Hà Nội: Yêu cầu kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo 100% cơ sở y tế thực hiện

author 06:24 30/11/2017

(VietQ.vn) - Sở Y tế Hà Nội yêu cầu kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện trong năm 2018.

Sở Y tế Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện trong năm 2018.

Trước nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện đe dọa sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị đầu tư thêm trang thiết bị, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo nguyên tắc một chiều; phân biệt phòng sạch, phòng bẩn, đặc biệt là tại khu phẫu thuật, thủ thuật; xử lý, hấp sấy dụng cụ... Các cơ sở y tế bổ sung các phương tiện thiết yếu để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định.

Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường vệ sinh tay, đảm bảo việc vệ sinh tay của thầy thuốc, nhân viên y tế, học sinh, sinh viên thực tập; có đủ phương tiện và hướng dẫn cho người bệnh và người nhà người bệnh thực hiện vệ sinh tay. Các cơ sở y tế đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn trong chăm sóc, điều trị người bệnh; thực hiện làm sạch, khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ và trang thiết bị chăm sóc, điều trị người bệnh đúng quy định. Đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa cách ly, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

Cùng với đó các cơ sở tăng cường giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, có biện pháp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, đảm bảo an toàn cho người bệnh. Thực hiện vệ sinh buồng bệnh, vệ sinh môi trường, đảm bảo cảnh quan, môi trường bệnh viện xanh - sạch - đẹp.

Ảnh minh họa từ báo Lao động 

Theo Tổ chức Y tế thế giới, cứ 100 người nằm viện thì có khoảng 7 người mắc thêm bệnh nhiễm trùng mới, một phần do chính nhân viên y tế chưa tuân thủ quy định về vệ sinh cá nhân, trong đó có rửa tay trước khi tiếp xúc với người bệnh vì bàn tay có thể chứa hàng triệu vi khuẩn, trong đó có rất nhiều vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Gần đây nhất, vào ngày 20/11, chỉ trong vòng hơn 7 giờ (từ 2 giờ đến 9 giờ 30 sáng cùng ngày), tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh đã có 4 trẻ sơ sinh tử vong. Theo bà Tô Thị Mai Hoa - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, cơ quan chức năng bước đầu xác định nguyên nhân là do sốc nhiễm khuẩn huyết trên bệnh nhân đẻ non yếu suy hô hấp.

Còn theo báo cáo của Bệnh viện Nhi T.Ư, thời gian gần đây, bệnh viện thường tiếp nhận nhiều bé đẻ non trong tình trạng cấp cứu từ tuyến dưới. Về tỷ lệ tử vong do sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, trong những nghiên cứu tỷ lệ này đã được cố gắng hạn chế (40-60%), tuỳ theo các nước có điều kiện kinh tế xã hội.

Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, cố gắng khống chế, giảm xuống 75% (năm 2010), gần đây dưới 50%. Theo các chuyên gia y tế cơ thể trẻ đẻ non có hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện, lại mắc hội chứng down, tim bẩm sinh, máu lên phổi nhiều, hệ thống miễn dịch non nớt không chống đỡ được với vi khuẩn trội lên nên dễ gây bệnh.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, theo Thạc sĩ Trần Hữu Luyện, phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện tình trạng bệnh nhân bị nhiễm khuẩn khi điều trị ở bệnh viện hiện nay đang rất đáng báo động. Đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dịch bệnh đang bùng phát mạnh tại Việt Nam, điển hình như dịch sốt xuất huyết.

Ông Luyện khẳng định việc vệ sinh phòng mổ không tốt chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ bệnh nhân bị nhiễm khuẩn sau mổ ở Việt Nam cao như vậy.

PGS.TS Lê Thị Anh Thư, trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết thêm vệ sinh tay được coi là biện pháp đơn giản nhưng quan trọng nhất trong phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều bác sĩ, nhân viện y tế… không tuân thủ đúng 5 thời điểm vệ sinh tay do WHO đưa ra.

Bà Thư còn nhấn mạnh việc phải đảm bảo vệ sinh, tránh nhiễm khuẩn trong các phòng, thiết bị chạy thận nhân tạo. Vụ việc 8 bệnh nhân tử vong khi chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình luôn là hồi chuông cảnh tỉnh cho mỗi y bác sĩ về công tác vệ sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn.

Phong Lâm

Cảnh báo bột bánh cookie có nguy cơ gây nhiễm khuẩn E.coli(VietQ.vn) - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo người tiêu dùng không nên ăn bột bánh cookie do nguy cơ nhiễm khuẩn E.coli.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang