Hạ tầng cơ sở ‘oằn mình’ dưới sức nóng tăng trưởng du lịch

author 14:06 24/07/2019

(VietQ.vn) - Việt Nam cần nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, dịch vụ và hạ tầng để đảm bảo bền vững ở những điểm đến du lịch, đòi hỏi vừa phải đầu tư cho hạ tầng, vừa phải xây dựng và thực thi hiệu lực tiêu chuẩn chất lượng.

Bùng nổ lượng khách du lịch

Theo báo cáo “Điểm lại” (báo cáo thường niên về tình hình kinh tế Việt Nam) của Ngân hàng Thế giới (World Bank), trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã trải qua giai đoạn bùng nổ số lượng khách du lịch, bao gồm cả khách trong nước lẫn khách quốc tế. Số khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 4 lần, từ 4,2 triệu lượt năm 2008 lên mức 15,5 triệu năm 2018. Tốc độ tăng trưởng nhảy vọt trong 3 năm gần đây, từ mức bình quân khoảng 9% mỗi năm trong giai đoạn 2008-2015 lên đến con số 25% giai đoạn 2016-2018. Cùng với sự gia tăng đó, du lịch trong nước của Việt Nam cũng tăng nhanh không kém với số lượt khách tăng gấp 4 lần, từ 20,5 triệu năm 2008 lên 80 triệu năm 2018 .

Bên cạnh đó, do khoảng thời gian du khách quốc tế tăng cao trùng với thời kỳ du lịch trong nước phát triển mạnh, các điểm đến đang phải đối mặt áp lực quá tải hạ tầng ngày càng tăng. Thực trạng này càng rõ hơn trong các tháng có sự trùng lặp về mùa du lịch của khách trong nước và quốc tế tại các địa điểm như TP.HCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Quảng Nam cũng như nhiều địa phương khác.

 Hạ tầng cơ sở ở nhiều địa phương đang phải “oằn mình” dưới sức nóng tăng trưởng du lịch. Ảnh minh họa.

Số liệu từ World Bank cho thấy tỉ lệ lượt khách du lịch tính trên đầu người tại điểm đến tăng mạnh trong 5 năm trở lại đây từ mức cao trước đó. Do đó, hạ tầng cơ sở ở nhiều địa phương đang phải “oằn mình” dưới sức nóng tăng trưởng du lịch. Mật độ du khách tăng trưởng mạnh dẫn đến các vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm, đặc biệt ở những điểm đô thị vốn đã đông dân như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP.HCM. Bên cạnh đó, nhiều quy hoạch chưa được tuân thủ hoặc chỉnh sửa trong quá trình triển khai thường do lợi ích riêng của doanh nghiệp chứ không phải căn cứ vào các chỉ tiêu. Điều này tạo điều kiện cho những dự án đầu tư gây đe dọa đến tính bền vững của phát triển du lịch.

Chuyên gia của World Bank đưa ra ví dụ như ở Đà Nẵng, trước đây nhiều thửa đất được quy hoạch cho mục tiêu đất ở dần bị chuyển đổi thành khách sạn, đặt ra nhu cầu về các dịch vụ cơ bản như điện, nước, rác thải và nước thải lớn hơn rất nhiều so với dự kiến cho đất ở dân cư. Cùng với đó sự gia tăng của dịch vụ cáp treo được đầu tư bằng vốn tư nhân trong các vùng du lịch trên cả nước, tạo điều kiện đưa một khối lượng lớn du khách đến những địa điểm chưa sẵn sàng cho khối lượng khách như vậy trong các quy hoạch du lịch liên quan.

Xây dựng và thực thi hiệu lực tiêu chuẩn chất lượng

Từ đó, World Bank cho rằng, tại các điểm du lịch hiện đang gặp rủi ro quá tải hoặc đã phá vỡ giới hạn về năng lực, điều quan trọng là phải cân nhắc áp dụng các biện pháp và hệ thống để cải thiện về quản lý luồng khách. Các biện pháp này bao gồm áp dụng giá phân tầng bằng cách thu phí cao hơn để được tiếp cận những điểm có nguy cơ cao hơn, hoặc xác định ngưỡng chi tiêu tối thiểu để đón khách; “thu giá ùn tắc”, trong đó phí tham quan được thu cao hơn tại một số điểm du lịch nhất định ở thời điểm nhu cầu đạt đỉnh. Bên cạnh đó, áp đặt chỉ tiêu hạn mức rõ ràng về số lượng khách tối đa được đến những địa điểm nhất định vào thời điểm cụ thể, như chỉ tiêu hạn mức gần đây được các cấp có thẩm quyền áp dụng tại Vạn lý Trường thành ở Trung Quốc.

Đồng thời, World Bank cũng khuyến nghị Việt Nam sử dụng công nghệ số để kiểm soát đám đông, chẳng hạn các ứng dụng để phân bổ du khách theo khoảng thời gian cụ thể, giống với cách tiếp cận gần đây được áp dụng ở El Nido, Philippines.

Việt Nam cần nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, dịch vụ và hạ tầng để đảm bảo bền vững ở những điểm đến, đòi hỏi vừa phải đầu tư cho hạ tầng, vừa phải xây dựng và thực thi hiệu lực tiêu chuẩn chất lượng. Cùng với đó, năng lực hạ tầng của Việt Nam cần được mở rộng để hỗ trợ cho khối lượng du khách tăng lên, cả về hạ tầng giao thông lẫn hạ tầng dịch vụ cơ bản như vệ sinh và quản lý chất thải nhằm giảm thiểu tác động ngoại ứng tiêu cực về môi trường.

Mặt khác, đầu tư công cho hạ tầng nếu được tăng lên, cần phải ưu tiên cho những khu vực du lịch hiện đang gặp áp lực về năng lực đáp ứng. Ngoài ra, hướng phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện sinh thái hơn cũng có thể làm giảm áp lực về hạ tầng ở những vùng thị trường du lịch đại chúng. Đặc biệt, để tránh sự quá tải về du lịch và suy thoái các tài sản môi trường, văn hóa, xã hội, Việt Nam cần kiên quyết bảo tồn các tài sản văn hóa và môi trường bằng cả cơ chế tài chính cũng như các quy định và hướng dẫn.

9 startup tranh tài tại cuộc thi ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch(VietQ.vn) - Tổng cục Du lịch vừa phối hợp với Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator) tổ chức vòng chung kết cuộc thi “Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch”.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang