GLTT: 'Tăng cường hài hòa hệ thống tiêu chuẩn, QCVN Việt Nam với thế giới'

author 06:55 15/03/2017

(VietQ.vn) - Vào lúc 9h sáng nay (15/3), giao lưu trực tuyến “Tăng cường hài hòa hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam với thế giới” sẽ được tổ chức tại Chất lượng Việt Nam Online - VietQ.vn.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh phát biểu khai mạc chương trình Giao lưu trực tuyến do VietQ.vn tổ chức

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh phát biểu khai mạc chương trình Giao lưu trực tuyến do VietQ.vn tổ chức

Tiêu chuẩn cùng với quy chuẩn kỹ thuật và sáng chế được xem là những chỉ số biểu hiện tiềm năng công nghệ của mỗi quốc gia, đặc biệt trong thời đại ngày nay khi xu thế toàn cầu hoá đã trở thành xu thế không thể đảo ngược được. Do đó, chúng ta khó mà hình dung ra một thế giới mà không có tiêu chuẩn cũng như khó mà hình dung việc các nước vừa mong muốn phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại của mình lại vừa mong muốn sử dụng tiêu chuẩn như một thứ hàng rào kỹ thuật vì những lợi ích riêng và cục bộ.

Mối quan hệ giữa tiêu chuẩn hóa và thương mại đã được làm sâu sắc thêm qua phương châm "Một tiêu chuẩn, Một thử nghiệm - Được chấp nhận ở mọi nơi", trong đó vấn đề hài hòa tiêu chuẩn nổi bật lên như một tiền đề quan trọng.

Nhằm cập nhật hoạt động quản lý về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Giải đáp thắc mắc của cộng đồng doanh nghiệp về hệ thống TCVN, QCVN và tỷ lệ hài hòa giữa hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực.

Đặc biệt, đề cập đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực thực phẩm. Qua đó, làm rõ tầm quan trọng của việc áp dụng tiêu chuẩn trong việc nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) sẽ tổ chức giao lưu trực tuyến “Tăng cường hài hòa hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam với thế giới” từ lúc 9h ngày 15/3/2017.

Chương trình giao lưu trực tuyến dự kiến có sự tham gia của các khách mời:

- Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

- Ông Nguyễn Văn Khôi -  Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn

- Bà Ngô Thị Ngọc Hà - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam

- Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội

Độc giả, doanh nghiệp quan tâm đến nội dung chương trình, xin mời gửi câu hỏi các cho khách mời tại địa chỉ email: [email protected]

BBT

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:

- Theo tôi được biết mô hình đô thị thông minh hiện đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, khu vực. Vậy về mặt học thuật, hiện nay đã có định nghĩa chính thức thế nào là một đô thị thông minh chưa? ( Nam Khánh - [email protected] )

Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn:

Mặt dù mô hình thành phố thông minh đã phát triển mạnh khoảng hơn chục năm qua trên thế giới, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất thế nào là đô thị thông minh, mà chỉ xác định đây là một khái niệm mở.

Theo đó, đô thị thông minh được hiểu là sự hội tụ của các yếu tố: cơ sở hạ tầng hiệu quả, dịch vụ công hiệu quả, môi trường sống thân thiện và phát triển KT-XH bền vững, nó được biểu hiện qua nền kinh tế hiện đại, hệ thống giao thông thông minh, y tế thông minh, tòa nhà thông minh, quản lý đô thị thông minh, lưới điện thông minh, kiểm soát ô nhiễm hiệu quả, tăng cường an ninh thông tin... tất các thành tố này đều phải hướng tới mục tiêu phục vụ cho người dân sinh sống trong đô thị đó được tốt hơn, khai thác hiệu quả và tiết giảm tối đa các chi phí, nguồn lực đầu vào, đồng thời hiệu quả quản lý và sử dụng đầu ra cao, không ngừng nâng chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển đô thị bền vững.

- Được biết mô hình đô thị thông minh đã phát triển rất mạnh tại nhiều nước trên thế giới, vậy trong khuôn khổ hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn hóa, Tổng cục đã có những hoạt động cụ thể gì để thúc đẩy xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam? ( Hoàng Thị Kim Hoa - [email protected] )

Ông Nguyễn Hoàng Linh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng:
 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Nguyễn Hoàng Linh trong chương trình Giao lưu trực tuyến "Tăng cường hài hòa hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam với thế giới"

Trong khuôn khổ hợp tác APEC, tại hội nghị của Tiểu ban Tiêu chuẩn và Đánh giá Sự phù hợp tháng 2/2017 diễn ra tại Nha Trang, đoàn Việt Nam với tư cách Chủ tịch đã đưa ra sáng kiến về thiết lập một cơ chế chung giữa các nước thành viên APEC nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về các giải pháp và ứng dụng hỗ trợ phát triển Đô thị thông minh. Theo đó, những nước phát triển có kinh nghiệm trong hoạt động náy sẽ hỗ trợ và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về việc xây dựng các tiêu chuẩn phục vụ cho Đô thị thông minh. Đề xuất này đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của rất nhiều các thành viên như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia... 

- Theo cách hiểu của tôi áp dụng mô hình đô thị thông minh là xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và thiết lập một hệ thống/mô hình kết nối vật lý là đạt yêu cầu có đúng không? ( Vân Anh - [email protected] )

Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn:

Qua nghiên cứu khoa học và thực tiễn áp dụng tại một số nước thì hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống kết nối vật lý là rất quan trọng cho việc hình thành và phát triển đô thị thông minh.

Đây là điều kiện cần thiết nhưng chưa đủ, đô thị thông minh còn cần phải đảm bảo các thành phần công nghệ lõi, sản phẩm vật lý đạt được mức độ khoa học công nghệ nhất định để có thể kết nối, tương tác,khai thác hiệu quả mặt khác người dân sống trong đó cũng phải có một nền tảng kiến thức, trình độ văn hóa xã hội nhất định.

Làm sao có thể hình thành được đô thị thông minh khi hệ thống đường xá, cầu cống quá cũ nát, xuống cấp, khi trình độ, ý thức người dân về sử dụng, khai thác các dịch vụ công, tham gia giao thông yếu kém, chưa đồng đều… 

- Muốn được chứng nhận là sản phẩm không có hàn the thì phải gửi mẫu sản phẩm đến cơ quan nào, xin lãnh đạo Viện Tiêu chuẩn cho biết. ( Nguyễn Yến Anh - [email protected] )

Bà Ngô Thị Ngọc Hà - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:

Hàn the là chất chống ôxy hóa và có tính sát trùng nhẹ, trước đây được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm do một số ưu điểm, như có thể giữ thực phẩm được tươi ngon trong thời gian dài không bị ôi thiu nên hay được dùng để ướp cá, thịt. Bên cạnh đó, hàn the cũng có thể làm tăng độ dẻo của thực phẩm, do vậy, thường được cho vào bún, phở, giò, nem chua...

Hiện nay, hàn the (borax) không nằm trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.

Nếu doanh nghiệp muốn công bố sản phẩm của mình không chứa hàn the, doanh nghiệp cần gửi mẫu sản phẩm đến đơn vị kiểm nghiệm đã được công nhận theo Tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025 để phân tích. Trong bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, cần nêu rõ sản phẩm không chứa hàn the. Hồ sơ công bố nộp tại cơ quan quản lý có thẩm quyền (Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế hoặc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp tỉnh).

- Hiện nay, xu hướng thúc đẩy và áp dụng mô hình Đô thị thông minh là một nhu cầu thiết yếu của các đô thị trên thế giới. Việt Nam cũng đã có nhiều thành phố tuyên bố việc xây dựng và phát triển, quản lý đô thị theo hướng Đô thị thông minh. Theo ông, là cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia, Tổng cục TCĐLCL đóng vai trò như thế nào trong xu hướng này? ( Phạm Hoàng Hải - [email protected] )

Ông Nguyễn Hoàng Linh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng:

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đóng vai trò chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành và các bên có liên quan trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về Đô thị thông minh nhằm định hướng khung phát triển chung, xác định các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để hỗ trợ các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có cơ sở khoa học, chuẩn cứ để áp dụng và phát triển mô hình Đô thị thông minh một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam nhưng cũng hài hòa với thông lệ chung của quốc tế, khu vực.

- Hiện nay đã có tổ chức tiêu chuẩn quốc tế nào ban hành tiêu chuẩn về đô thị thông minh? Xin cho biết đó là những tiêu chuẩn cụ thể gì? ( Quế Chi - [email protected] )

Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn:

Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO, Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế IEC và Liên minh Viễn thông quốc tế ITU là những tổ chức tiêu chuẩn hóa tiên phong trong việc xây dựng những tiêu chuẩn cho các lĩnh vực cụ thể về Đô thị thông minh. Trong đó, các tiêu chuẩn khung về đô thị thông minh; tiêu chuẩn về mô hình dữ liệu đô thị thông minh như: tiêu chuẩn về hướng dẫn cho nhà quản lý đô thị thông minh; tiêu chuẩn về hướng dẫn phát triển đô thị thông minh; tiêu chuẩn về các sản phẩm vật lý cụ thể gắn với đô thị thông minh... đã được ưu tiên xây dựng. Bên cạnh đó, cũng có nhiều các tổ chức tiêu chuẩn nước ngoài, khu vực có uy tín như BSI, ASTM, CEN/CENCELEC, DIN, IEEE.. cũng rất tích cực nghiên cứu, xây, ban hành các tiêu chuẩn về đô thị thông minh. Đây là một nguồn tài liệu quý giá để chúng ta tham khảo, học hỏi và vận dụng vào thực tiễn Việt Nam.

- Thưa ông (bà) thời gian gần đây tình trạng ngộ độc rượu Methanol xảy ra liên tục đã cướp đi sinh mạng của nhiều người và nó sẽ chưa dừng lại. Vậy theo ông (bà), có cách nào hay quy chuẩn gì để quản lý tỷ lệ hay mức độ an toàn của rượu nhằm đảm bảo cho người sử dụng. ( Lê Thị Vân Anh (Hà Nội) - )

Bà Ngô Thị Ngọc Hà - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:
 Bà Ngô Thị Ngọc Hà trả lời câu hỏi nóng của bạn đọc về vấn đề ngộ độc Methanol bạn đọc quan tâm hỏi

Hiện nay, các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đối với nhóm sản phẩm rượu tương đối đầy đủ, quy định các chỉ tiêu về chất lượng, ghi nhãn.. Bộ Y tế đã ban hành QCVN 6-3:2010/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn có quy định giới hạn các chỉ tiêu ATTP (trong đó có methanol) cho từng loại đồ uống có cồn và nguyên liệu pha chế đồ uống có cồn. Cụ thể:

+ Đối với cồn thực phẩm dùng để pha chế đồ uống có cồn: Hàm lượng methanol không lớn hơn 300 mg/lít cồn 100o

+ Đối với từng loại rượu cụ thể có các giới hạn quy định methanol khác nhau.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị 02 về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu. Theo đó, người đứng đầu ngành yêu cầu sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm này. Chỉ thị của ngành Công Thương khẳng định: "Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức”.

Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường cũng được yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu sản xuất thủ công. Nếu phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm và các quy định hiện hành khác. 

- Xin hỏi Công ty tôi sản xuất sản phẩm khẩu trang, xin cho biết chúng tôi muốn tham khảo tiêu chuẩn về sản phẩm này, có thể tìm hiểu ở đâu, có mất tiền không? ( Đình Tú - [email protected] )

Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn:

Quý Công ty có thể tra cứu trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (http://www.tcvn.gov.vn) để có được thông tin tổng quan về các tiêu chuẩn liên quan. Trong trường hợp quý công ty muốn có được những tiêu chuẩn đầy đủ thì đề nghị liên hệ với Trung tâm Thông tin TCĐLCL của TCTCĐLCL (Điện thoại: 04-37562608 - 04-37918567  Fax: 04-38361556 - Email: [email protected]) để được hướng dẫn cụ thể.

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp khó khăn gì khi áp dụng, chứng nhận sản phẩm của mình phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATTP? ( Nguyễn Liên - [email protected] )

Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội:

Những quy định, thủ tục chồng chéo, phức tạp trong quá trình kiểm tra và chứng nhận ATTP vẫn đang là trở ngại hàng đầu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đơn cử như việc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (ATTP) cho sản phẩm thủy sản sản xuất để tiêu dùng nội địa, theo luật, nếu hồ sơ hợp lệ thì tính từ khi kiểm nghiệm đến khi nhận được Giấy Xác nhận Công bố Phù hợp ATTP, DN phải chờ ít nhất 1 tháng, chưa kể thời gian nếu hồ sơ bị trả lại, mới được bán hàng ra thị trường. Thời gian 1 tháng này là rất lâu trong bối cảnh kinh doanh cạnh tranh như hiện nay, dẫn đến nhiều khi các đối  tác không thể chờ đợi được nên đã chuyển sang mua hàng của nhà cung cấp khác, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

- Thưa ông, việc xây dựng một quy hoạch chiến lược tổng thể về xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về Đô thị thông minh có cần thiết không? Và việc xây dựng quy hoạch này có hỗ trợ cho các Bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương trong việc định hình và định hướng các tiêu chí của Đô thị thông minh phù hợp không? ( Nguyễn Thu Hiền - [email protected] )

Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn:

Hiện nay, một số Bộ, ngành đã được Chính phủ giao nghiên cứu để đề xuất các mô hình quản lý đô thị thông minh như Bộ Thông tin và Truyền thông (tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh,...), Bộ Giao thông Vận tải (giao thông thông minh,...)… Tại địa phương, hơn chục tỉnh, thành phố hiện đang nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, mô hình phát triển đô thị thông minh của địa phương mình cũng chủ động, nghiên cứu, tìm tòi hướng phát triển theo đặc thù riêng của địa phương mình.

Từ thực tiễn trên và với mục đích chuẩn hóa mô hình phát triển đô thị thông minh, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các bộ ngành, trung ương và địa phương để tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng và nghiên cứu một cách tổng quan dưới góc độ tiêu chuẩn hóa về xây dựng, vận hành, phát triển của mô hình Đô thị thông minh. Trên cơ sở đó đưa ra đề xuất về quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống TCVN nhằm hỗ trợ tốt nhất mục tiêu quản lý đô thị trong tương lai một cách hiệu quả, làm chuẩn cứ khoa học áp dụng cho các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp.

Quy hoạch cần tập trung vào 4 cấp độ: chiến lược phát triển, khung liên kết các cầu phần của một đô thị thông minh, quản lý và đánh giá các dịch vụ, các sản phẩm cụ thể liên quan.

- Nếu tiêu chuẩn kỹ thuật thực sự cần thiết cho xây dựng thành phố thông minh, thì cần phải phát triển tiêu chuẩn kỹ thuật ở những khía cạnh, lĩnh vực nào? ( Huyền Anh - [email protected] )

Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn:

Theo tôi trước tiên nên tập trung xây dựng một bộ tiêu chuẩn quốc gia khung để tạo cơ sở, làm nền tảng kỹ thuật cho việc định hướng xây dựng một đô thị thông minh, song hành với đó thì cần ưu tiên phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong một số lĩnh vực then chốt như giao thông thông minh, hạ tầng kết nối, an ninh thông tin, hành chính công, quản lý nguồn nước, kiểm soát ô nhiễm, y tế thông minh, mã số mã vạch (truy suất nguồn gốc sản phẩm)... 

- Vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra rất nhiều tại các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống. Hiệp hội có những hình thức hỗ trợ như thế nào để nâng cao chất lượng VSATTP của các doanh nghiệp này? ( Thái Dũng - [email protected] )

Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội:

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống, bản thân chủ doanh nghiệp phải chú ý và đề cao vấn đề bảo đảm VSATTP tại các bếp ăn, những người được giao phụ trách bếp ăn các KCN phải hết sức lưu ý quy trình trong nấu nướng, bảo đảm vệ sinh..., đặc biệt là nguyên liệu đầu vào phải có hợp đồng, có địa chỉ rõ ràng...

Bảo đảm VSATTP không chỉ là trách nhiệm của những nhà quản lý, mà còn là trách nhiệm của tất cả người dân. Để nhận biết được sản phẩm an toàn thì phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ. Đối với người bán, cần nhập sản phẩm có nhãn mác, xuất xứ, ngày sản xuất rõ ràng; đối với người tiêu dùng thì cần biết rõ sản phẩm là của cơ sở nào, hãng nào sản xuất và chất lượng các sản phẩm này như thế nào...

Chính vì vậy, HANOISME đang đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và tiêu thụ nội khối. Các đơn vị có sản phẩm là đầu vào của các đơn vị khác đang được giới thiệu và thực hiện cung cấp sản phẩm cho các đơn vị này.  HANOISME cho rằng đây là một cách làm hiệu quả, thể hiện sức mạnh của tập thể doanh nghiệp trong các vấn đề chung hiện nay. 

- Xin hỏi ông Linh, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có chỉ đạo, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ có các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn ô tô kém chất lượng nhập vào Việt Nam, đại diện cơ quan chất lượng hàng đầu quốc gia, Tổng cục có kế hoạch gì về việc này ( Tuấn Khải - )

Ông Nguyễn Hoàng Linh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng:

Việc ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước. Ô tô kém chất lượng cũng không là ngoại lệ. 

Hiện nay, Tổng cục đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành liên quan xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Đối với các hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn, các Bộ quản lí, ngành lĩnh vực chủ động xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với mục đích đảm bảo các loại sản phẩm, hàng hóa này an toàn cho người sử dụng.

Đối với ô tô, hiện nay Việt Nam có khoảng 100 tiêu chuẩn quốc gia, 15 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ô tô đã được ban hành. Trong thời gian tới, trước mắt, Tổng cục sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng rà soát hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về ô tô, ban hành mới các tiêu chuẩn quốc gia, thẩm định các quy chuẩn quốc gia để góp phần ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng. 

- Nước uống tinh khiết hiện nay cũng có nhiều vấn đề. Người ta quảng cáo nào là nước tinh khiết, siêu sạch, nước khoáng nhưng thực tế khi gia đình tôi mang đi kiểm nghiệm thì trong thành phần nước có cả loại vi khuẩn có trong phân người và nhiều loại độc hại khác. Vậy chúng tôi phải kêu ai? Ai bảo vệ người dân chúng tôi trước những loại nước khoác áo "tinh khiết" này? ( Nguyễn Thái Khâm - [email protected] )

Bà Ngô Thị Ngọc Hà - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:
 Bà Ngô Thị Ngọc Hà - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam nhận được nhiều câu hỏi về vấn đề chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm từ bạn đọc 

Đối với nhóm sản phẩm nước uống đóng chai, người tiêu dùng cần phân biệt hai loại: nước khoáng thiên nhiên đóng chai và nước uống đóng chai thông thường (là sản phẩm vẫn được gọi không chính xác là nước uống tinh khiết/nước tinh lọc), các tiêu chuẩn tương ứng trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia là TCVN 6213:2010 (CODEX STAN 108-1981, Rev.2-2008) Nước khoáng thiên nhiên đóng chai và TCVN 6096:2010 (CODEX STAN 227-2001) Tiêu chuẩn chung về nước uống đóng chai (không phải nước khoáng thiên nhiên đóng chai). Hai loại sản phẩm nêu trên có quy trình sản xuất khác nhau, mức độ giám sát về an toàn thực phẩm khác nhau, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (ATTP) cũng có khác biệt. Bộ Y tế cũng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai (QCVN 6-1:2010/BYT).

Theo Điều 9 Luật ATTP, người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin trung thực về an toàn thực phẩm. Khi phát hiện loại thực phẩm, đồ uống mình sử dụng không phù hợp với nội dung ghi nhãn và công bố của nhà sản xuất, người tiêu dùng có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật; yêu cầu Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thậm chí khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật; người tiêu dùng có quyền được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra.

Trong trường hợp của anh/chị, nếu kết quả kiểm nghiệm mẫu nước uống đóng chai trong thời hạn sử dụng không đáp ứng các mức quy định trong QCVN 6-1:2010/BYT, anh/chị có thể liên hệ với Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh hoặc cấp trung ương để phản ánh và đề nghị bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình; nếu cần có thể viết đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện đến tòa án nhân dân các cấp.

Nếu do sử dụng loại nước uống đóng chai nêu trên mà dẫn đến ngộ độc thực phẩm thì người tiêu dùng có trách nhiệm thông báo với cơ sở y tế, Ủy ban nhân dân địa phương nơi gần nhất hoặc Bộ Y tế để có biện pháp khắc phục kịp thời (Điều 53 Luật ATTP).

- Xin ông nêu về tầm quan trọng của tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc thúc đẩy phát triển đô thị thông minh? ( Khánh Hiền - [email protected] )

Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn:

Mặc dù công nghệ thông minh, phương tiện thông minh, dịch vụ thông minh, hệ thống quản lý thông minh… là rất quan trọng, nhưng để có thể kết nối tất cả các thành tố trên thành một hệ thống chỉnh thể, vận hành nhịp nhàng, phối hợp hiệu quả thì cần phải có tiêu chuẩn kỹ thuật.

Tiêu chuẩn kỹ thuật giúp tạo ra sự kết nối giữa các bộ phận; Tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ giúp đảm bảo chất lượng, an toàn của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, hệ thống khi đưa vào khai thác, vận hành kết nối với nhau; tiêu chuẩn về dữ liệu sẽ giúp đảm bảo một khuôn mẫu dữ liệu chuẩn chung, thống nhất áp dụng cho mọi mức độ, nhu cầu khai thác khác nhau, đảm bảo tính bảo mật thông tin truy cập và khai thác của người sử dụng; tiêu chuẩn quản lý tạo ra một khuôn khổ giao tiếp chung, các thành tố khác nhau đều có một định dạng kết nối chung. Tất cả những điều này rất có ý nghĩa cho các nhà cung cấp dịch vụ, nhà vận hành, cơ quan quản lý và người khai thác để có một ngôn ngữ chung, một cách tiếp cận thống nhất trong triển khai áp dụng, giao dịch, đánh giá, kiểm tra, quản lý chất lượng, liên kết phối hợp, chia sẻ khai thác chung.

Nếu thiếu tiêu chuẩn, thì thành phố thông minh sẽ chỉ là những mảng sáng rời rạc, thiếu tính liên kết, thiếu tính tổng thể và tất nhiên là sẽ không thể phát huy hiệu quả cao nhất của một đô thị hiện đại.

- Theo thông lệ quốc tế, doanh nghiệp thường rất chú trọng và chủ động tham gia vào hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Nhưng ở Việt Nam thì hầu hết doanh nghiệp không thiết tha tham gia vào các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn. Coi đó là việc của nhà nước, không phải của doanh nghiệp. Ông nghĩ sao về vấn đề này? Theo ông để thu hút được nhiều doanh nghiệp quan tâm, tham gia và các ban kỹ thuật xây dựng tiêu chuẩn thì nhà nước cần phải có những cơ chế hay biện pháp cụ thể gì? ( Mai Nguyễn - [email protected] )

Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội:

Phải khẳng định rằng: Việc phó mặc việc tham gia, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho Nhà nước là một việc làm thiếu thấu đáo và không khôn ngoan. Bởi vì, chính những doanh nghiệp trong ngành mới là người đang phải tuân thủ những quy chuẩn này và cả đối mặt với những vấn đề phát sin của nó.  Vì vậy, việc tham gia góp ý xây dựng của doanh nghiệp không chỉ giúp cho chính họ mà còn hướng đến Xây dựng các tiêu chuẩn, yêu cầu có thể cạnh tranh với các tiêu chuẩn quy định quốc tế và phù hợp với điều kiện trong nước, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của cả ngành trên thị trường thế giới.

Để các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa vào vấn đề này, Nhà nước và các sở ban ngành cần có các hành động cụ thể hơn không chỉ trong việc giám sát chất lượng mà còn giúp đỡ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn liên quan đến công tác kiểm tra tiêu chuẩn, có thể hỗ trợ doanh nghiệp thành lập các tổ kiểm tra tiêu chuẩn, kỹ thuật, từ đó cùng nghiên cứu, tìm hiểu để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, để doanh nghiệp thực hiện một cách có hiệu quả, tránh tình trạng áp đặt hoặc xây dựng tiêu chuẩn không dựa trên những chứng cứ khoa học.

 Các khách mời tham gia chương trình giao lưu trực tuyến cũng trả lời nhiều câu hỏi của Phóng viên Chất lượng Việt Nam

- Xin bà cho biết, cơ sở kinh doanh của chúng tôi kinh doanh nhà hàng các món ăn kiểu Hàn. Chúng tôi đang tiến hành xin giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nhà hàng. Tuy nhiên chúng tôi không nắm rõ được các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm đối với quán ăn là như nào? ( Đặng Văn Linh - [email protected] )

Bà Ngô Thị Ngọc Hà - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:
“Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm” mà anh/chị đề cập có tên đầy đủ là “Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP)”. Để được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, điều kiện tiên quyết là cơ sở kinh doanh của anh/chị phải được cấp phép đăng ký kinh doanh. Điều 36 Luật ATTP đã quy định về hồ sơ xin Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; bản sao giấy chứng nhận kinh doanh; bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh ATTP theo quy định.

Ngoài ra, trong hồ sơ còn phải có giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và những người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp và giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định.

Theo Điều 23 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (mà trực tiếp là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) chịu trách nhiệm quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần nắm bắt được các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống. Có thể tham khảo Điều 28. Điều kiện bảo đảm ATTP đối với nơi chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống và Điều 29. Điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống trong Luật ATTP.

 

- Có ý kiến cho rằng do cơ chế kiểm soát, hậu kiểm sau công bố, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy vẫn còn hạn chế mà nhiều doanh nghiệp vẫn vô tư “vượt rào” khiến thị trường hàng hóa vẫn tràn ngập những sản phẩm kém chất lượng. Xin ông chia sẻ ý kiến về vấn đề này? Ông có đề xuất, giải pháp gì thúc đẩy năng lực cạnh tranh và bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính? ( Hương Giang - [email protected] )

Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội:

Có thể thấy rằng luật của chúng ta còn khá nhiều kẽ hở để những đối tượng cơ hội, làm ăn chụp giật lách luật thậm chí là “xé rào” để sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng. Thạm chí như do luật pháp còn mâu thuẫn, chồng chéo, chế tài chưa đủ mạnh so với lợi nhuận thu được nên nhiều công ty, doanh nghiệp còn sẵn sàng vi phạm để tìm kiếm lợi nhuận trái luật, nếu bị phát hiện thì họ sẵn sàng nộp phạt.

Các đơn vị quản lý chất lượng cần đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả hơn trong công tác ATTP để không làm khó cho các doanh nghiệp nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định mà vẫn kiểm soát được chặt chẽ những đối tượng đang làm trái quy định. Các chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm và thủy sản Hà Nội cần tiến hành kiểm tra đánh giá phân loại các cơ sở đã được thống kê và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định, chú trọng tái kiểm tra với các cơ sở xếp loại C. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ ký cam kết sản xuất đảm bảo ATTP đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ theo phân công, phân cấp quản lý. Bên cạnh đó, ý thức của người sản xuất và sự hiểu biết của người tiêu dùng cũng là vô cùng quan trọng đối với sự sống còn của các doanh nghiệp.

- Ông có thể cho biết vai trò của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia trong việc hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm? ( Phan Thúy Liên - [email protected] )

Ông Nguyễn Hoàng Linh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng:

HIện nay, Tổng cục TCĐLCL là cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia. Vai trò chính của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia là xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia; tổ chức thẩm định các tiêu chuẩn do tổ chức cá nhân đề xuất; quy hoạch hệ thống tiêu chuẩn quốc gia; phê duyệt kế hoạch tiêu chuẩn quốc gia; tham gia xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế.

Liên quan đến lĩnh vực ATTP, Tổng cục TCĐLCL phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành (Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương) xây dựng các TCVN, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thực phẩm. 

- Có ý kiến cho rằng theo quy định hiện hành việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với từng sản phẩm cụ thể là không khả thi, dẫn đến việc các cơ quan và doanh nghiệp đổ lỗi việc yếu kém trong quản lý chất lượng an toàn thực phẩm là do không có TCVN, QCVN. Ông cho biết quan điểm về vấn đề này? ( Thái Luân - [email protected] )

Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn:
Nhiều bạn đọc quan tâm đặt câu hỏi với ông Nguyễn Văn Khôi -  Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn về các vấn đề tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
 Nhiều bạn đọc quan tâm đặt câu hỏi với ông Nguyễn Văn Khôi -  Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn về các vấn đề tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật

Quy định pháp luật hiện hành không giới hạn việc xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn chỉ áp dụng cho từng sản phẩm cụ thể; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định các loại tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật không chỉ cho sản phẩm hàng hóa cụ thể mà còn áp dụng cho các đối tượng là quá trình, dịch vụ, môi trường. 

Bộ khoa học và Công nghệ là cơ quan được Chính phủ giao thống nhất quản lý về hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, trong trách nhiệm của mình đã thường xuyên khuyến cáo, kiến nghị các Bộ quản lý chuyên ngành nên xây dựng QCVN theo nhóm đối tượng quản lý (phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay ban hành quy chuẩn kỹ thuật để quản lý theo nhóm đối tượng và chỉ tập trung vào các chỉ tiêu an toàn có khả năng rủi ro cao), không nên tách riêng lẻ từng sản phẩm để xây dựng QCVN như hiện nay.

- Nhiều doanh nghiệp trong nước cho rằng hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn trong nước thường “dễ dãi” hơn so với hàng hóa nhập khẩu khiến hàng hóa trong nước khó cạnh tranh. Quan điểm của ông về điều này như thế nào? ( Dương Hoài Vũ - [email protected] )

Bà Ngô Thị Ngọc Hà - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:

Hiện nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) có mức độ hài hòa tương đối cao (khoảng gần 50%). Bên cạnh đó, tất cả các sản phẩm, hàng hoá khi lưu thông trên thị trường thì đều phải Công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm, hàng hóa đó theo quy định tại Điều 62 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ số 103/NQ-CP ngày 05/12/2016 cũng đã nêu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ Công Thương và bộ, ngành liên quan đề xuất phương án rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để xây dựng hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Do đó không thể nói là hệ thống TCVN “dễ dãi” hơn tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài.

- Hiện nay, các doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa hoặc gia công cho đối tác nước ngoài thì có buộc phải tuân thủ tiêu chuẩn của bên nhập khẩu không? Các doanh nghiệp làm cách nào để đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật đó (tự nghiên cứu thực hiện hay thông qua một đơn vị tư vấn)? ( Nguyễn Sim - [email protected] )

Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội:

Tất nhiên, đối với các mặt hàng gia công hay xuất khẩu ra nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ những quy định, tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt của nước nhập khẩu, bao gồm các quy định kỹ thuật về ATTP, kiểm dịch động thực vật, thậm chí các quy định và tiêu chuẩn quốc tế về môi trường.

Có thể nói, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định này liên quan mật thiết đến  khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam và các doanh nghiệp phải cần có các biện pháp đặc biệt chú trọng.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật đó, phụ thuộc vào việc lựa chọn phương án tối ưu nhất với tình hình thực tế, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự đầu tư tổ chức đội giám sát, kiểm tra, thực hiện.

Tuy nhiên, với quy mô và kinh nghiệm còn nhiều hạn chế của các DNNVV thì biện pháp tốt nhất là nên thông qua 1 đơn vị tư vấn để tranh thủ được sự trợ giúp về kỹ thuật và chuyên gia, giảm thiểu đáng kể các rủi ro cho doanh nghiệp.

 

- Vấn đề tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm rất được xã hội quan tâm trong thời gian qua, xin ông cho biết công tác tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp, người dân để họ có được thông tin đầy đủ về các Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) nói chung. ( Lê Thị Hải Yến - [email protected] )

Ông Nguyễn Hoàng Linh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng:

Hiện nay, Tổng cục TCĐLCL chủ động đăng kế hoạch xây dựng TCVN hằng năm lên cổng thông tin điện tử của Tổng cục, cũng như ban hành tuyển tập danh mục TCVN cập nhật để cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm được kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn, trong đó có các tiêu chuẩn liên quan tới ATTP. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng thường xuyên cập nhật các thông tin trên website của Tổng cục cũng như của các đơn vị thông tin trực thuộc như Trung tâm thông tin, Tạp chí Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng. 

Đối với các TCVN do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia xây dựng: Sau khi các TCVN được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, Tổng cục TCĐLCL thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức, triển khai các chương trình phổ biến nội dung TCVN đến các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp liên quan.

Ngoài ra, Tổng cục cũng chủ động triển khai hợp tác với các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế lớn như ISO, IEC - Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế, ASTM - Hiệp hội Thử nghiệm và Vật liệu Mỹ,…. tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên đề áp dụng tiêu chuẩn cho các bộ ngành, doanh nghiệp, cá nhân liên quan.

- Trong Báo cáo vừa qua của Chính Phủ về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, có ý kiến cho rằng một trong những lý do khiến cho quản lý ATTP thời gian qua còn hạn chế là do thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vì qui trình xây dựng kéo dài từ 1 đến 2 năm. Ông có ý kiến như thế nào về điều này? ( Bảo Khánh - [email protected] )

Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn:

Về quy trình, thủ tục xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định thời gian góp ý dự thảo TCVN, QCVN tối thiểu là 60 ngày, trong trường hợp cấp thiết liên quan đến sức khỏe, an toàn, môi trường thì thời gian lấy ý kiến có thể ngắn hơn; thời gian thẩm định dự thảo TCVN, QCVN không quá 60 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; thời gian công bố TCVN, ban hành QCVN trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có ý kiến nhất trí của cơ quan thẩm định.

Như vậy, có thể khẳng định Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật không quy định qui trình xây dựng TCVN và QCVN kéo dài từ 1 đến 2 năm như ý kiến nêu trên; thời gian xây dựng TCVN, QCVN có thể rút ngắn mà không phụ thuộc vào thời gian đăng ký trong kế hoạch xây dựng TCVN, QCVN hàng năm.

Tuy nhiên, trong thực tiễn do đặc thù và yêu cầu quản lý của lĩnh vực ATTP nên việc xây dựng các dự thảo TCVN, QCVN thường tốn nhiều thời gian cho việc xây dựng và tiến hành các khảo nghiệm, thử nghiệm đảm bảo độ chính xác của các chỉ tiêu kỹ thuật, phương pháp thử,... về ATTP. 

- Đối với các doanh nghiệp, Viện có những hỗ trợ như thế nào để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam trên thị trường quốc tế? ( Đặng Tiến Thành - [email protected] )

Bà Ngô Thị Ngọc Hà - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:

Trong khuôn khổ của Chương trình quốc gia, tại Quyết định 712/QĐ- TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình năng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đến năm 2020, trong giai đoạn từ 2011- 2016.

Việt Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đã có những hoạt động để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa như:

+ Xây dựng mới, thay thế, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn quốc gia để nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của Việt Nam. Hiện nay, tổng số tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam khoảng hơn 9.500 TCVN, đạt tỷ lệ hài hòa đạt gần 50%.

+ Phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Đào tạo nghiệp vụ xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở cho các doanh nghiệp; Hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm hàng hóa thuộc các ngành chủ lực, tác động nhiều đến xã hội, liên quan đến an toàn, vệ sinh và sức khỏe người tiêu dùng; Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống, công cụ quản lý cho doanh nghiệp.

+ Cấp giấy chứng nhận sử dụng mã số mã vạch cho doanh nghiệp; hàng năm tổ chức các khóa đào tạo, hướng dẫn sử dụng mã số mã vạch cho các doanh nghiệp mới tham gia.

+ Trình Thủ tướng Chính phủ tôn vinh các doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng quốc gia và Giải thưởng Quốc tế Chấu Á - Thái Bình Dương.

+ Hỗ trợ doanh nghiệp chứng nhận hợp chuẩn đối với các tiêu chuẩn quốc gia đã hài hòa, cũng như chứng nhận hợp chuẩn đối với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài có liên quan.

- Ông có thể cho biết tình hình áp dụng tiêu chuẩn về ATTP trong thời gian qua của doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội? ( Mộc Miên - [email protected] )

Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội:
 Ông Mạc Quốc Anh đang trả lời câu hỏi của bạn đọc gửi về chương trình giao lưu trực tuyến

Công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) ở Hà Nội đã có những chuyển mạnh mẽ, ý thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng thực phẩm đã tăng lên. Các sở ban ngành Hà Nội đã không chỉ quan tâm đến công tác giám sát, kiểm soát VSATTP, mà còn tập trung kiểm soát chặt chẽ khâu tổ chức sản xuất, vì vậy trong các tháng cuối năm 2016 và đầu 2017, rất nhiều doanh nghiệp, các tập đoàn lớn đã tập trung tổ chức sản xuất để đưa ra nhiều sản phẩm nông sản sạch, an toàn chất lượng có truy xuất nguồn gốc.

Tỷ lệ cơ sở kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP (xếp loại A, B) tăng hơn so với năm 2016. Đây là một tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, các doanh nghiệp thủ đô vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa trong công tác tuân thủ, áp dụng tiêu chuẩn về ATTP. 

- Tôi muốn hỏi, đại diện của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), vai trò của Tổng cục trong việc hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm? ( Vân Phương - [email protected] )

Ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn:

Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, với tư cách là cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia thì Tổng cục đã chủ động đăng nội dung kế hoạch xây dựng TCVN hằng năm lên cổng thông tin điện tử của Tổng cục, cũng như ban hành tuyển tập danh mục TCVN cập nhật để cơ quan, tổ chức, cá nhân biết được kết hoạch xây dựng tiêu chuẩn, trong đó có các tiêu chuẩn liên quan tới ATTP. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng có các tạp chí chuyên ngành thường xuyên cung cấp thông tin cập nhật về các hoạt động xây dựng, công bố TCVN trong lĩnh vực thực phẩm nói chung và an toàn thực phẩm nói riêng.

Đối với các TCVN do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia xây dựng: Sau khi các TCVN được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, Tổng cục TCĐLCL đã có chương trình phổ biến nội dung TCVN đến các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp liên quan.

Ngoài ra, Tổng cục cũng chủ động triển khai hợp tác với các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế lớn như ISO, IEC, ASTM…. tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên đề áp dụng tiêu chuẩn cho các bộ ngành, doanh nghiệp, cá nhân liên quan.

- Theo bà Hà, những hạn chế nào về mặt kỹ thuật đang cản trở tiến trình hài hòa tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam với thế giới? ( Lê Lan - [email protected] )

Bà Ngô Thị Ngọc Hà - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:

Hài hòa tiêu chuẩn hiện nay đã trở thành một xu hướng tất yếu và được hầu hết các quốc gia, khu vực và tổ chức quốc tế quan tâm nhằm dần loại bỏ các hàng rào kỹ thuật thương mại. Việt Nam cũng đang rất tích cực tham gia vào các diễn đàn, chương trình hài hòa tiêu chuẩn quốc tế và khu vực cũng như triển khai mạnh mẽ hoạt động hài hòa tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, về số lượng tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam hài hòa với thế giới đang ngày càng tăng và cũng đạt con số tương đối khả quan là gần 50%.

Tuy nhiên, trong quá trình hài hòa vẫn còn những hạn chế về mặt kỹ thuật như một số chỉ tiêu được quy định trong tiêu chuẩn nhưng phòng thử nghiệm của Việt Nam vẫn chưa thử nghiệm được, ví dụ như để thử khả năng phân hủy sinh học của túi chất dẻo thân thiện môi trường theo quy định của Thông tư số 07/2012/TT-BTNMT, doanh nghiệp phải gửi mẫu ra nước ngoài để thử nghiệm.

- Xin cho biết yêu cầu và chỉ tiêu quy định trong các TCVN về ATTP có hài hòa với các quy định trong các tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế như Codex, FAO và các nước khu vực, các nước tiên tiến? ( Phạm Thị Thu Uyên - [email protected] )

Ông Nguyễn Hoàng Linh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng:

Về cơ bản, các yêu cầu và chỉ tiêu quy định trong các TCVN về ATTP hài hòa với các quy định trong các tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế như Uỷ ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế - Codex, Tổ chức Nông lương Thế giới - FAO và các nước khu vực, các nước tiên tiến. Vì các TCVN về thực phẩm nói chung và ATTP nói riêng chủ yếu là xây dựng trên nguyên tắc chấp nhận hoàn toàn tiêu chuẩn Codex hoặc căn cứ trên các tài liệu của FAO, tiêu chuẩn của các nước tiên tiến.

Cụ thể, hệ thống tiêu chuản quốc gia hiện hành có trên 9.500 TCVN, trong đó TCVN về an toàn vệ sinh thực phẩm có 795 TCVN (trong đó 75% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, chủ yếu là tiêu chuẩn Codex, ISO).

- Xin ông cho biết hiện hệ thống văn bản pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu hành sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường như thế nào? ( Vũ Văn Yên - [email protected] )

Ông Nguyễn Hữu Thể - Phó TGĐ Công ty Cổ phần sản xuất Thép Việt Đức:

Chất lượng ngày nay đã trở thành thách thức lớn đối với bất kỳ doanh nghiệp, quốc gia nào trên thế giới khi nền kinh kế mở cửa hội nhập và người tiêu dùng ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa. Nhờ có các hệ thống văn bản về tiêu chuẩn đo lường  chất lượng và các Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường các DN Việt Nam nói riêng và người tiêu dùng Việt Nam nói chung đã quan tâm hơn với chất lượng sản phẩm, hàng hóa và tạo ra một phong trào rộng rãi thúc đẩy quá trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. 

Ngoài ra nó còn tạo lập uy tín chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, góp phần tăng cường xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu trong nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước, bảo vệ sức khỏe, an toàn, môi trường và thực hiện kiểm soát có hiệu lực và hiệu quả đối với các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường nội địa. 

Hệ thống văn bản về tiêu chuẩn đo lường chất lượng và các Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường đã tạo hành lang pháp lý và môi trường khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động, sáng tạo và có trách nhiệm làm ra sản phẩm chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên cơ sở vận dụng các nguyên tắc và tập quán quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

- Doanh nghiệp đã giải pháp như nào để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng những yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn? ( Trần Thanh - [email protected] )

Ông Nguyễn Hữu Thể - Phó TGĐ Công ty Cổ phần sản xuất Thép Việt Đức:

Thép là một trong những nguyên liệu cốt lõi cung cấp cho ngành xây dựng nên tiêu chuẩn sản xuất rất ngặt nghèo. Toàn bộ các sản phẩm của công ty được sản xuất theo quy trình, đáp ứng Quy chuẩn QCVN 7:2011/BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ. 

Công ty còn có Phòng Vilas để kiểm tra chất lượng từ đầu vào nguyên liệu đến đầu ra sản phẩm, đảm bảo cung ứng ra thị trường những sản phẩm tốt nhất. Về hệ thống quản lý chất lượng, công ty đang chuyển đổi phiên bản ISO 9001-2008 sang phiên bản ISO 9001-2015. Nhờ đó, "dấu ấn"; của Thép Việt Đức đã ghi đậm trong nhiều công trình lớn, từ các nhà máy nhiệt điện, nhà ga sân bay, cầu đường đến các công trình dân dụng như chung cư, khu đô thị… 

Với nhiều nỗ lực, hiện Thép Việt Đức là một trong những sản phẩm được đăng ký mã vạch quốc gia, vừa giúp bảo chứng chất lượng, vừa giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Với môi trường ấn tượng, sản phẩm chất lượng và những con người ấy, tin rằng, sản phẩm của công ty sẽ còn phát triển, tiếp tục vươn xa, đến nhiều nơi trên thế giới.

Gửi câu hỏi
captcha
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang