Hà Nội sắp tổ chức thêm sự kiện thể thao lớn

author 07:41 03/04/2013

(VietQ.vn) – Hà Nội vừa họp với Bộ Giáo dục về Đề án tổ chức Đại hội Thể dục thể thao học sinh, sinh viên Đông Nam Á lần thứ 5 tại Việt Nam.

Sau ngày “trúng thầu” đăng cai Đại hội Thể thao châu Á ASIAD 18 (năm 2019), Hà Nội lại đang bàn với Bộ Giáo dục và Đào tạo kế hoạch đăng cai Đại hội Thể dục thể thao học sinh, sinh viên Đông Nam Á lần thứ 5.

Tại Đại hội thể thao học sinh ĐNÁ lần thứ 4, Đoàn Việt Nam giành được 60 HC các loại (27 HCV, 17 HCB, 16 HCĐ), xếp ở vị 4/7 quốc gia tham dự. Ảnh: GDTĐ
Tại Đại hội thể thao học sinh ĐNÁ lần thứ 4, Đoàn Việt Nam giành được 60 HC các loại (27 HCV, 17 HCB, 16 HCĐ), xếp ở vị 4/7 quốc gia tham dự.
Ảnh: GDTĐ

Dự kiến, cuối tháng 6/2013, Đại hội này diễn ra tại Hà Nội, với 135 nội dung của 9 môn: điền kinh, cầu mây, bơi lội, cầu lông, bóng rổ, thể dục, bóng bàn, bóng chuyền và Pencak silat. Với tư cách là nước đăng cai, Việt Nam sẽ tham gia tranh tài 9/9 môn và phấn đấu đứng ở tốp 3 với khoảng 20-25 Huy chương vàng ở một số môn thế mạnh như: Điền kinh, thể dục, bóng bàn, pencak silat...

Trước đó, khi có tin Hà Nội nhận đăng cai ASIAD 18 với kinh phí 150 triệu USD, nhiều người dân đã nêu ý kiến không bằng lòng, nhất là ở thời điểm kinh tế còn khó khăn, nhà nước phải đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác.

"Vậy tại sao các cơ quan nhà nước làm dự án “triệu đô” mà lúc khởi xướng, người dân không được biết?"

Trả lời câu hỏi này của Chất lượng Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính – Sự nghiệp, Bộ Tài chính, TS Nguyễn Trường Giang cho biết, Chính phủ đã có quy định về công khai dự án cho dân biết, nhưng hình thức xử phạt nếu không công khai thì đến nay vẫn chưa được làm rõ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh trong phiên họp báo Chính phủ gần đây cho Chất lượng Việt Nam biết, sắp tới, sẽ chú trọng vào việc yêu cầu các cơ quan dùng ngân sách, phải công khai và xin ý kiến người dân khi muốn làm dự án.

Vì sao Hà Nội được cấp nhiều tiền vượt trội tỉnh lẻ?

Một chuyên gia kinh tế phân tích, một lý do là Hà Nội đóng nhiều thuế hơn các tỉnh khác, nên đòi hỏi phần ngân sách cấp lại phải nhiêu hơn. Mặt khác, Hà Nội vừa đông dân, vừa tập trung các "đầu não" của Nhà nước, nên phải được đầu tư nhiều.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhận định, những người tỉnh lẻ về Hà Nội làm việc cũng muốn một phần thuế của mình đóng cho Nhà nước, phải được đem về quê hương họ, để xây dựng quê hương...dưới hình thức cấp ngân sách cho các tỉnh lẻ.

Với cách làm hiện nay, cứ cấp cho Hà Nội nhiều tiền, sẽ gây ra vòng luẩn quẩn là Hà Nội thu hút dân - Hà Nội được cấp nhiều tiền - Hà Nội quá tải...

"Một điều buồn cười ra..nước mắt nữa là trong khi người tỉnh lẻ về Hà Nội làm ăn và đóng thuế thì một số người lãnh đạo TP này lại chủ trương hạn chế người tỉnh lẻ nhập cư, trong khi chính họ cũng có nguồn gốc từ...tỉnh lẻ" - vị chuyên gia này nhận định.

Dương Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang