Hà Nội: Nhiều cây xăng 'chưa sẵn sàng' gắn thiết bị in chứng từ bán hàng

author 20:30 07/04/2018

(VietQ.vn) - Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội vẫn “im hơi lặng tiếng” và tỏ ra “chưa sẵn sàng” với quy định lắp đặt thiết bị in chứng từ cho cột đo xăng dầu.

Theo quy định tại Thông tư 15/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ (gọi tắt là Thông tư 15), kể từ ngày 1-7-2018, các cột đo xăng dầu phải có thiết bị in chứng từ bán hàng để cung cấp cho khách hàng. Đây được coi là điểm mới nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như hướng tới sự văn minh, hiện đại trong kinh doanh buôn bán xăng dầu.

Theo đó, thiết bị in chứng từ phải thể hiện được tên cửa hàng, địa chỉ, ký hiệu, số sêri của cột bơm xăng dầu, thời gian, loại xăng dầu, số lượng, đơn giá, số tiền… Việc in hóa đơn để hạn chế và chấm dứt việc kinh doanh xăng dầu lậu, cũng như có cơ sở trong việc giải quyết thắc mắc, khiếu nại, sự cố liên quan đến việc mua bán, chất lượng xăng dầu.

Điều này không chỉ góp phần nâng cao văn minh thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn giúp các doanh nghiệp khẳng định việc kinh doanh tuân thủ pháp luật, công khai, minh bạch hóa thị trường xăng dầu cũng như hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước thông qua các chứng từ để giải quyết các tranh chấp, dấu hiệu gian lận thương mại.

Theo ghi nhận của PV, đến thời điểm hiện nay, hầu hết các trụ bơm xăng dầu trên địa bàn thành phố Hà Nội đều không có chức năng in hóa đơn. Chỉ có một vài doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu có tiềm lực về tài chính đã và đang thực hiện việc lắp đặt thiết bị in chứng từ "sớm" theo quy định.

Tiêu biểu, tại cửa hàng xăng dầu số 194 Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cửa hàng này đã lắp đặt các thiết bị in chứng từ tại sáu cột và “phủ lệnh in” tới 24 vòi bơm. Ở mỗi mã, nếu khách hàng cần sẽ được ấn lệnh và in ngay tại cột bơm sau khi kết thúc giao dịch.

Nhân viên cây xăng ấn lệnh in ngay tại cột bơm

Khách hàng nhận hóa đơn ngay sau khi kết thúc giao dịch

Tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 60 ( Cầu Giấy, Hà Nội) các cột bơm tại cửa hàng cũng chưa lắp đặt thiết bị in chứng từ trực tiếp tại các cột bơm. Tuy nhiên khách hàng yêu cầu đều có thể lấy hóa đơn, chứng từ thông qua hệ thống máy tính in tại khu điều hành chung hoặc lấy hóa đơn online.

Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu vẫn “im hơi lặng tiếng” và tỏ ra “chưa sẵn sàng” với quy định này với lý do được đưa ra là thói quen sử dụng tiền mặt thuần túy của người dân Việt Nam và rất ít khách hàng yêu cầu in hóa đơn, chứng từ sau khi bơm xăng. Đồng thời, chi phí lắp đặt các thiết bị liên quan tới việc gắn thiết bị in chứng từ khá cao. Các doanh nghiệp, đại lý nhỏ lẻ khi thực hiện quy định này đều phải cân nhắc, tính toán, nếu không sẽ gây khó khăn, giảm doanh thu.

"Bây giờ nếu đầu tư thiết bị in chứng từ cho hàng chục trụ bơm bao gồm máy móc, hệ thống truyền dữ liệu, bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên, chi phí về giấy, mực... cũng tốn kém. Trong khi đó, mỗi lít xăng chúng tôi lãi được vài trăm đồng cũng khiến doanh thu bị sụt giảm nên cũng cần cân nhắc và tính toán", đại diện một cửa hàng xăng dầu trên đường Láng, Hà Nội chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Văn Vinh cho biết, quy định mới là để bảo vệ quyền lợi của chính khách hàng và kiểm soát tổng đầu ra. Việc in và cung cấp chứng từ bán lẻ xăng dầu cho khách hàng tại các nước rất phổ biến. Đây là biện pháp để ngăn chặn gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu. Thông qua việc kiểm tra, đối chiếu số lượng nhập đầu vào và đầu xuất tại cửa hàng, cơ quan quản lý có thể xác định tình trạng mua thêm xăng dầu trôi nổi, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng để bán cho người tiêu dùng.

Mặt khác, việc này có thể giúp ngăn ngừa hành vi tiêu cực như “bơm chồng”, lấy mẫu xăng dầu để phát hiện trường hợp kém chất lượng. Sau đó, căn cứ vào những chứng từ bán hàng, có thể tính toán tổng gian lận và có giải pháp xử lý về hành vi gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Quy định này cũng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khách hàng có thể sử dụng các chứng từ bán hàng để tố cáo hành vi vi phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc bán thiếu xăng dầu. Trước đây, có nhiều trường hợp người dân tố cáo cây xăng gian lận nhưng do không có chứng từ nên không thể đối chiếu, xác minh được.

Thông tư 15 không quy định cụ thể "phải gắn thiết bị in chứng từ cho mỗi cột đo xăng dầu" và cũng không quy định cụ thể "phải in chứng từ sau mỗi lần bơm xăng dầu cho khách hàng". Vì vậy, trường hợp có nhiều cột đo xăng dầu tại một địa điểm, có thể sử dụng chung thiết bị in chứng từ cho nhiều cột đo xăng dầu nhưng không được gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Đối với những trường hợp cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm quy định cột đo xăng dầu phải có thiết bị in chứng từ bán hàng, sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 119/2017/NĐ-CP.

Thiết bị in chứng từ bán hàng phải bảo đảm các yêu cầu: Bảo đảm tình trạng kỹ thuật theo hướng dẫn của nhà sản xuất và hoạt động tốt.

Chỉ in được chứng từ khi kết thúc quá trình bơm xăng dầu cho khách hàng (ví dụ: Khi đặt vòi cấp phát vào giá treo trên cột đo xăng dầu);
Các thông tin bắt buộc in trên chứng từ bán hàng gồm: Tên cơ sở bán hàng, địa chỉ; kiểu, ký hiệu, số Serial của cột đo xăng dầu; phút, giờ, ngày, tháng, năm bán hàng; loại xăng dầu, số lượng, đơn giá, tổng số tiền xăng, dầu đã bán.

Không có cơ cấu, chức năng tác động làm thay đổi thông tin in trên chứng từ bán hàng, thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường của cột đo xăng dầu.

 Hùng Cường

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang