Hà Nội thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

author 17:11 21/12/2020

(VietQ.vn) - Hà Nội sẽ hình thành mạng lưới công nghiệp hỗ trợ với nhiều lớp cung ứng, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trên cả nước; đẩy mạnh liên kết cung ứng trong Vùng Thủ đô, đặc biệt trong một số lĩnh vực: sản xuất ô tô, xe máy; cơ khí chế tạo; điện thoại di động...

Tập trung phát triển 3 lĩnh vực chính

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, trong phát triển công nghiệp, CNHT góp phần quyết định hiệu quả, chất lượng và giá thành của sản phẩm. Việc phát triển các ngành CNHT một cách hợp lý, cân đối trong bối cảnh toàn cầu hóa sẽ tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, hình thành mạng lưới sản xuất với nhiều lớp cung ứng, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp tại Hà Nội và các địa phương trong cả nước. 

Các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội chợ công nghiệp hỗ trợ Hà Nội 2020

 

Phát triển CNHT là giải pháp đột phá nhằm tạo động lực cho các ngành công nghiệp thành phố Hà Nội, nhất là trong các lĩnh vực có yêu cầu cao về CNHT như điện - điện tử, lắp ráp ô-tô, xe máy; cơ khí chế tạo và các ngành công nghiệp công nghệ cao. 

Chín tháng đầu năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, song ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tăng trưởng 4%. Trong đó, công nghiệp hỗ trợ (cung cấp linh kiện, phụ tùng, vật liệu…) cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như ô-tô, xe máy, điện - điện tử... đóng vai trò hết sức quan trọng. Hiện, CNHT của thành phố đang tập trung vào ba lĩnh vực: Sản xuất linh kiện, phụ tùng (bao gồm linh kiện điện - điện tử, linh kiện lắp ráp ô-tô và linh kiện cơ khí chế tạo); phục vụ ngành dệt may, da giày; phục vụ công nghiệp công nghệ cao.

Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất còn rất thấp nên hầu hết các linh kiện, phụ tùng quan trọng cho sản phẩm công nghiệp vẫn phải nhập khẩu. Nguyên nhân là do doanh nghiệp Hà Nội có số lượng ít, trình độ công nghệ, quản lý ở mức thấp. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất (tiền thuê đất, lao động, các dịch vụ...) tại Hà Nội cao hơn các tỉnh, thành phố lân cận nên hạn chế khả năng thu hút đầu tư. 

Ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2020-2025 

Ngày 5/5/2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2020. Chương trình triển khai 13 hoạt động nhằm kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ… 

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, Hà Nội có khoảng 1.000 doanh nghiệp CNHT, trong đó 40% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng, tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Kinh phí để thực hiện từ nguồn ngân sách thành phố, đóng góp của doanh nghiệp và các nguồn khác. Mục tiêu đặt ra là đưa chỉ số công nghiệp hỗ trợ tăng 12%, hết năm 2020 có 900 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. 

Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành các hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện, đổi mới công nghệ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại. Để được hỗ trợ, mỗi doanh nghiệp sẽ được chấm điểm dựa trên 7 tiêu chí chung như: nâng cao năng suất lao động; bảo đảm duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm; hiệu quả sản xuất kinh doanh... Cùng với đó là 2 tiêu chí ưu tiên, gồm: Dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên hay sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố… Trong quý IV-2020, Sở sẽ tiếp nhận đánh giá hồ sơ, công bố kết quả. 

Bên cạnh đó, Sở đã chủ động tham mưu trình thành phố ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2020-2025, trong đó tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ mà thành phố có lợi thế, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Hà Nội và cả nước. 

Định hướng trong 5 năm tới, thành phố sẽ hình thành mạng lưới công nghiệp hỗ trợ với nhiều lớp cung ứng, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trên cả nước. Cùng với đó là đẩy mạnh liên kết - cung ứng trong Vùng Thủ đô, đặc biệt trong một số lĩnh vực đã phát triển như: sản xuất ô tô, xe máy; cơ khí chế tạo; điện thoại di động... 

Hà Nội sẽ tăng cường thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vào Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội và các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn; đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu công viên công nghệ thông tin Hà Nội, khu công nghiệp sạch tại Sóc Sơn và Đông Anh. 

Sở Công Thương cũng đã triển khai chương trình kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, dự kiến khoảng 700 lượt doanh nghiệp tham gia; trong đó, 100 doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho các đơn vị sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh. Khoảng 500 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn, đào tạo về quản trị; khoảng 300 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới…

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó 40% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng, tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu; giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 18% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang