Hà Nội: Nghĩa trang Thanh Tước quá tải, nhiều người chưa chết đã xí phần

authorViết Cường 06:10 10/06/2015

(VietQ.vn) - Chiều 9/6, trong cuộc họp của Thành ủy Hà Nội, vấn đề về ô nhiễm môi trường và cung cấp nước sạch cho người dân sống quanh khu vực nghĩa trang Thanh Tước đã được đưa ra.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh - Hà Huy Quang, nghĩa trang Thanh Tước do Ban phục vụ lễ tang Hà Nội thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội quản lý. Nghĩa Trang hung táng trên 1.100 mộ, cát táng trên 23.000 mộ. Từ năm 2010 ngừng nhập mai táng vĩnh viễn, chỉ giải quyết nhập mộ những trường hợp đã đăng ký hợp đồng từ trước (hằng năm chỉ có 2 – 3 trường hợp nhập mộ). Mong muốn của chính quyền là Nghĩa trang Thanh Tước được chuyển dần thành công viên nghĩa trang.

Phó Chủ tịch huyện Mê Linh Hà Huy Quang

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh - Hà Huy Quang. Ảnh Viết Cường

Năm 2013, nhân dân xung quanh đã có nhiều ý kiến phản ánh về môi trường tại khu vực nghĩa trang. UBND huyện đã báo cáo UBND Thành phố và UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban phục vụ lễ tang Hà Nội kiểm tra làm rõ. Theo kết quả quan trắc của Chi cục bảo vệ môi trường, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thì còn tồn tại yếu tố có thể ảnh hưởng đến môi trường (nước mặt, nước ngầm). Ngay sau đó, Ban phục vụ lễ tang Hà Nội đã lập Đề án bảo vệ môi trường tại Nghĩa trang Thanh Tước và được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Cuối năm 2014, nhân dân vẫn tiếp tục phản ánh nghi ngại có ô nhiễm môi trường do hoạt động của nghĩa trang, UBND huyện đã tổ chức kiểm tra và họp với các ban, ngành liên quan đề nghị kiểm tra, báo cáo UBND Thành phố.

Trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí chiều 9/6, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hà Huy Quang cho biết, Ban phục vụ lễ tang Hà Nội đã có văn bản khẳng định: Hoạt động của Nghĩa trang Thanh Tước không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh nghĩa trang. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản nêu rõ: Chất lượng không khí xung quanh đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn Việt Nam; chất lượng mặt nước tại hồ bán nguyệt nằm trong khuôn viên nghĩa trang các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép, ngoại trừ chỉ tiêu dầu mỡ cao hơn 0,1mg/l so với quy chuẩn; chất lượng nước ngầm có chỉ tiêu coliform vượt quy chuẩn 2,3 lần.

“Như vậy, theo số liệu quan trắc trên thì vẫn còn chỉ tiêu có thể ảnh hưởng đến môi trường khu vực xung quanh nghĩa trang Thanh Tước” – ông Hà Huy Quang thừa nhận.

ô nhiễm tại nghĩa trang thanh tước

Người dân xã Đại Thịnh bơm nước từ giếng khoan nhà mình lên "làm bằng chứng" tố cáo việc nghĩa trang Thanh Tước gây ô nhiễm. Ảnh Báo Tài nguyên môi trường

Về phương án giải quyết trước mắt và lâu dài, ông Hà Huy Quang cho biết, các cơ quan liên quan đã thống nhất phương án dừng không hung táng; tiếp tục xử lý nước mặt tại hồ bán nguyệt để đảm bảo tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường xung quanh; bổ sung thêm cây xanh, bê tông hóa bề mặt khu mộ để giảm nước mặt thấm xuống đất. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Ban Phục vụ lễ tang tổ chức đo quan trắc định kỳ hằng năm; chủ động tổ chức giám sát, đo quan trắc để kịp thời chấn chỉnh Ban phục vụ Lễ tang – Sở Lao động Thương binh và Xã hội đảm bảo công tác vệ sinh môi trường theo quy định. Đồng thời kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – đơn vị chủ đầu tư dự án cấp nước sạch cho 3 xã Thanh Lâm, Tam Đồng, Đại Thịnh sớm đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án đầu tư.

Trả lời câu hỏi của báo giới liên quan đến số người chết vì lý do ung thư do ô nhiễm nguồn nước tại khu vực xung quanh nghĩa trang Thanh Tước, lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết, Sở Y tế Hà Nội đã khẳng định chỉ số gây ung thư đều nằm trong giới hạn cho phép. Thông tin một số báo nêu về các trường hợp ung thư tại đây là không chính xác và không có cơ sở…

“Để đánh giá toàn diện, UBND Thành phố đã giao Sở Tài Nguyên Môi trường lấy 10 mẫu nguồn nước giếng khoan để kiểm tra. Sau khi có kết quả sẽ có thông tin chính thức đến các cơ quan” – ông Hà Huy Quang nói.

Về phản ánh có vài trăm ngôi mộ chôn bên rìa nghĩa trang, Phó chủ tịch huyện Mê Linh cho hay, việc này đã tồn tại hàng chục năm nay, huyện đã biết và xử lí. Trên 2/3 các ngôi mộ đã bị phá dỡ. Ông Quang khẳng định, “đây là những ngôi mộ người ta xí phần chứ không phải ngôi mộ có chủ. Hiện còn trên 160 ngôi mộ có chủ huyện đang tiếp tục triển khai di dời”.

“Vấn đề ở đây là tâm linh, người chết thì không có tội tình gì nhưng người sống mà vẫn tiếp tục chôn vào đó thì chúng tôi yêu cầu di dời ngay”, ông Quang quả quyết.

Như vậy, nghĩa trang Thanh Tước đã quá tải, hết chỗ địa táng. Trong khi đó, tại các nghĩa trang tự phát ở Hà Nội cũng rất khó để mua được chỗ dù phải trải qua nhiều khâu trung gian, “cò đất” hoặc mượn chỗ nhưng chi phí cũng 50-90 triệu một ngôi.

Thực tế này phản ánh một thực trạng chung của nghĩa trang tại Thủ đô: chật chội, quá tải, quy hoạch lộn xộn và có thể bị di dời bất kỳ lúc nào.

Người Việt vốn coi trọng mồ mả. Vì thế nỗi lo lắng về chuyện hậu sự là vấn đề chung được toàn xã hội quan tâm. Trong số đó, có cả những người trẻ cũng bắt đầu lo xa tìm chỗ cho việc hậu sự.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang