Hải Dương: Chính quyền o ép Thủ nhang vì phản ánh nặc danh?

author 07:09 27/11/2014

(VietQ.vn) – Khẳng định Thủ nhang có công rất lớn trong việc chăm lo, bảo quản, tôn tạo di tích, thành nơi khang trang, sinh hoạt tính ngưỡng cho dân địa phương nhưng vì có ý kiến phản ánh qua điện thoại nặc danh mà chính quyền xã liên tục "o ép" Thủ nhang ra khỏi đền.

Thủ nhang bán nhà xây dựng đền khang trang, dân tin tưởng ủng hộ

Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Phương – Thủ nhang đền Lang Khê (Còn gọi là Nghè Dào, thôn Lang Khê) và đền Chùa Vàng (Còn gọi là đền Vàng thuộc thôn Hoàng Giáp) thuộc xã An Lâm – huyện Nam Sách (Hải Dương), liên tục trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng gồm các cán bộ xã, công an xã An Lâm có những thông báo và yêu cầu vị Thủ nhang này cùng những người liên quan không được trú tại hai đền nói trên.

Lý do được xã An Lâm đưa ra với “nhà đền” và theo khẳng định của Chủ tịch UBND xã An Lâm ông Nguyễn Văn Toản, những người ở khu vực đền đang cư trú bất hợp pháp, chưa thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng, khu vực ở là ngôi nhà nằm trong quần thể đền được xây dựng sai phép và đặc biệt, có ý kiến phản ánh qua... điện thoại về việc thu tiền lễ bái.

Thủ nhang Đền Vàng và Đền Lang khê bất bình về các chính sách chưa hợp lý của Xã An Lâm

Thủ nhang Đền Vàng và Đền Lang khê bất bình về các chính sách chưa hợp lý của Xã An Lâm. Ảnh: N. N

Ông Nguyễn Văn Toản cũng cho biết, “nhà đền” được bầu ra không đúng, trong quá trình làm Thủ nhang, ông Phương để xảy ra sai sót như có tình trạng xem chân gà, xem lá trầu quả cau, cúng bái cho một số hộ gia đình; để tình trạng cờ bạc diễn ra và xô xát khi làng tổ chức lễ hội…

Theo tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, ông Phương đã hoạt động tín ngưỡng từ nhỏ và đạt được nhiều thành quả về tu tập nên rất được lòng người dân ở địa phương và các vùng lân cận. Vào khoảng năm 2000, cán bộ và nhân dân thuộc thôn Lang Khê nhận thấy đền cần có người thường xuyên nhang đèn, thờ cúng và có uy tín để kiến tạo về tài chính, tôn tạo, xây dựng lại vì nhiều hạng mục của đền đã xuống cấp nghiêm trọng nên đã tổ chức họp bàn với đủ các thành phần và cử ông Phương làm Thủ nhang.

Ông Phương cũng đã bán hết nhà cửa, ruộng vườn, huy động lòng hảo tâm của khách thập phương và đi quyên góp ủng hộ ở mọi miền đất nước để có tiền tu bổ, tôn tạo, xây dựng hai ngôi đền Lang Khê và đền Vàng sạch sẽ, khang trang.

Điều này đã được chính ông Chủ tịch xã Nguyễn Văn Toản thừa nhận: “Xã không có nguồn kinh phí hỗ trợ và không thể phủ nhận công đóng góp của ông Phương với việc xây dựng đền với nhiều tỷ đồng”.

Với những đóng góp và uy tín của ông Phương tại thôn Lang Khê, người dân, chính quyền và các tổ chức đoàn thể của thôn Hoàng Giáp ngày 5/8/2012 đã họp bàn và thống nhất mời ông Phương làm thủ nhang cho đền Vàng.

Thôn Hoàng Giáp cũng đã lập các biên bản, giao quyền, cho phép ông Phương cai quản, trông coi đền, tiếp nhận công đức và giao các hiện vật có tại đền. Điều này cũng đã được Mặt trận tổ quốc xã An Lâm xác nhận.

Từ khi làm thủ nhang tại Đền Vàng, ông Phương ra sức thuê người tôn tạo, xây dựng, đến nay đền đã rất khang trang, sạch đẹp, được người dân tín nhiệm, ghi nhận.

Chủ tịch xã An Lâm Nguyễn Văn Toản nói rằng Thủ nhang có nhiều sai phạm nhưng nhiều yếu tố không rõ ràng

Chủ tịch xã An Lâm Nguyễn Văn Toản nói rằng có phản ánh về việc Thủ nhang thu tiền làm lễ nhưng lại không có bằng chứng rõ ràng. Ảnh: N. N

Trả lời câu hỏi của PV, ông Phương nói rằng, cả đời tâm huyết vì tín ngưỡng đạo giáo, bán cả nhà cửa, ruộng vườn, đi khất thực khắp mọi miền để huy động lòng hảo tâm ủng hộ để xây đền, không rõ lý do ra sao mà chính quyền xã lại o ép gia đình và người giúp việc ra khỏi đền. Ông Phương cũng cho biết, vợ ông hiện đang đi lao động tại nước ngoài, số tiền gửi về ngoài trang trải cuộc sống, chăm lo gia đình, ông Phương cũng góp vào để xây dựng đền.

Ông Phương cho rằng, việc xã trục xuất người giúp việc của ông là bà Nguyễn Thị Hương là không hợp lý vì bà Hương đã làm các thủ tục để xin xác nhận tạm trú, tạm vắng nhưng xã An Lâm lại chưa cấp. Hơn nữa, Xã yêu cầu Thủ nhang ra khỏi đền vì “cư trú” bất hợp pháp và ở lâu dài tại đền nhưng điều này đã được các đoàn thể của Thôn Lang Khê cho phép là Thủ nhang với các nghĩa vụ, trách nhiệm trông coi di tích, tài sản của Đền. Nếu Xã lại không cho Thủ nhang ở để trông coi, khi có mất mát hiện vật, ai chịu trách nhiệm trước dân và chính quyền? Xã trục xuất Thủ nhang ra khỏi đền và yêu cầu Thôn cử người chông coi 24/24 giờ, trong khi đó, ông Phương được nhân dân và Thôn bầu ra Xã lại “phớt lờ”.

Chính quyền xã nghe phản ánh không chính thức

Trả lời câu hỏi của PV vào ngày 26/11/2014, Chủ tịch xã An Lâm đặc biệt nhấn mạnh, có phản ánh của công dân về thu tiền lễ bái vài triệu đến vài chục triệu đồng cho khóa lễ, tuy nhiên khi yêu cầu cung cấp thông tin, bằng chứng, ông Toản - Chủ tịch Xã lại nói rằng, đó là phản ánh qua điện thoại và không chính thức.

Về việc ông Toản cho rằng, Thủ nhang để tình trạng xem bói ông Phương thừa nhận, đó cũng là tín ngưỡng, lễ bái dân gian, không ai ép người dân nếu họ không muốn làm việc đó. Kể cả việc chính quyền Xã thấy được Thủ nhang có công trông coi, tôn tạo, xây dựng hai đền, nếu lý do không cho cai quản và làm Thủ nhang là chính đáng, hợp lòng dân, ông Phương cũng sẵn sàng trả lại.

Còn về việc làng tổ chức hội và đánh bạc, xô xát diễn ra, ông Phương nói rằng, khi diễn ra sự việc không biết điều đó vì còn phải xử lý rất nhiều việc khác nhau và thôn cũng đã có người chông nom trong lễ hội. Bản thân ông không muốn điều đó diễn ra tại nơi tôn nghiêm và khi làm lễ cũng không cai quản được toàn bộ các hoạt động đang diễn ra trong lễ hội. Sự việc là đáng tiếc và Công an huyện Nam Sách đã xử lý.

Về vấn đề xây dựng sai phép gian nhà là nơi ở của Thủ nhang hiện tại ở Đền Lang Khê, ông Phương nói rằng, khi xin phép, chính quyền thôn và xã đã cho phép, đất cũng chẳng tranh chấp với ai, người dân củng hộ nên đã xây dựng xong. Đây cũng là nơi trú nắng mưa để Thủ nhang có thể cai quản, trông nom đền thường xuyên.

Thủ nhang không thể ăn, ngủ trong đền và cũng không thể ngồi ngoài trời mãi để coi đền nên cần có nơi ở lâu dài để đảm bảo việc trông coi. Cái lý, cái tình trong câu chuyện này cũng đã đến lúc chính quyền xã An Lâm phải biết tự nhìn nhận đúng, sai để hợp với lòng dân trên địa bàn.

Theo một nguồn tin được biết, hiện tại, để bảo vệ lẽ phải và quyền và lợi ích của mình, Thủ nhang đền Lang Khê và Đền Vàng đã nhờ sự giúp đỡ của các luật sư trong đoàn Luật Sư Hà Nội.

Theo nhận định ban đầu của luật sư, việc Xã An Lâm o ép “thầy đền” là không hợp lý vì dù sao họ cũng rất có công với địa phương và được dân, đoàn thể của thôn bầu chính đáng.

Ngoài việc chính quyền quản lý, thừa hành pháp luật còn có nghĩa vụ hỗ trợ, giáo dục mọi người dân để làm đúng pháp luật của Nhà nước. Trong sự việc của “thầy đền”, chỉ thấy chính quyền và công an xã, trục xuất người mà chưa có đối thoại chính đáng với các thôn và những người liên đới, để có hướng dẫn, giúp đỡ họ làm đúng quy định của pháp luật. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này từ ý kiến của các cấp lãnh đạo trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Nhóm Phóng viên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang