Hại da vì kem chống nắng

author 20:52 28/04/2014

(VietQ.vn) - Kem chống nắng có thể ngăn ngừa tổn thương da do tia cực tím gây ra, nhưng đôi khi yếu tố ‘màng lọc’, thành phần dưỡng chất trong kem có thể khiến da bị tổn thương nặng hơn bình thường.

Khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, da sẽ hấp thụ một lượng tia cực tím (UV) nhất định. Quá trình này làm sản sinh các thành phần có hại tên là ROS (reactive oxygen species). ROS gây tổn thương thành tế bào, màng lipid và nguyên liệu di truyền ADN bên trong các tế bào da, khiến da bị tổn hại và có nhiều dấu hiệu lão hoá dễ nhận biết. Việc phơi nắng quá nhiều, nhất là ở thời kỳ niên thiếu, còn làm tăng nguy cơ ung thư da.

Kem chống nắng cũng gây hại cho daKem chống nắng cũng gây hại cho da

Yếu tố "màng lọc" trong kem chống nắng gây hại cho da

Các loại kem chống nắng hiện hành có các thành phần "màng lọc", ngăn tia cực tím thâm nhập sâu xuống các lớp dưới của biểu bì (lớp ngoài cùng của da), nơi chúng có thể gây hại cho da.

Khi mới được bôi, kem chống nắng nằm lại trên bề mặt của da, không cho tia cực tím vào sâu hơn. Điều tồi tệ chỉ xảy ra một thời gian sau khi bôi kem. Lúc này, chính các thành phần "màng lọc" của kem lại ngấm sâu vào trong da, mở cửa cho tia cực tím tự do đi vào sâu hơn. Tại đó, tia cực tím sẽ kết hợp với thành phần "màng lọc", làm sản sinh thêm nhiều phân tử ROS, nhiều hơn cả khi không bôi kem chống nắng.

Nói một cách khác, khi ra nắng, nếu không bôi kem bảo vệ, tia cực tím cũng kích thích sản xuất các phân tử có hại nhưng với số lượng ít hơn so với khi hoá chất trong kem xuyên qua được lớp ngoài cùng của da để xuống sâu hơn.

Những phản ứng này sẽ giảm đi nếu ta bôi thêm lên da một lớp kem chống nắng mới. Lúc đó, tia cực tím sẽ bị chặn lại trên bề mặt da như lúc đầu, không thể thâm nhập vào lớp sâu hơn của biểu bì.

Kerry Hanson, chuyên gia nghiên cứu về hoá học tại Đại học California -Riverside (Mỹ), cùng các đồng nghiệp đã đưa ra kết luận trên sau khi tiến hành bôi kem chống nắng lên mô hình của mô da, ghi hình sự di chuyển của nó vào các lớp sâu hơn của da và tìm hiểu hậu quả của sự di chuyển này. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, 3 thành phần màng lọc vẫn được sử dụng rộng rãi trong các loại kem chống nắng hiện nay (octylmethoxycinnamate, benzophenone-3 và octocrylene) đều làm tăng quá trình tổng hợp ROS nếu chúng tiếp xúc với tia cực tím ở những tầng thấp hơn của da. Như vậy, tác dụng xấu của ánh sáng mặt trời sẽ bị gia tăng sau khi kem đã được bôi quá lâu.

Theo ông Hanson, cần có những loại kem chống nắng tiên tiến hơn, cho phép các màng lọc tia cực tím chỉ nằm lại trên bề mặt da mà không thấm sâu xuống dưới.

Các nhà khoa học cũng nhận xét rằng, phần lớn kem chống nắng hiện hành ngăn được dải tia cự tím UVB nhưng rất ít loại có thể ngăn được UVA, loại dải tia cực tím có khả năng thâm nhập sâu hơn vào trong da.

Một số chất hóa học nguy hại nhất từ kem chống nắng

Dioxybenzone and oxybenzone, đây là 2 chất sản sinh ra các gốc tự do mạnh mẽ nhất vì chúng có thể cản trở chức năng hoc môn. Ngoài ra còn có PABA (Para-aminobenzoic acid) sinh ra các gốc tự do, phá hủy DNA, hoạt động giả estrogen và gây dị ứng ở một số người.

Ngoài ra, chất octyl methoxycinnamate (OMC)  là hóa chất chính trong các loại kem chống nắng hóa học giúp lọc bỏ tia UVB. Các nhà nghiên cứu lo ngại về tính an toàn của chất này, minh chứng là khi thử nghiệm 5 phần triệu OMC trên chuột, các tế bào bị hủy hoại (thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ OMC có trong sản phẩm chống nắng). Cuối cùng là Benzophenone-3 có ảnh hưởng tới chức năng dạ con và testosterone.

Đây là những thành phần gây hại trong kem chống nắng. Dựa vào đó, khi mua kem chống nắng người tiêu dùng hãy xem xét kĩ các thành phần có trong những sản phẩm kem chống nắng để có sự lựa chọn thông minh nhất cho bản thân.

Linh Nguyễn (th)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang