Hà Nội: Thịt lợn không dấu kiểm dịch, không nguồn gốc vẫn ‘tung hoành”

author 16:09 10/08/2017

(VietQ.vn) - Tại nhiều chợ lớn ở Hà Nội, tình trạng thịt lợn không dấu kiểm dịch, không nguồn gốc vẫn được bày bán tràn lan.

Nhiều chợ kinh doanh thịt lợn không kiểm dịch

Phản ánh với Chất lượng Việt Nam, nhiều người tiêu dùng bày tỏ lo ngại về chất lượng của thịt lợn bán tại một số chợ lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm dịch.

Để làm rõ những thắc mắc, lo lắng của người tiêu dùng, PV Chất lượng Việt Nam đã tiến hành quá trình khảo sát tại một số khu chợ lớn của Hà Nội như chợ Tân Mai (Hoàng Mai), chợ Mỹ Đình (Nam Từ Liêm), chợ Sinh viên (Cầu Giấy), chợ Thành Công (Ba Đình)…Theo những gì PV trực tiếp ghi nhận được, tình trạng thịt lợn không có dấu kiểm dịch, không nguồn gốc xuất hiện ở hầu hết các chợ nêu trên.

Trong vai một người mua hàng, PV đã dò hỏi về nguồn gốc của số thịt bán tại các chợ được giết mổ và nhập từ đâu. Tuy nhiên, câu trả lời mà chúng tôi nhận được chỉ là những thông tin mập mờ và mang nặng tính ‘quảng cáo”.

Cụ thể, khi được hỏi về việc liệu số thịt đang bày bán có đảm bảo về chất lượng, một chủ hàng thịt ở khu chợ Sinh viên (Cầu Giấy) nói: “Thịt do mình bán được nhập từ nơi giết mổ sạch, có chứng nhận hẳn hoi, cứ mua về ăn đảm bảo không có vấn đề gì”. Dù khẳng định thịt do mình bán là thịt chất lượng nhưng khi PV hỏi tại sao không thấy xuất hiện dấu kiểm dịch thì chủ hàng trên lại giải thích với lý do “hôm nay do mình đi bán sớm nên cán bộ chưa tới đóng dấu”.

Chưa thấy thuyết phục với câu trả lời trên của người bán hàng, PV tiếp tục có mặt tại chợ Sinh viên ngày thứ hai. Tuy nhiên, tình trạng thịt lợn không được đóng dấu kiểm dịch vẫn được bày bán rộng rãi kéo dài từ đầu giờ sáng đến gần hết phiên chợ thực phẩm. Tình trạng trên cũng xuất hiện tại chợ Mỹ Đình (Nam Từ Liêm), chợ Tam Đa (dốc Thụy Khê, Tây Hồ).

Thịt lợn không dấu kiểm dịch, không rõ nguồn gốc được bán tại chợ Tam Đa (Thụy Khê, Tây Hồ). 

Tại chợ Tân Mai (Hoàng Mai), cùng được hỏi về thông tin nguồn gốc, dấu kiểm dịch không xuất hiện trên thịt được bày bán thì một chủ hàng thịt khác lại có cách lý giải rất “mập mờ”.

“Thịt này chị mổ mang sớm từ quê (Bắc Ninh) lên nên đảm bảo lắm, không phải lo về kiểm dịch đâu. Còn thịt như bình thường chị bán là vẫn có đóng dấu kiểm dịch bình thường”, chủ cửa hàng thịt cho hay.

Qua quá trình khảo sát thực tế tại một số chợ lớn của Hà Nội, PV cũng nhận thấy mặc dù tình trạng thịt lợn không dấu kiểm dịch hoặc không rõ nguồn gốc được bày bán rộng rãi nhưng phần lớn người tiêu dùng lại chưa có ý thức sâu sắc về chất lượng của những sản phẩm này. Theo đó, do tin tưởng vào những lời quảng cáo ‘có cánh’ từ người bán hàng như “thịt lợn quê” hay thịt lợn do “nhà tự nuôi” mà nhiều người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền ra mua thịt mà không hề biết rõ thịt có nguồn gốc từ đâu, chất lượng thực tế ra sao.

Chị Mai, một nhân viên văn phòng ở khu vực Hoàn Kiếm - Hà Nội cho hay: “Khi mua thịt lợn, tôi thường không để ý nhiều đến việc thịt lợn mà mình mua có nguồn gốc từ đâu. Ra chợ thấy mảnh nào ngon, nhìn màu sáng thì mua. Nhiều người tiêu dùng như tôi cũng không biết quy định đóng dấu kiểm dịch ra sao, mà có hỏi thì chủ hàng cũng chỉ nói là thịt đảm bảo, thịt ngon mà thôi”.

Điều đáng nói là dù không có dấu kiểm dịch, không rõ nguồn gốc nhưng các loại thịt lợn tại các chợ lớn nêu trên đều được bán với giá khá cao. Theo đó, giá thịt nạc vai dao động từ khoảng 80-90 nghìn đồng/kg, giá thịt mông từ 75-85 nghìn đồng/kg, ba chỉ từ khoảng 55-65 nghìn đồng/kg.

Hiểm họa từ thịt lợn không nguồn gốc

Thịt lợn là một trong những thực phẩm thiết yếu có trong các bữa cơm của gia đình. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thịt lợn bẩn, thịt lợn không kiểm dịch, không nguồn gốc đang được bày bán tràn lan khiến người tiêu dùng không khỏi lo ngại về những ảnh hưởng tới sức khỏe .

Theo số liệu thống kê đã được công bố, tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc thời gian gần đây chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 35%, tiếp đến là hút thuốc lá 30%, yếu tố di truyền chỉ chiếm 5-10%. Những thực phẩm có chứa các chất độc hại gây ra sự đột biến tế bào ở cơ thể con người. Tỷ lệ ung thư do thực phẩm không rõ nguồn gốc tiếp tục gia tăng đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới.

Số ca mắc ung thư tăng nhanh là do tác động của thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường. Trong đó, phổ biến của nhóm chất này là Salbutamol và Clenbuterol dùng để tăng trọng, tăng tỷ lệ nạc trong vật nuôi. Quá trình này sẽ làm gia tăng nhiều loại ung thư nguy hiểm như ung thư vú, ung thư hạch, ung thư dạ dày, ung thư thực quản. Trong quá trình bảo quản sản phẩm, vì lợi nhuận bán hàng mà nhiều người kinh doanh đã sử dụng hóa chất bảo quản vô tội vạ, vượt ngưỡng cho phép nhiều lần để thực phẩm tươi lâu hơn. Điều này vô cùng nguy hiểm, chất độc sẽ ngấm vào cơ thể người từ từ, tích tụ, đến thời điểm sẽ bộc phát thành bệnh.

Thông thường, thịt lợn được bán ngoài thị trường phải có dấu kiểm dịch như thế này. Ảnh: suckhoe

Theo ông Nguyễn Duy Tài, BS Chuyên khoa 2, PGĐ Bệnh viện Quận 2, TP.HCM, thời gian gần đây, người tiêu dùng hết sức quan tâm nạn thực phẩm kém chất lượng, đặc biệt là những thực phẩm nhiễm hóa chất và không rõ nguồn gốc. Vấn đề này mang tính thời sự, và để giải quyết triệt để, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và nhiều vấn đề liên quan khác của xã hội.

“Trong thực phẩm được bày bán và sử dụng hằng ngày ở các chợ, hầu hết đều có sử dụng hóa chất để bảo quản hay chế biến với liều lượng phù hợp. Tuy nhiên, với việc sử dụng hóa chất tràn lan không được kiểm soát như hiện nay gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân. Trước mắt, những thực phẩm nhiễm hóa chất sẽ gây ra một số triệu chứng với biểu hiện lâm sàng nhẹ như rối loạn tiêu hóa đường ruột, ngộ độc thức ăn, chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu. Nếu nặng hơn, sẽ ảnh hưởng đến gan, thận, mật, thần kinh, cơ gây nguy hiểm tới tính mạng”, BS Tài nhấn mạnh.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Minh Nguyệt, BS Chuyên gia dinh dưỡng (CTCP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood) phân tích, do điều kiện kinh tế khó khăn, thói quen ăn uống còn dễ dãi, thích các món “ngon, nhìn bắt mắt” và rẻ. NTD đã tạo điều kiện cho những người sản xuất kinh doanh vô lương tâm có cơ hội bất chấp mọi thủ đoạn để làm ra sản phẩm bẩn nhưng bắt mắt, dễ bán, lợi nhuận cao. Đa phần các loại thực phẩm này không được kiểm dịch, không có nguồn gốc rõ ràng.

Và để bữa ăn hàng ngày đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, BS Nguyệt khuyên người tiêu dùng nên tìm mua những thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm định chất lượng, được sản xuất bởi các nhà sản xuất uy tín, có thương hiệu, tránh mua hàng trôi nổi, không nên ăn uống ở những hàng quán kém vệ sinh.

Theo Quyết định số 48/2005/QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT về "Quy định mẫu dấu kiểm soát giết mổ, tem kiểm tra vệ sinh thú y", thịt và các sản phẩm khác của động vật trên cạn sau khi giết mổ, sơ chế phải được kiểm tra và đóng dấu kiểm soát giết mổ hoặc dán tem kiểm tra vệ sinh thú y trước khi đưa ra lưu thông tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu;

Vị trí đóng dấu kiểm soát giết mổ đối với lợn đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y để tiêu dùng nội địa được quy định cụ thể:
1. Đối với thân thịt lợn sữa: đóng 01 dấu kiểm soát giết mổ tại vị trí mông của thân thịt;
2. Đối với thân thịt lợn choai, lợn thịt:
a) Thân thịt, thịt lợn mảnh sau khi giết mổ được đưa tới cơ sở sơ chế, chế biến: đóng 01 dấu kiểm soát giết mổ tại vị trí mông của thân thịt hoặc mỗi mảnh đóng 01 dấu kiểm soát giết mổ ở mông;
b) Thân thịt để tiêu thụ trên thị trường phải được lăn dấu hoặc đóng dấu kiểm soát giết mổ ở hai bên thân thịt từ vùng má đến vùng mông của thân thịt;
c) Thịt mảnh để tiêu thụ trên thị trường phải được lăn dấu hoặc đóng dấu kiểm soát giết mổ từ vùng cổ đến vùng mông của thịt mảnh;
d) Thịt miếng phải được lăn hoặc đóng dấu kiểm soát giết mổ sao cho diện tích dấu đảm bảo được sự nhận dạng là đã kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm.

Phong Lâm

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang