỹ, trong đó có gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP đã được UBND Thành phố Hà Nội đánh giá, công nhận và xếp hạng trong năm 2019 như: gạo hữu cơ, rau củ quả, trứng gà sạch, các loại trà túi lọc... của các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Chương Mỹ. 

Ông Nguyễn Thanh Hải- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19, tình hình hạn chế lưu thông hàng hóa của các nước đã tác động tiêu cực đên xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Bên cạnh đó, do thị trường du lịch trong nước suy giảm, sức mua các mặt hàng thủ công mỹ nghệ cũng bị giảm sút. Dự báo các mặt hàng này sẽ bị giảm doanh thu từ 70-80% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhiều chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh ngành hàng thủ công mỹ nghệ đã bị gián đoạn, đứt gãy, tác động lớn đến việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng; nhiều đơn hàng đề nghị lùi thời hạn giao hàng và bị hủy, nhiều mặt hàng đã làm xong nhưng không xuất khẩu được. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đã phải giãn hoãn tiến độ sản xuất, sản phẩm tồn kho, mất việc làm khu vực nông thôn gia tăng, làm cho đời sống của nhóm lao động yếu thế trong xã hội gặp khó khăn. 

Chính vì vậy, Chương trình “Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành Mây tre đan, Chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ” sẽ kết nối các chuỗi sản xuất, kích cầu tiêu dùng trong nước, thiết thực hỗ trợ doanh nhiệp sản xuất ngành thủ công mỹ nghệ, vực lại sản xuất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn- ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh. 

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội và Lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ đi thăm các gian hàng

 

Là huyện tiên phong đi đầu tham gia chương trình Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội năm 2020, ông Nguyễn Ngọc Lâm- Phó Chủ tịch UNND huyện Chương Mỹ chia sẻ, mây tre đan, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ là những ngành nghề thủ công truyền thống của Hà Nội nói chung và huyện Chương Mỹ nói riêng. Trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 35 làng nghề đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận, trong đó chủ yếu là làng nghề mây tre đan, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ. 

Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành nghề truyền thống đang đem lại diện mạo mới cho các vùng quê ở huyện Chương Mỹ: đời sống người dân được cải thiện, cơ sở hạ tầng được đầu tư, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động trên địa bàn huyện, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tăng đã đóng góp vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung của Thủ đô. 

Diễn ra từ ngày 29/9 đến 01/10/2020 tại Sân vận động trung tâm xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), Chương trình Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành Mây tre đan, Chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ năm 2020 hứa hẹn mang đến các cơ sở sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng cái nhìn cụ thể hơn về Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững, thể hiện sự đồng hành của thành phố Hà Nội cùng người dân Thủ đô thúc đẩy hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.

Ngày 07/5/2020, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND về Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 với mục tiêu: Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào cho vòng đời sản phẩm để tham gia “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững” nhằm thực hiện tái sản xuất kinh doanh đáp ứng thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu trọng điểm trong quá trình phục hồi kinh tế, phục hồi kinh tế xanh của thế giới, đảm bảo an sinh xã hội.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang