Hà Nội: Xử lý hơn 1.200 vụ buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại

author 06:48 27/02/2020

(VietQ.vn) - Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội thông tin, trong tháng 2/2020, các lực lượng chức năng Thành phố đã tổ chức thanh kiểm tra và xử lý 1.208 vụ buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn.

Qua đó khởi tố 7 vụ đối với 7 đối tượng, trong đó: Hàng cấm, hàng lậu 235 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 71 vụ; 902 vụ gian lận thương mại… xử phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu 264, 955 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 2/2020, Công an TP. Hà Nội đã kiểm tra 349 vụ, xử lý 301 vụ, phạt hành chính 2,423 tỷ đồng; truy thu thuế 116,445 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm 4,895 tỷ đồng. Cục QLTT Hà Nội đã xử lý 379 vụ, phạt hành chính 4,862 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu, hàng buộc tiêu hủy, chuyển đổi mục đích sử dụng là 22,742 tỷ đồng.

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, trong tháng 3/2020, lực lượng chức năng TP. Hà Nội bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong đó chú trọng nhóm mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19, còn đẩy mạnh điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu, phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để có giải pháp xử lý kịp thời.

Đồng thời tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn TP. Hà Nội.

Ảnh minh họa 

Trong năm 2020, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, điều tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó xác định các tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm theo dõi, cụ thể: Tuyến đường bộ từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và phía Nam về Hà Nội; tuyến hàng không (sân bay Nội Bài, sân bay Gia Lâm); tuyến đường sắt (tuyến quốc tế Trung Quốc - Yên Viên, tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội qua ga Yên Viên, ga Long Biên, ga Gia Lâm, ga Hà Nội, ga Hà Nội đi các tỉnh miền Trung và miền Nam, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội); tuyến bưu điện (chuyển phát nhanh, DHL…).

Về địa bàn, kiểm tra hàng lậu, hàng cấm tại các địa bàn trọng điểm như chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Hòa Bình (Hai Bà Trưng), chợ đầu mối Long Biên (Ba Đình), sân bay quốc tế Nội Bài, ga Hà Nội, ga Giáp Bát, ga Phú Diễn, bến xe Giáp Bát, các kho tàng, bến bãi thuộc quận Hoàng Mai, quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, Thường Tín (thôn Hà Vỹ - Lê Lợi)…; kiểm tra hàng giả, hàng vi phạm SHTT, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam tại các tuyến phố chuyên doanh của quận Hoàn Kiếm, các chợ, trung tâm thương mại tại xã Ninh Hiệp của huyện Gia Lâm, xã Sơn Hà của huyện Phú Xuyên; xã Tam Hiệp của huyện Phúc Thọ, xã La Phù của huyện Hoài Đức…

Về hàng hóa, chú trọng kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm hàng cấm (ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ, tài liệu phản động, động vật và sản phẩm động vật hoang dã, vàng, ngoại tệ, máy móc thiết bị đã qua sử dụng); các mặt hàng có thuế suất cao, thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế (thuốc lá, rượu, xăng dầu);...

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu tổng quát nhằm ngăn chặn, không để xảy ra các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp trong hoạt động xuất nhập khẩu, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc nếu có; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà sản xuất Việt Nam; duy trì tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững; thu hút hợp tác, đầu tư nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Hoàn thiện hệ thống pháp lý về xuất xứ hàng hóa và kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa để triển khai có hiệu quả các hoạt động ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; tăng cường năng lực bộ máy giám sát, kiểm tra để triển khai có hiệu quả các giải pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Chủ động kiểm tra, điều tra, xác minh để phát hiện các hành vi vi phạm, gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, xử lý nghiêm minh các vụ việc được phát hiện; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để ngăn chặn, phòng ngừa không để xảy ra các vụ việc gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp trong hoạt động xuất nhập khẩu; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phối hợp ngăn chặn và xử lý các vụ việc gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang