Hà Nội ra quân xử lý vỉa hè: Người vi phạm nói gì?

authorHoàng Dương 16:34 10/03/2017

(VietQ.vn) - Hôm nay (10/2), Hà Nội ra quân giành lại vỉa hè. Ngay lập tức, một hình ảnh ngăn nắp, trật tự với phố thông, hè thoáng khiến người dân thủ đô hài lòng. Còn những người kinh doanh vi phạm, họ nói gì?

Sự kiện:

Người tự tháo dỡ, người kể …khổ

Ngay từ đầu giờ sáng, hệ thống loa truyền thanh trên khắp các phường của khu phố cổ đã phát đi thông tin tuyền truyền, vận động người dân về ý thức chấp hành pháp luật đảm bảo không lấn chiếm vỉa hè. Cùng với đó, nhiều hộ dân kinh doanh buôn bán tại khu vực phố cổ đã tự giác chấp hành và tháo dỡ các hạng mục công trình, biển bảng lấn chiếm.

Hà Nội ra quân ‘giành lại vỉa hè’ người vi phạm nói gì?

 Không cần đến khi cơ quan chức năng nhắc nhở, nhiều hộ kinh doanh đã tự tháo dỡ các công trình vi phạm vỉa hè - Ảnh Trần Dũng

Ông Phạm Văn Nhân, một hộ kinh doanh quần áo tại phố Hàng Đào cho biết, không phải đến sáng nay khi nghe loa truyền thanh phát thông báo về việc Hà Nội ra quân xử lý vi phạm vỉa hè ông mới thực hiện. Mà trước đó, qua thông tin đại chúng, báo đài, ông đã tự tháo dỡ những hạng mục công trình của nhà mình gồm biển bảng, hay bậc thềm bê tông tự chế.

Cùng tương tự như ông Nhân, sáng nay, khi nghe loa truyền thanh phát đi thông tin tuyền truyền, gia đình bà Hà Thị Hoa (Tạ Hiện – Hà Nội) cũng đã tự tháo bỏ những hạng mục công trình lấn chiếm, vi phạm. Trước 8 giờ sáng nay, về cơ bản trên tuyến phố cổ Hà Nội, người đi bộ đã ung dung dạo bước trên vỉa hè thay vì phải đi dưới lòng đường như trước đây.

Video ra quân dẹp vỉa hè ở Hà Nội:

Tuy nhiên, ngoài những hộ kinh doanh tự tháo dỡ các hạng mục vi phạm trên vỉa hè thì còn rất nhiều người cố tình vi phạm và đổ lỗi cho hoàn cảnh. Phải đến khi lực lượng chức năng đi tuần tra, kiểm soát và kiên quyết lập biên bản thì những hộ kinh doanh này mới nhận sai và kể… khổ.

Tại phố Hàng Buồm, Công an Phường này đã nhắc nhở và lập biên bản vi phạm với nhiều hộ kinh doanh cố ý lấn chiếm vỉa hè. Thậm chí nhiều người vi phạm không phải sinh sống ở tại địa bàn phường Hàng Buồm đã ngang nhiên đến vỉa hè để bày hàng hóa ra bán.

Đơn cử như hàng thịt của chị Phạm Thị Hội ở Đông Anh (Hà Nội), mặc dù không phải là người dân của khu phố này nhưng chị Hội vẫn ngang nhiên bày bán thịt trên vỉa hè Hàng Buồm. Khi được cơ quan chức năng đến nhắc nhở và lập biên bản vi phạm thì chị Hội đã kể khổ với việc mưu sinh nuôi gia đình. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn cương quyết, nếu chị Hội còn tiếp tục vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật hiện hành.

Hà Nội ra quân ‘giành lại vỉa hè’ người vi phạm nói gì?

 Bà Bùi Thị Thìn phải đợi khi lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm mới nhận sai và kể ... khổ - Ảnh Trần Dũng

Cũng giống như chị Hội, bà Bùi Thị Thìn, bán hàng bún tại đầu ngõ Đào Duy Từ (Quận Hoàn Kiếm – Hà Nội) khi lực lượng chức năng đến nhắc nhở vi phạm bà Thìn vẫn bỏ ngoài tai. Chỉ đến khi lực lượng chức năng lập biên bản thì bà Thìn ngay lập tức kể khổ.

Theo bà Thìn kể thì nhà bà ở trong ngõ 6A Đào Duy Từ (Quận Hoàn Kiêm – Hà Nội). Nguồn sống duy nhất của gia đình bà là quán bún trên vỉa hè đầu ngõ này. Nếu từ mai bà Thìn không được bán ở đây nữa thì bà không biết phải làm gì để tự nuôi sống bản thân và các thành viên trong gia đình.

Cũng tương tự trường hợp của bà Thìn, chị Phạm Thị Lan (Mỹ Hào – Hưng Yên) - một người bán nước trên vỉa hè nói: “Thực ra, cũng chỉ vì cuộc sống mưu sinh mà làm vậy. Nếu có sức khỏe tốt thì chắc tôi không ngồi bán nước vỉa hè như thế này, mà đi làm thuê. Nhưng sức khỏe có hạn, các con thì đang trong tuổi ăn tuổi học nên đành xa quê, xa con mưu sinh bên quán nước. Biết là sai, là vi phạm nhưng cũng đành nhắm mắt làm liều. Cũng nhiều lần các chú công an nhắc nhở song vì miếng cơm manh áo và tiền học cho các con nên đành lấn chiếm. Nhưng đến thời điểm này thì chắc phải nghỉ bán để tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, nếu vậy thì không biết sẽ làm gì kiếm tiền nuôi con. Về quê làm ruộng thì không đủ sống, đi làm thuê trên Hà Nội sức khỏe yếu, đành nghĩ thêm cách khác phù hợp vậy”, chị Lan buồn rầu nói.

Chị Lan cho biết, chồng chị mất vì tai nạn giao thông cách đây hai năm, hiện tại một mình chị nuôi ba con nhỏ, các con ở nhà với ông bà nội còn chị lên thành phố mưu sinh. Hiện tại, cả gia đình trông chờ vào quán nước trên vỉa hè. Giờ phải trả lại vỉa hè cho người đi bộ chị vẫn chưa tìm được cách xoay sở cho thỏa đáng để kiếm tiền nuôi các con ăn học.

Mong muốn có chính sách mở, có công ăn việc làm ổn định

Với những người kinh doanh, buôn bán như chị Lan kể trên thì mong muốn duy nhất của họ là chính quyền có chính sách mở cửa, tạo thêm nguồn việc làm có thu nhập phù hợp, để họ lo toan được gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng.

Anh Phạm Văn Thanh, chủ một tiệm sửa xe máy trên đường Trương Định, tâm sự, việc anh lấn chiếm vỉa hè là việc khó tránh khỏi. Bởi vì, nếu không lấn chiếm vỉa hè thì anh không biết sẽ để xe cho khách chỗ nào.

Hà Nội ra quân ‘giành lại vỉa hè’ người vi phạm nói gì?

 Sáng nay, rất nhiều người vi phạm lấn chiếm vỉa hè bị lực lượng chức năng lập biên bản vi phảm - Ảnh Trần Dũng

“Tôi quê ở Thanh Hóa lên Hà Nội mưu sinh. Ban đầu làm nghề đánh giày. Khi tích góp được một khoản nho nhỏ thì đi học sửa xe và thuê một cửa hàng nhỏ. Với số tiền vốn không có nhiều, tôi chỉ thuê được diện tích bé nên đành sử dụng vỉa hè để lấy chỗ để xe. Nếu không sử dụng vỉa hè thì cửa hàng của tôi chỉ để được tối đa là 4 chiếc xe máy. Nhiều khi khách đông lên đến hơn 10 chiếc, đành phải để tạm vỉa hè. Cho nên tôi đề xuất, với những người lao động nghèo, Nhà nước nên có chính sách mở. Chẳng hạn tôi có nghề sửa xe thì nên được ưu tiên vào làm các gara hoặc tạo điều kiện cho sử dụng một chỗ nào đó hành nghề thoải mái, kiếm chút thu nhập gửi về quê cho mẹ già. Nếu không thì xin có giải pháp khác, chẳng hạn chỉ nên dẹp vỉa hè khu phố cổ, khu phố du lịch còn lại phố khác thì để cho người dân mưu sinh”, anh Thanh nói.

Còn chú Hanh quê ở Hà Nam cho rằng: “Những người như chúng tôi chỉ vì bần cùng lắm mới lăn lộn sống ở vỉa hè. Đa phần người mưu sinh ở vỉa hè là người nghèo, hết cách kiếm sống mới phải bám trụ nơi lề đường khói bụi chứ cũng không sung sướng gì. Chúng tôi rất mong muốn được tạo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, chứ cũng không ai muốn lao động tự do vừa tiền nong bấp bênh vừa sương gió, bụi đường”.

Nhiều người kinh doanh cũng đưa ra cam kết, nếu như cho họ cơ hội được mưu sinh trên vỉa hè thì họ sẽ ý thức. Nếu giờ cao điểm sợ tắc đường họ sẽ không bán hàng và chỉ bán hàng vào những giờ thấp điểm, ban đêm và bày biện không gian kinh doanh của mình thật ngăn nắp, gọn gàng và vẫn ưu tiên có lối đi cho người đi bộ.

Người dân thủ đô phấn khởi khi phố thông hè thoáng, khách du lịch hài lòng

Đến khoảng 10 giờ sáng nay, hầu hết, Hà Nội mang một diện mạo mới. Đó là phố thông, hè thoáng và một Hà Nội trật tự, ngăn nắp, không còn tình trạng người đi bộ phải đi dưới lòng đường. Nhất là với người dân khu phố cổ, họ là những vui nhất khi niềm vui thể hiện trên nét mặt rạng ngời.

Hà Nội ra quân ‘giành lại vỉa hè’ người vi phạm nói gì?

 Với bà Phượng thì đây là lần đầu tiên bà được ung dung dắt cháu đi học trên vỉa hè mà không "nơm nớp" sợ tai nạn - Ảnh Trần Dũng

Chia sẻ với PV Chất lượng Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phượng (phố Tạ Hiện – Hoàn Kiếm) cho biết, mỗi sáng khi đưa cháu đi học, hai bà cháu thường phải đi dưới lòng đường, vừa gây cản trở giao thông, vừa nguy hiểm, vì vỉa hè khi đó là chỗ để xe, là nơi kinh doanh buôn bán chật kín lối đi. Nhưng từ mai, hai bà cháu sẽ không còn phải đi dưới lòng đường nữa. Như vậy, cũng không sợ nguy hiểm tai nạn rình rập.

“Hôm nay nhìn phố đúng là sướng quá. Hi vọng thành phố sẽ luôn giữ được sự ngăn nắp như thế này”, bà Phượng nói.

Hà Nội ra quân ‘giành lại vỉa hè’ người vi phạm nói gì?

 Với những người già phố cổ thì đường thông, hè thoáng không còn niềm vui nào bằng - Ảnh Trần Dũng

Còn với bác Tâm, một lão thành Cách mạng nhà trên phố Tạ Hiện cũng cho rằng, Hà Nội phải trật tự, ngăn nắp như thế này mới là văn minh.

“Chưa có khi nào các bà già như chúng tôi lại được ngồi nói chuyện đầu giờ sáng bên hè phố và tản bộ không bị ngăn cản bởi xe cộ như thế này. Mọi khi đi dưới lòng đường toàn phải đi vội đi vàng không sợ xe đâm chứ đâu được đi thong thả. Lần đầu tiên tôi thấy, ở Hà Nội người đi bộ trên khu phố này có làn đường dành riêng mà không sợ nguy hiểm rình rập. Đúng là một nghìn ngày mới có được một ngày như hôm nay. Không mong muốn gì hơn chỉ mong muốn sau này hè phố hôm nào cũng được sach sẽ, ngăn nắp như thế này”, bác Tâm nói.

Không chỉ bác Tâm, bà Phượng mà nhiều khách du lịch trong nước, quốc tế cũng hào hứng với hình ảnh một Hà Nội ngăn nắp, vỉa hè thoáng đãng và vô tư dạo bước không còn vướng bận bởi xe cộ, biển báo ...

Chia sẻ với PV, Phó trưởng Công an Phường Hàng Bạc - Hoàn Kiếm (Hà Nội) Vũ Đảng Sỹ cho hay, ngoài việc phải duy trì hè phố gọn gàng, kiên quyết xử lý vi phạm lấm chiếm thì để đảm bảo không ách tắc giao thông, nhất là khu phố cổ, thành phố Hà Nội cần hạn chế phương tiện xe du lịch từ 16 chỗ trở lên. Bởi theo vị Phó trưởng Công an Phường này, đây là một trong những nguyên nhân khiến khu phố cổ đã chật giờ lại thêm hẹp, nhất là giờ cao điểm.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang