Hà Nội khó xử lý triệt để nạn lấn chiếm đê điều vì thiếu 73.000 tỉ đồng

authorViết Cường 06:09 20/05/2015

(VietQ.vn) - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Hà Nội cho biết, muốn hết nạn lấn chiếm đê điều thì Hà Nội cần đến 73.000 tỉ đồng để giải tỏa, di dời…

Ông Hà Đức Trung – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội thừa nhận, khó có thể xử lí được triệt để nạn người dân lấn chiếm đê điều, trong khi đó mùa mưa lũ đã đến rất gần.

“Báo cáo với các phóng viên, các vi phạm đê điều hiện nay trên địa bàn thành phố hết sức nhức nhối, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan”, ông Trung thẳng thắn nói.

lấn chiếm đê điều hà nội

Đoạn đê tả sông Đáy chạy qua địa phận phường Đồng Mai, quận Hà Đông, bị xuống cấp trầm trọng do xe quá tải.

Theo lí giải của ông Trung, khi Bộ Nông nghiệp và Thành phố mở rộng, xây dựng các tuyến đê, nhiều khi những hoạt động đó lại đụng vào đất thổ cư, canh tác của dân.

Vì người dân cho rằng đây là đất của cha ông để lại nên khi muốn xây dựng, mở rộng đê điều mà chạm vào đất của dân thì buộc phải có nguồn kinh phí để di dời.

“Tuy nhiên, theo kế hoạch phòng chống lũ chi tiết đã thông qua nghị quyết 17 của HĐND Thành phố năm 2009, tại thời điểm đó đã tính ra kinh phí muốn di dời dân ở các khu vực thoát lũ, khu vực hành lang đê lên đến 73.000 tỉ đồng. Nhưng Thành phố không thể tìm đâu ra nguồn kinh phí này”, ông Trung cho hay.

Ông Trung dẫn ra ở Thường Tín hiện vẫn có trường hợp vi phạm, người dân vẫn xây dựng trong hành lang an toàn đê điều.

“Nhiều người dân xây dựng vào chỉ giới, phạm vi hành lang đê điều và lí giải ‘đây là đất của cha ông tôi, tôi muốn làm gì thì làm, tôi không biết Luật đê điều là gì cả’ do đó rất khó để xử lí”, ông Trung nhắc lại khó khăn.

Bên cạnh việc người dân lấn chiếm đê điều để xây dựng thì tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn lưu thông trên các tuyến đê dọc sông Hồng, sông Đuống,… gây hư hỏng đê.

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Hải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều Hà Nội cũng thừa nhận, tình trạng vi phạm về đê điều hiện đang là vấn đề nhức nhối.

Đặc biệt, những xe tải kể cả không tải đi trên đê cũng đã “cày” nát đê, còn nếu chất vài tấn cát để chạy trên đê thì chính là kẻ hủy diệt đê. Tuy nhiên để xử lý vi phạm là không dễ.

Theo ông Nguyễn Xuân Hải, trước thực trạng trên, phải tăng chế tài xử lý với các chủ xe này. Thậm chí phải xử lý hình sự với chủ xe “cày” nát đê. Để tránh tình trạng không đủ cán bộ xử lý quá nhiều xe tải vi phạm, đề nghị lực lượng công an phạt “nguội” với các đối tượng này. Chi cục Quản lý đê điều sẵn sàng chụp ảnh, ghi hình những xe vi phạm. Ông Hải đề nghị, trước mắt cần tu bổ các mố ra vào đê để ngăn xe quá tải.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: “Để phòng chống thiên tai hiệu quả, việc phòng quan trọng, không chỉ có sự vào cuộc của cơ quan Nhà nước, mà cần có sự vào cuộc của toàn dân”,

Ông Phong đề nghị báo chí đẩy mạnh thông tin những sai phạm luật Đê điều, luật Phòng chống thiên tai, để các cơ quan chức năng khẩn trương giải quyết thấu đáo./.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang