Hà Tĩnh sẽ đánh giá thiệt hại do Formosa gây ra tới đâu?

author 14:03 01/07/2016

(VietQ.vn) - Nhiều người đang trông chờ một hội đồng đánh giá tác động môi trường cấp Quốc gia, sau khi tìm ra Formosa là thủ phạm.

Sự kiện: Đánh giá sự phù hợp

Cuối cùng Formosa, thủ phạm gây thảm họa cá chết, đã cúi đầu nhận tội, sau ba tháng.

Và, ngày 1/7, chỉ một ngày sau khi Chính phủ công bố Formosa là thủ phạm gây thảm họa môi trường ở vùng biển miền Trung, UBND Hà Tĩnh, nơi Formosa đặt nhà máy, ra ngay quyết định thành lập hội đồng đánh giá thiệt hại.

Đó là một nỗ lực đáng ca ngợi của một địa phương đang gánh chịu hậu quả nặng nề do “thép”, khi nhà máy Formosa từng được sự ưu ái của chính tỉnh này bằng 20 năm thuê đất cộng thêm vào 50 năm theo luật, gây ra.

Nhưng hệ quả không chỉ là cá chết hay ngư dân bị tác động nặng nề. Và không chỉ người dân Hà Tĩnh một mình gánh chịu mà còn là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Môi trường biển ở Hà Tĩnh, về một mức độ nào đó thì còn phải xác định chất độc nào do Formosa thải ra, và cả các tỉnh miền Trung nơi xảy ra cá chết hàng loạt khác.

Du khách bị ám ảnh bởi thảm họa Formosa về kim loại nặng trong nước biển chắc chắn một thời gian dài sẽ nói không với biển Hà Tĩnh.

Và không chỉ biển xứ này mà cả mấy tỉnh miền Trung vừa qua bị hậu quả liên đới, do dòng hải lưu chảy sang, theo như xác định của bộ TN&MT.

Ở Quảng Trị chẳng hạn, các bãi biển cũng vắng người, chợ vắng cá. Hay nói đúng hơn là Biển đói cá, người đói cá.

Năng lực một tỉnh trước thảm họa Formosa

Dù nhanh chóng lập ra Hội đồng đánh giá thiệt hại sau thảm họa môi trường của Hà Tĩnh, nhưng liệu với chỉ 18 con người trong hội đồng này thì có khả năng đánh giá thấu đáo khi mà địa phương này đang rất cần những dự án như Formosa?

Trong khi đó một số phương tiện truyền thông giảm trừ "thảm họa cá chết" vừa qua xuống mức chỉ còn là “sự cố môi trường"? Mà sự cố còn nhỏ hơn cả tai nạn.

Trước đó, theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, đoàn kiểm tra vụ thảm họa cá chết đã lên đến 70 người trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành về môi trường, luyện kim, luyện cốc, xử lý chất thải.

Bộ này cũng dùng đến các phương pháp như kiểm toán chất thải, kiểm toán năng lượng.

Còn Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập hợp 100 nhà khoa học cùng vào cuộc tìm nguyên nhân.

Để hỗ trợ cho việc tìm nguyên nhân, Bộ TN&MT đã mời thêm các nhà khoa học của Đức, Pháp, Mỹ, Nhật, Israel...

Việc truy tìm nguyên nhân mất hơn hai tháng trời, với một lực lượng hùng hậu như đã nêu.

Thế thì Hội đồng 18 người ở Hà Tĩnh không biết đánh giả đầy đủ hậu quả của thảm họa Formosa vừa qua chừng nào mới có kết quả?

“Sau rất nhiều khảo sát, đánh giá, các nhà khoa học đã xác định, chất thải của Formosa Hà Tĩnh đã trộn với nhau ra một hợp chất phức... Hợp chất này nặng hơn nước biển, chìm xuống đáy và hút các chất độc hại phenol, xyanua vào nó...

“Chúng ta hình dung một cách đơn giản là nó như một tấm chăn khổng lồ chứa độc cứ thế trôi ngầm theo dòng hải lưu, đi đến đâu sẽ làm xảy ra các phản ứng hoá học ở đó và khiến cá ở tầng đáy chết hàng loạt. Phát hiện này chính là chìa khoá của vấn đề”, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà do VnExpress.net dẫn lời.

“Tấm chăn khổng lồ” kim loại nặng mà ông Hà ví von sẽ còn trôi mãi về đâu? Biển làm sao hóa giải? Tất cả đều đang dang dở...

Đó là lý do mà cần phải có một hội đồng cấp quốc gia trong việc đánh giá hậu quả tác động môi trường sau thảm họa do Formosa gây ra.

Từ các đánh giá sát sao đó mới có thể định ra cái giá thủ phạm phải trả là bao nhiêu? 500 triệu USD theo cam kết của Formosa liệu có đủ hay không? Hay hơn nữa là "chọn cá" hay "chọn thép"?

Trần Bích

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang