Hà Nội tăng cường kiểm tra kiểm soát dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng

author 10:34 27/07/2017

(VietQ.vn) - Kiểm soát hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng nhập lậu là dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm luôn được lực lượng chức năng của Hà Nội đặc biệt chú trọng...

Tuy nhiên, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả những mặt hàng trên vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

Hà Nội là nơi tập kết, trung chuyển, tiêu thụ số lượng lớn hàng hóa nhập khẩu nhiều loại hàng hóa từ nước ngoài, trong số đó có không ít hàng nhập lậu vào Hà Nội và đưa đi các tỉnh khác. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có xu hướng diễn biến phức tạp, xảy ra trên tất cả các tuyến: đường bộ từ các tỉnh biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng), miền Trung (Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Bình) và phía Nam ra Hà Nội; đường sắt, bưu điện và đường hàng không.

Thực tế hiện nay, phương thức, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường không sản xuất tập trung với số lượng lớn, không có nhà máy, cơ sở sản xuất tập trung có quy mô, mà nhập nguyên liệu về xé lẻ, chia nhỏ từng công đoạn hoặc sản xuất hàng đến đâu tiêu thụ hết đến đó; không cho người đặt hàng đến nơi sản xuất để nhận hàng mà hẹn điểm giao hàng thường là quán cà phê, cơ quan, nơi đoạn đường vắng hoặc nhận chở hàng đến điểm người mua nhằm che giấu sự phát hiện của người mua hàng báo cho cơ quan chức năng; thuê địa điểm đóng gói hoàn thiện hoặc sản xuất là nơi hẻo lánh, khu đô thị mới, thuê phòng trọ trong thời gian ngắn rồi đổi địa điểm sản xuất khác nhằm đối phó với các cơ quan chức năng.

Tại buổi làm việc với Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia mới đây, ông Chu xuân Kiên- Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội- cho biết, thực hiện Công điện số 90/CĐ-BCĐ 389 ngày 13/7/2015 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, Ban chỉ đạo 389/TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch chuyên đề, phương án đấu tranh cụ thể, chỉ đạo các Đội QLTT triển khai các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng nhập lậu là dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm; đặc biệt chú trọng kiểm tra, kiểm soát tại một số địa bàn trọng điểm: chợ thuốc Hapulico, chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp và một số tuyến phố chuyên doanh, sân bay quốc tế Nội Bài, khu vực bến xe, ga tàu, kho tàng, bến bãi, khu vực đê sông Hồng…

Qua kiểm tra đã thu giữ nhiều tang vật vi phạm. Các lực lượng chức năng đã xử lý 139.793 sản phẩm thực phẩm chức năng các loại; 12.991 sản phẩm thực phẩm chức năng giả; 102.710 hộp, lọ, gói thuốc tân dược; 20.898 kg thuốc đông dược; 29.658 sản phẩm vật tư y tế, thiết bị y tế; 464.827 sản phẩm mỹ phẩm các loại; 2.394 sản phẩm mỹ phẩm giả; 301 thiết bị, máy móc làm đẹp các loại,...

Lực lượng chức năng kiểm tra mỹ phẩm lậu

Tăng cường hiệu quả phối hợp

Theo ông Nguyễn Công San - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, một trong những vướng mắc hiện nay là hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác đấu tranhchống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đối với mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng còn chưa đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng để hoạt động bất hợp pháp và gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Hơn nữa, công tác giám định, chất lượng hàng hóa của các cơ quan chuyên môn còn mất nhiều thời gian, kinh phí cao; mỗi đơn vị giám định lại cho kết quả khác nhau. “Có mặt hàng, chi phí giám định lên tới tiền tỷ, gây khó khăn cho quá trình xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng“ - ông Nguyễn Công San cho biết thêm.

Mặt khác, việc thiếu sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong việc chia sẻ thông tin, nắm bắt các thủ đoạn buôn lậu cũng là nguyên nhân làm cho công tác này đạt hiệu quả chưa cao.

Thượng tá Thành Kiến Trung - Phó trưởng phòng PC46 Công an Hà Nội cho rằng, cần phải có một ngân hàng dữ liệu chung, cập nhật các số liệu của các ngành, từ công bố chất lượng sản phẩm, đến ​địa điểm giao nhận hàng... ​và dữ liệu chung này phải được trao đổi thường xuyên giữa các cơ quan chức năng, có như vậy công tác đấu tranh với hàng lậu, hàng giả sẽ ​tốt hơn. "Việc kết nối thông tin chung giữa các cơ quan với nhau đến nay vẫn không có" - ông Thành Kiến Trung cho hay.

Đồng tình ý kiến trên, ông Chu Xuân Kiên - Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng cho rằng, việc chia sẻ thông tin hiện vẫn vướng những quy định của từng ngành và địa phương. Cùng với đó, cần tăng thêm chế tài xử phạt. Ông Chu Xuân Kiên cho hay, dù Hà Nội làm rất kiên quyết nhưng một số tỉnh khi thấy chế tài còn nhẹ nên chưa làm mạnh tay, ảnh hưởng chung đến việc kiểm tra, thu giữ hàng hóa. Đặc biệt là cần làm mạnh công tác chống hàng lậu và gian lận thương mại từ biên giới, có như vậy mới tăng cường được hiệu quả của công tác này trong nội địa.

Để nâng cao công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, theo ông Chu Xuân Kiên, cần có hướng dẫn, quy định chặt chẽ hơn nữa về điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu cũng như cấp phép lưu hành đối với mặt hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, thông tin công khai về việc cấp phép sản xuất, kinh doanh của cơ quan quản lý; chỉ đạo các ban, ngành địa phương triển khai các kế hoạch kiểm tra, đồng thời không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, đơn vị làm ăn chân chính.

Bên cạnh đó, cần lập đường dây nóng nhằm tiếp nhận thông tin về hàng giả, hàng kém chất lượng qua đó nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với loại tội phạm này - ông Chu Xuân Kiên nhấn mạnh.

Theo thống kê của cơ quan thường trực 389 Hà Nội, trong vòng 2 năm, từ  ngày 13/7/2015 - 13/7/2017, các lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã kiểm tra 1.622 vụ, xử lý 1.626 vụ, phạt hành chính 16, 437 tỷ đồng. Trị giá hàng hoá vi phạm: 39, 557 tỷ đồng. Khởi tố 2 vụ và 3 đối tượng.

PV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang