Hà Nội sẽ hết dịch sốt xuất huyết không còn nước đọng: Chuyện tưởng dễ mà rất khó

author 15:23 13/08/2017

(VietQ.vn) -Tại sao dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội lại trầm trọng đến như vậy? Hà Nội đã chi ít nhất trên 20 tỉ đồng cho việc phun hóa chất và các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết tuy nhiên đến nay vẫn "bất lực".

Có phòng tránh, sốt xuất huyết vẫn gia tăng

"Sốt xuất huyết" là cụm từ xuất hiện liên tục và dày đặc trong thời gian gần đây. Thống kê mới nhất, từ đầu năm đến nay, cả nước đã có hơn 80 nghìn người mắc sốt xuất huyết trong đó có 21 người tử vong. Hai thành phố lớn nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng là hai địa phương có số ca mắc nhiều nhất cả nước. Đặc biệt, Hà Nội đã có gần 14.000 ca mắc, cao gấp 17 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại cuộc họp khẩn vào giữa tuần qua về phòng chống dịch sốt xuất huyết đang bùng phát trên cả nước, đặc biệt là tình hình nghiêm trọng ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tỏ ra rất sốt ruột, đặt ra vấn đề: Vì sao quyết liệt mà vẫn mắc nhiều, áp dụng các giải pháp rồi mà sao không dập được dịch, số mắc không khống chế được?

Theo các chuyên giá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Miền Bắc năm nay ít ngày rét, trong khi miền Nam thì mùa mưa đến sớm. Đô thị hóa và giao lưu đi lại cũng là điều kiện thuận lợi cho sốt xuất huyết lan truyền.

Về môi trường, trước đây trong các nhà chỉ có 5-10 dụng cụ chứa nước, nay có nhà có đến 30 loại dụng cụ chứa nước. Tại các công trình xây dựng thì các chỗ gồ ghề trên sàn, các bể chứa nước, lán trại... đều có thể phát sinh muỗi và lăng quăng.

Phó Giám Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết gần đây vẫn tăng, cứ tuần sau lại cao hơn tuần trước, chưa có dấu hiệu giảm. Các biện pháp làm rất đầy đủ, đã kiểm tra, phối hợp với ban ngành đầy đủ nhưng vẫn gia tăng, lý do có yếu tố khách quan và chủ quan.

"Đó là vấn đề di cư di dân, mật độ dân số cao. Yếu tố nữa là phát hiện thêm các loại vi rút lưu hành ở Hà Nội. Chúng tôi đã sử dụng tất cả biện pháp dựa vào cộng đồng, chủ yếu dựa vào cộng đồng nhưng đều làm chưa triệt để. Các đội đi phòng chống dịch luôn phát hiện dụng cụ chứa nước có bọ gậy nhưng địa bàn rộng, khi họ vào làm không thể hết được. Khoanh vùng 200 hộ, không bao giờ đi hết cả. Chưa kể các khu xen kẹt thường bị bỏ qua. Việc diệt bọ gậy, diệt muỗi chưa triệt để. Đó là nguyên nhân chủ quan, quan trọng nhất" - Phó Giám Sở Y tế Hà Nội nói.

Lực lượng y tế phun thuốc diệt mỗi. Ảnh Infonet

Tưởng dễ mà khó

Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, các máy phun hóa diệt muỗi trưởng thành công suất lớn được huy động từ 9 tỉnh, TP lân cận đã được đưa về Hà Nội. Bắt đầu từ sáng sớm 14/8, toàn TP Hà Nội sẽ được phun hóa chất diệt muỗi bằng hệ thống các máy này.

Trước đó, Hà Nội có 2 máy công suất lớn với “vòi rồng” phun thuốc đã được huy động đến các ổ dịch lớn để phun thuốc vào ban đêm.

TS Nguyễn Nhật Cảm cho biết, trong đợt phun này, Hà Nội sẽ chú trọng đến các khu vực trọng điểm như bệnh viện, chợ, trường học, các bãi đất kẹt. Trước khi phun thuốc, Trung tâm Y tế tự phòng của phường sẽ thông báo đến người dân để có sự chuẩn bị. Ban ngày các hộ dân trên địa bàn được phun bằng máy phun áp lực nhỏ, máy đeo vai vào từng ngóc ngách trên đại bàn.

Ban đêm mới dùng tới máy phun có áp lực lớn để phun những nơi ô tô có thể đi vào. Máy có tầm hoạt động có thể lên tới hơn 2 giờ liên tiếp, "vòi rồng“ có công suất lớn nên có thể phun xa tới cả chục mét.

Do vậy, những khu đô thị bỏ hoang, những bãi đất trống tới công trường xây dựng là những nơi "vòi rồng" được phát huy hết khả năng. “Vòi rồng” có góc nghiêng 45 độ để thuốc có thể vươn tới các mái nhà thấp, những điểm đọng nước trên cao. Mọi công thức đã được tính toán kỹ lưỡng để khi phun cho hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, TS Cảm nhấn mạnh, phun thuốc diệt muỗi sẽ không thể dập dịch hoàn toàn nếu vẫn tồn tại các ổ lăng quăng, bọ gậy trong các hộ gia đình. Các ổ bọ gậy này sẽ tiếp tục phát triển thành muỗi truyền bệnh và sẽ tiếp tục gây dịch trong cộng đồng. Do vậy, điều quan trọng nhất trong phòng chống dịch sốt xuất huyết là người dân phải chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách lật úp hoặc che đậy kín các dụng cụ chứa nước trong gia đình.

Chia sẻ về vấn đề này, một chuyên gia Bộ Y tế cũng cho rằng dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội không cách nào hết trừ khi trời hết nắng mưa thất thường.

“Nhà cửa khu vực nội thành san sát, nước đọng đâu là có ổ muỗi rồi (muỗi vằn thích ở chỗ nước sạch nhé), người người đi làm, di cư lớn mang nguồn bệnh phát tán. Tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy hết cũng khó (không thể treo hết lên nóc nhà tìm được vì muốn trèo cũng khó), phun thuốc thì nhà phun nhà không vì người dân đi làm, hiệu quả không cao. Phun thuốc đạt hiệu quả khi tất cả các ổ bọ gậy bị diệt, điều này ở Hà Nội là không tưởng, mà còn muỗi thì còn sốt” - Vị chuyên gia này bày tỏ.

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới, sốt xuất huyết là một trong những căn bệnh phát triển nhanh nhất thế giới, ảnh hưởng đến hơn 100 quốc gia trên thế giới với gần 400 triệu ca nhiễm hằng năm. Nguyên nhân chính khiến dịch sốt xuất huyết đã bùng phát dữ dội tại một số nước châu Á và vượt ngoài tầm kiểm soát là do một chủng mới về sốt xuất huyết mà hệ miễn dịch của con người chưa có sức chống lại. Mức độ nguy hiểm của bệnh khiến toàn xã hội và toàn bộ ngành y tế không thể lơ là.

Cần nhanh chóng triển khai quyết liệt và nghiêm túc các giải pháp tổng thể, trong đó có những giải pháp mà chính Bộ trưởng Bộ Y tế đã nêu ra. Đó là phải phun hóa chất trong từng nhà dân để "hạ hỏa" dịch bệnh, nhất là những nơi mà dân di cư sinh sống, nơi tập trung công trình xây dựng, phun phải đúng kỹ thuật và cường độ.

Thứ 2 là phải phun bằng xe ô tô ngoài đường, ngoài môi trường, tại trường học, chợ, bệnh viện. Đặc biệt chú ý các bệnh viện cũng chính là những ổ dịch lớn. Chắc chắn các giải pháp cấp bách này sẽ đòi hỏi khoản kinh phí lớn, nhưng không thể không làm, để "hạ hỏa" dịch ở Hà Nội.

Đối với mỗi hộ gia đình, mỗi cá nhân trong xã hội, mọi người dân phải có ý thức làm sạch mọi ngõ ngách trong môi trường sống, mắc màn khi ngủ và nhập viện khi có chỉ định của bác sĩ. Không còn cách nào khác, chúng ta phải huy động tổng lực để chống dịch, phải chung sức, chung tay ngăn chặn dịch vì sự an toàn của mỗi người và vì lợi ích chung của cộng đồng.

 Hùng Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang