Hà Nội: Rau an toàn đạt 'chuẩn' mới chỉ phục vụ 2% nhu cầu tiêu dùng

author 06:20 03/02/2018

(VietQ.vn) - Rau an toàn có nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn đầy đủ hiện mới chỉ chiếm 3% sản lượng rau, phục vụ 2% nhu cầu tiêu dùng.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2017 vừa qua, ngành y tế Hà Nội đã đẩy mạnh việc quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) tại các chợ đầu mối, phát triển mô hình quản lý thực thẩm theo chuỗi thông qua các chương trình, đề án.

Kết quả, hiện tại, trên địa bàn đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất lúa chất lượng cao với 157 cánh đồng mẫu lớn ở 14 huyện; 5.500 ha rau an toàn được quản lý; 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 3.232 trang trại ngoài khu dân cư; 25 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung (1.690 ha); duy trì 60 chuỗi liên kết ATTP.

Đặc biệt, mô hình ATTP theo chuỗi còn được thành phố Hà Nội phối hợp với các tỉnh triển khai thực hiện. Điển hình như chuỗi sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap của tỉnh Hòa Bình, tỉnh Sơn La với hệ thống cửa hàng, siêu thị Biggreen, Fivimart; chuỗi thịt gà DaBaCo Bắc Ninh... Hà Nội cũng tích cực kết nối, đưa sản phẩm nông sản, rau an toàn của các doanh nghiệp, hợp tác xã tại các huyện vào tiêu thụ tại kênh phân phối của các doanh nghiệp; kết nối với các vùng sản xuất rau, củ, nông sản như vùng Vân Nội - Đông Anh, Duyên Hà - Thanh Trì, Văn Đức - Gia Lâm, Thanh Đa - Phúc Thọ...

Sản lượng rau an toàn đạt chuẩn về nguồn gốc, nhãn mác tại Hà Nội mới chỉ phục vụ được 2% nhu cầu tiêu dùng. Ảnh: Thanh niên 

Tính tới thời điểm hiện tại, Hà Nội có 38 cơ sở sơ chế rau an toàn cũng là 48 chuỗi tiêu thụ rau an toàn theo liên kết dọc; 100% số chuỗi được từ 2 đến 4 đơn vị thực hiện; có 9/48 chuỗi tự tổ chức sản xuất rau, tiêu thụ, không thu gom, 23/48 chuỗi vừa sản xuất, vừa thu gom và 16/48 chuỗi chỉ thu gom, không sản xuất rau.

Tuy nhiên, lượng rau an toàn có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, mới chỉ được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị với sản lượng gần 20.000 tấn/năm, chiếm 5% sản lượng rau an toàn và 3% sản lượng rau, 2% nhu cầu tiêu dùng.

Trong khi đó, rau an toàn chưa có tem, nhãn nhận diện truy xuất nguồn gốc tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu dân cư với sản lượng 370.000 tấn/năm chiếm 92,5% sản lượng rau an toàn và 61,67% sản lượng rau, 37% nhu cầu tiêu dùng.

Bà Lưu Thị Hằng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông sản (Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội) cho biết, tính đến nay, toàn thành phố đã có  khoảng 16 dự án xây dựng vùng rau an toàn tập trung với diện tích 2.000ha. Toàn thành phố cũng đã xây dựng 8 cơ sở chế biến gắn với vùng sản xuất tập trung với công suất 3-7 tấn/ngày và 64 cơ sở chế biến nhỏ của hợp tác xã và doanh nghiệp với công suất 200-1.000 kg/ngày.

Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ rau an toàn vẫn còn khó khăn bởi đa số các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng rau an toàn tập trung chưa phát huy hiệu quả sau đầu tư, quản lý sản xuất khó khăn do nông dân sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, số hộ lớn...

Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng, đến năm 2020, thành phố duy trì 5.100ha rau an toàn, hiệu quả kinh tế đạt 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/ năm. Đồng thời, phát triển 3.000-4.000ha rau được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đạt giá trị 500 triệu đồng/ha/ năm; bảo đảm 100% sản phẩm rau được truy xuất nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm...

"Để thực hiện được việc này, thành phố Hà Nội cần tiếp tục có cơ chế, chính sách về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; ban hành quy trình kỹ thuật về sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ; phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn truy xuất nguồn gốc xuất xứ đến hộ gắn với hệ thống bảo đảm, có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng”, ông Hồng nêu ý kiến.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ để tăng quy mô, sản lượng, chất lượng rau an toàn phục vụ người tiêu dùng. Ảnh: Tuổi trẻ 

Liên quan tới vấn đề trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, để rau an toàn phát triển ổn định, bền vững, các bộ, ngành cần tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định quy định về kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rau khi lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh đó, có cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ rau an toàn cũng như tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn truy xuất nguồn gốc đến từng hộ.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng rau an toàn, cần tăng cường hỗ trợ đào tạo nông dân, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm nghiệm an toàn - thực phẩm và xử lý vi phạm. 

Phong Lâm

Người tiêu dùng ngộ nhận rau tự trồng là rau an toàn(VietQ.vn) - Lo ngại các loại rau trên thị trường bị nhiễm hóa chất độc hại nhiều gia đình đã tự trồng rau vào hộp xốp, nhưng thực tế rau tự trồng liệu có an toàn?
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang