'Hack' dây thần kinh để kiểm soát bệnh tiểu đường

author 15:29 02/08/2016

(VietQ.vn) - Từ “hack” nổi tiếng trong những ngày qua khi liên quan đến hành động tấn công mạng với mục đích phá hoại.

Nhưng trong y khoa, Galvani Bioelectronics (Anh), lại đang tính chuyện “hack” với ý nghĩa tích cực hơn – điều trị một loạt bệnh lý như viêm khớp, hen suyễn, tiểu đường.

Galvani Bioelectronics là một tên tuổi mới đầy tiềm năng trong lĩnh vực y học sinh điện (bioelectronic medicine), là sự hợp tác giữa GlaxoSmithKline - công ty dược phẩm hàng đầu của Anh và Verily – công ty sân sau của Google về lĩnh vực công nghệ sức khỏe.

Thực nghiệm trên chuột, các nhà khoa học của Galvani Bioelectronics nhận thấy khi gắn những chiếc vòng silicone chứa điện cực quanh thần kinh rồi phóng một dòng điện để kiểm soát những xung động thần kinh, họ có thể kiểm soát được bệnh tiểu đường type 2.

Cơ chế tác động ở đây là dòng điện tác động vào những thụ thể hóa học gần động mạch cổ, nơi kiểm soát nồng độ insulin và đường trong máu.

Trong bệnh tiểu đường, cơ thể lãng quên kiểm soát insulin, vì thế khi tác động lên não qua trung gian thần kinh, người ta có thể kiểm soát được đường máu.

Kris Famm, phó chủ tịch GSK phụ trách mãng sinh điện nói với hãng tin BBC: “Những tín hiệu thần kinh trong dây thần kinh làm tăng bệnh tiểu đường type 2. Khi ức chế tín hiệu này ở chuột mắc bệnh tiểu đường, sự nhạy cảm của cơ thể với insulin được phục hồi. Bằng cách này chúng ta sẽ có được một giải pháp mới để chữa trị những bệnh khác”.

Nhưng theo Famm, những gì quan sát được hiện nay chỉ là “cào trên bề mặt” vì con người vẫn chưa hiểu được ngọn nguồn tác động của tín hiệu thần kinh trên cơ thể. Có thể là tần số và cường độ tín hiệu thần kinh tạo ra tác động thay vì đơn giản là “tắt”, “mở” thần kinh.

Và khi các nhà khoa học hiểu được mọi chuyện, họ vẫn còn nỗ lực rất nhiều về mặt công nghệ, đó là “hack” các dây thần kinh bằng những thiết bị thu nhỏ, phù hợp cho từng thần kinh khác nhau, có thể tồn tại lâu dài trong cơ thể và đủ nguồn điện cung cấp.

TS Famm nói thêm: “Có lẽ phải mất 10 – 20 năm nữa chúng ta mới có được những thiết bị thu nhỏ này”.

Về phần mình, TS Brian Otis, người đứng đầu bộ phận công nghệ của Verily, chia sẻ: “Y học sinh điện là một lĩnh vực điều trị mới, thành công của nó phụ thuộc vào sự hội tụ những hiểu biết sâu về sinh học bệnh và công nghệ thu nhỏ”.

Galvani Bioelectronics đóng trụ sở tại vùng Stevenage – Hertfordshire (Anh) và một trung tâm nghiên cứu thứ hai tại San Francisco (Mỹ), quy tụ bước đầu 30 nhà khoa học, kỹ sư và chuyên gia y học lâm sàng.

Tập trung vào lĩnh vực tiềm năng y học sinh điện, Galvani Bioelectronics mang lại niềm tin cho giới khoa học Anh thời kỳ hậu Brexit.

Châu Giang

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang