Bộ trưởng Nông nghiệp trả lời chất vấn quốc hội về mong ước của 'hai lúa'

author 18:13 19/11/2013

(VietQ.vn) - Đang có đề án xây nhà tránh lũ cho khoảng 40.000 hộ ở những tỉnh thường bị bão lũ. Nhưng khi chúng tôi về tiếp xúc làm việc với các huyện bị bão lũ này, các đồng chí nói là đã có thiết kế nhưng hiện nay không có vốn...

Sáng nay, tại phiên thảo luận tại hội trường, các Đại biểu Quốc hội đã đặt ra những câu hỏi bức xúc của người nông dân về những khó khăn thực tại...

Hai Lúa

Người nông dân miền Trung quanh năm phải chịu thiên tai, lũ lụt...

 

Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM): Việt Nam nuôi lợn để lấy thịt hay lấy phân?"

“Phải thừa nhận rằng với chính sách của Đảng, nhà nước trong mấy chục năm qua, chúng ta không thể phủ nhận là rất tập trung chính sách để phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát huy vai trò đặc biệt nông nghiệp. Tuy nhiên giữa nỗ lực đó với hiệu quả mang lại chúng tôi cho rằng chưa tương xứng, lý do có 3 vấn đề lớn tôi xin nêu và kèm theo chính sách để Quốc hội xem xét:

Vấn đề lớn thứ nhất, liên quan đến phát triển nông nghiệp là làm sao để đưa khoa học công nghệ đi vào sản xuất, đưa thị trường, quan hệ thị trường đi vào mô hình tổ chức sản xuất. Ai cũng biết, tôi không phải nhà nông học nhưng tôi đọc cũng biết rằng muốn phát triển trồng trọt quyết định là khâu giống, muốn phát triển chăn nuôi quyết định là thức ăn. Tôi nhớ năm 1981 khi dược sĩ Ti- cô - lốp sang ta nghiên cứu về chăn nuôi Việt Nam nói một câu rất hài hước: "Nuôi lợn muốn lấy thịt thì phải cho ăn ngô, muốn lấy phân thì cho ăn bèo hoa dâu. Không biết Việt Nam nuôi lợn để lấy thịt hay lấy phân?" đây là một vấn đề mà bây giờ vẫn hiện thực. Tại sao vấn đề trồng trọt quyết định là giống?

Thập niên 50 Ấn Độ nổi tiếng một cuộc cách mạng xanh thực chất là đưa phân vô cơ, nhưng không là gì so với thời đại ngày nay đưa vấn đề công nghệ sinh học vào giống. Chúng ta cứ nhìn giống của Việt Nam và Thái Lan chúng ta thấy tụt hậu cỡ nào, trong này có vấn đề trồng trọt. Về chăn nuôi chúng ta thấy rằng thức ăn gia súc bây giờ chúng ta kiểm soát đến đâu hay bỏ ngỏ thị trường và chúng ta không tập trung sản xuất để phát triển nắm chắc về thức ăn gia súc. Đây là hai vấn đề tôi cho rằng rất trở ngại, nếu không có chính sách mạnh để giải quyết hai bài toán này thì chúng ta không thể tái cơ cấu về nông nghiệp phát triển bền vững trong hội nhập.

Trần Du Lịch

Đại biểu Trần Du Lịch

Vấn đề thứ hai, trở ngại của phát triển nông nghiệp, tôi nhiều lần bàn với các đồng chí nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cho rằng trở ngại của ta là phương thức tổ chức sản xuất. Kinh tế hộ đã là chiếc đũa thần để quyết bài toán về nông nghiệp của ta nhưng đã đến đỉnh. Ở đây có nhiều vấn đề nhưng có 2 vấn đề xin kiến nghị lại:

Vấn đề quy mô sản xuất, tại kỳ họp Quốc hội khóa XII khi bàn về thuế nông nghiệp, tôi có đề nghị mô hình chúng ta nên chọn mô hình mở rộng các trang trại theo hình thức là chủ trang trại thuê đất của nông dân nhiều hơn là tích tụ sở hữu đất. Đây là mô hình Bắc Âu và chúng tôi có đề xuất là nếu như anh thuê đất nông dân thì tôi miễn thuế hoàn toàn và khuyến khích, còn nếu anh mua đất chuyển nhượng để tích tụ là chúng tôi đánh thuế, lần sau người nông dân có thể chuyển từ người làm chủ miếng đất nhỏ trở thành người làm thuê nhưng vẫn là người chủ của miếng đất đang có. Đây là mô hình rất thành công và tôi biết Bắc Âu 70% các trang trại lớn đều thuê đất của nông dân với chính sách khuyến khích nhà nước. Đây là mô hình phát triển rất ổn định, tôi xin kiến nghị lại nhưng lần trước tôi kiến nghị không được quan tâm.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến mô hình này, tôi cho rằng để giải quyết bài toán tín dụng và thị trường nông dân, vai trò của chính quyền rất quan trọng, ở đây tập hợp làm sao địa bàn nào mà chúng ta tìm được giao nông dân mà nông thôn gọi là lão nông chi điền, những người vui tính, những con sếu đầu đàn đứng lên tập hợp lực lượng thì chúng ta có thể tổ chức mô hình tín dụng như Băng-la-đét mà các nước đã làm để giải quyết bài toán tín dụng và giải quyết bài toán thị trường, chúng ta không thể khuyến khích chung được, có nhiều mô hình thực tế chúng ta thực hiện được. Đó là mô hình thứ hai.

Vấn đề thứ ba, liên quan đến chế biến nông sản, vấn đề này là trong đề án Chính phủ nêu rất rõ nông nghiệp Việt Nam đời sống nông dân không thể cải thiện nếu như chúng ta không nâng được giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Tại tháng 5 vừa rồi khi bàn về thuế, tôi có đề nghị chúng ta có ưu đãi hoàn toàn cho tất cả nhà máy chế biến nông sản dùng 100% nguyên liệu trong nước để nâng giá trị gia tăng tăng lên nhưng không được Quốc hội chấp nhận. Tôi xin nhắc lại đây là con đường phải làm để chúng ta phát triển ngành công nghiệp chế biến về nông sản. Đây là vấn đề nằm ngoài khả năng của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp mà là trách nhiệm về chính sách và phát triển. Nếu như chúng ta không làm việc này, không hình thành những cứ điểm sản xuất trong nông nghiệp, không tạo điều kiện thì nông dân không thể làm giàu, không thể sống bằng nghề nông nghiệp được nếu như giá trị gia tăng không tăng.

Tôi xin nói lại, vấn đề bài toán nông nghiệp của Việt Nam không chỉ là vấn đề của Bộ Nông nghiệp mà nó nằm ngoài Bộ Nông nghiệp rất lớn. Tôi rất chia sẻ với Bộ Nông nghiệp không thể nào giải quyết nếu như chúng ta không có chính sách phát triển ngành công nghiệp chế biến. Tôi xin kiến nghị trở lại phải ưu đãi để làm sao các nhà máy chế biến nông sản trong nước được hưởng ưu đãi 100% nội địa hóa để nâng dần, dĩ nhiên ưu đãi này có thời hạn chứ không vĩnh viễn và tạo sự đột phá về công nghiệp chế biến, hình thành những cứ điểm nông - công nghiệp, đó là con đường để giải quyết bài toán nông nghiệp.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh): “Tôi hỏi Bộ trưởng Bộ Công thương chỗ này như thế nào?”

Hôm nay chúng ta ngồi đây, đồng bào miền Trung đang ngập chìm trong lũ, dư luận cho rằng lũ chồng lũ do nguyên nhân từ xả nước không đúng quy định của các hồ chứa thủy điện, vậy tôi hỏi Bộ trưởng Bộ Công thương chỗ này như thế nào? Theo tôi phải ra một quy định trước khi bão đến, áp thấp nhiệt đới mưa lớn thì phải xả hết nước đi, tăng dung tích hồ chứa lên chứ cứ giữ lại đấy để mà phát điện kiếm một vài tỷ đồng.

Nhưng khi xả lũ hạ lưu thì sẽ gây thiệt hại hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng và còn liên quan cả tính mạng người dân nữa thì phải có quy định như vậy và bắt buộc phải thực hiện như vậy, nếu anh nào không làm thì phải xử lý trách nhiệm, truy cứu trách nhiệm hình sự rất nặng về tội cố ý làm trái hoặc tội thiếu trách nhiệm hình sự hoặc tội gì đấy trong Bộ luật hình sự không thiếu thì mới đáp ứng được yêu cầu chứ không thể vì lợi ích nhỏ mà hy sinh lợi ích lớn của nhân dân vùng hạ lưu như vậy, tôi cho rằng không được, tôi đề nghị Chính phủ và Bộ Công thương có lẽ phải có quy định rất chặt chẽ như vậy, bây giờ nói phải đi đôi với làm.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau): Khoa học phải vì nông dân

“Chúng tôi cũng thấy rằng đặc biệt là đối với Đồng bằng Sông Cửu Long việc thủy lợi cực kỳ quan trọng, chúng tôi rất mong là trong quá trình sắp xếp những vấn đề này chúng ta quan tâm thủy lợi phải đồng bộ thì mới có thể tưới tiêu, có thể nuôi trồng, không riêng gì nông nghiệp mà kể cả nuôi trồng thủy sản cũng cần phải có thủy lợi đồng bộ, vấn đề này đã qua chỗ này, chỗ khác, đầu tư chưa đồng bộ thì không thể phát huy được xung quanh vấn đề tưới tiêu.

Máy cấy của TS Lê Sỹ Hùng giúp người nông dân cấy mạ tốt hơn

Máy cấy của TS Lê Sỹ Hùng giúp người nông dân cấy mạ tốt hơn

Bà con nông dân chúng ta hiện nay quan tâm rất lớn, trăn trở nhất là vấn đề con giống. Trong đó ở những cơ sở xung quanh các huyện, trường, cơ sở nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ của phát triển nông thông hiện nay chúng ta thấy cũng có lịch sử lâu đời, cũng xem được là một trong những ngành có thế mạnh về lĩnh vực khoa học công nghệ, rất nhiều viện, nhiều trường, hàng trăm cơ sở như vậy.

Nhưng chúng tôi thấy hiện nay chất lượng con giống của những năm qua luôn luôn là niềm trăn trở, khó khăn cho những người dân. Nghiên cứu giống đưa xuống đến đồng ruộng, đưa đến chăn nuôi có khi cấy, trồng rồi kết quả thu hoạch không có gì, có khi mới vừa đưa xuống nuôi thì bị chết, như vậy kiểm tra đánh giá chất lượng con giống là một tai hại lớn cho người sản xuất của Việt Nam.

Vừa qua đã chi cũng khá nhiều về tiền bạc, tiền của cho những viện, những trường, những cơ sở nghiên cứu để thực nghiệm này, tôi hy vọng rằng trong thời gian sớm nhất làm thế nào để đưa ra được con giống có chất lượng và hiệu quả, khi bà con người ta sản xuất ra nó có hiệu quả để xuất khẩu, để đạt được chất lượng, để cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Chúng ta đi ra ngoài chợ thường bà con ở chợ bán nói là xoài Thái Lan, đây là xoài của nước ngoài, xoài nhập, trái cây này trái cây khác thường là quảng cáo như thế, kể cả việc chúng ta đi vào các siêu thị mua gạo cũng thế. Thường là giống gạo ngoại, quảng cáo cũng rất lớn, vì sao mà chúng ta không thể chiếm được thị trường ở trong nước để quản lý vấn đề này.

Tôi cũng rất mong xung quanh Luật khoa học, công nghệ vừa sửa và có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2014 này. Tôi rất mong Bộ Khoa học, công nghệ cũng có trách nhiệm cùng kết hợp với Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn để chúng ta có thêm những nghiên cứu để ứng dụng, làm thế nào để hiệu quả trong giống cây trồng vật nuôi cũng như trong chế biến nông sản thực phẩm cho người nông dân để hưởng lợi nhiều nhất”.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh): Sao không xây nhà tránh lũ

“Phải quy hoạch lại hệ thống thủy điện, thủy lợi, vì việc xả lũ vừa qua gây thiệt hại rất lớn cho người dân. Như đại biểu Đương ở thành phố Hồ Chí Minh đã nêu. Không thể chấp nhận được việc xả lũ mà chính quyền địa phương và người dân không biết và cho đến nay vẫn tranh luận với nhau giữa các cơ quan quản lý các hồ, đập này và chính quyền địa phương về có báo với nhau không, có thông tin cho nhân dân hay không? Phải điều tra để xử lý kỷ luật, thậm chí là trách nhiệm hình sự, phải làm một vài vụ cho nghiêm, không thể để cho người dân bị chết và bị thương như thế, tài sản thiệt hại vô cùng mà không có ai bị xử lý.

Chúng tôi cũng đề nghị đầu tư xây dựng nhà tránh lũ bằng nhiều nguồn vốn. Tôi biết Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa rồi trả lời là hiện nay Chính phủ đang có một đề án xây dựng nhà tránh lũ cho khoảng 40.000 hộ ở những tỉnh thường bị bão lũ. Nhưng khi chúng tôi về tiếp xúc làm việc với các huyện bị bão lũ này, các đồng chí nói là đã có thiết kế nhưng hiện nay không có vốn. Chúng tôi đề nghị Quốc hội, vì đây cũng thuộc trách nhiệm Quốc hội và Chính phủ phải cân đối nguồn vốn để ủng hộ chương trình này của Chính phủ.

Chúng tôi cũng đề nghị phải điều tra để làm thế nào phải xác định được rừng đầu nguồn thực trạng như thế nào? để bảo vệ và đầu tư phát triển rừng đầu nguồn và xử lý nghiêm các vụ phá rừng.

Chúng tôi cũng đề nghị về đầu tư xây dựng giao thông nông thôn ở vùng thường xuyên bị bão lũ là kiên cố và bê tông hóa. Chúng ta cứ nói chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng giao thông nông thôn nhưng tôi về các vùng bị bão lũ này thì sau một trận lũ phải làm lại ngay từ đầu.

Tôi cũng trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng thấy cũng có thể phải nghĩ đến phương hướng bê tông hóa ở các đường giao thông, thậm chí quốc lộ đi qua những đường này cũng bị và đến Quốc lộ 1A cũng bị và các tỉnh lộ mà ở vùng này đều bị lũ cuốn trôi hết, gây thiệt hại vô cùng lớn.

Cùng với kiến nghị đó chúng tôi đề nghị chúng ta phải có các giải pháp quyết liệt, chúng ta nói sau bão thì giúp đỡ đồng bào xong, chúng ta bận vào việc khác, bao nhiêu việc và đến mùa mưa lũ, bão lũ, chúng ta phải quay lại xử lý những tình huống bão lũ xảy ra”.

Theo Dân trí, chiều nay 19/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát tham gia trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, các câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn sẽ xoay quanh 3 vấn đề chính của ngành nông nghiệp là: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chuyển đổi đất trồng lúa và chính sách tạm trữ lúa gạo; Quản lý vật tư nông nghiệp, phân bón.

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về chính sách tạm trữ lúa gạo, hỗ trợ nông dân sản xuất, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết: “Đó chỉ là giải pháp tình thế”.

“Có đại biểu hỏi, tại sao chúng ta lại cứ phải sử dụng giải pháp tình thế? Không phải năm nào cũng sử dụng giải pháp này, chỉ khi nào người trồng lúa không đảm bảo có lãi 30% như mục tiêu đề ra thì mới sử dụng để ngăn chặn suy giảm giá do mất cân đối cung cầu. Giải pháp này đã thành công trong vụ hè thu vừa qua, có lúc mức giá hỗ trợ lên tới 800 đồng/kg lúa”, Bộ trưởng nói.

Đề cập tới vai trò chủ động của Bộ NN&PTNT trong việc phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là về giống. Những năm qua, Bộ đã giúp người nông dân chọn 102 giống lúa được phổ biến.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng, 102 giống lúa đối với đồng ruộng của Việt Nam là “quá nhiều”. Do đó, Bộ trưởng đã đặt các viện nghiên cứu những giống lúa có giá trị cao, năng suất ổn định, có loại hứa hẹn đem lại giá trị 800 USD/tấn.

“Chúng ta có lợi thế về lúa nước nhưng không có nghĩa trồng lúa ở mọi nơi mà nên tập trung vào vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng. Những vùng ven đất cát, miền Trung, phải bơm nước thì không nên. Hiện tại, Thủ tướng cũng đã ký ban hành hướng dẫn nhân dân chuyển đổi đất lúa”, Bộ trưởng cho biết.

Cùng với việc hỗ trợ người nông dân chuyển đổi đất lúa, Bộ Nông nghiệp tiếp tục các hỗ trợ nông dân ứng dụng cơ giới hóa, hỗ trợ nông dân mua máy móc, đặc biệt là máy gặt đập liên hợp; thúc đẩy kinh doanh lúa gạo bền vững, có khả năng cạnh tranh, xây dựng thương hiệu. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng phải triển khai xây dựng giải pháp đồng bộ, trong đó có việc rà soát qui hoạch vùng trồng lúa.

Nói về việc giá cà phê ở Tây Nguyên đang xuống thấp, thương lái ép giá, người nông dân chịu lỗ, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đã ký văn bản đề nghị Chính phủ hỗ trợ mặt thị trường để chống suy giảm giá, đặc biệt là việc hỗ trợ bà con có thể lưu trữ cà phê để bán vào thời điểm thích hợp.

Có tỉnh chỉ có 1 thanh tra về nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Cao Đức Phát cho biết, hiện bình quân cả nước, 1 tỉnh có 8-9 thanh tra về nông nghiệp nhưng có tỉnh chỉ có 1 thanh tra.

Đề cập tới thực trạng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, các loại phân bón, thuốc kích thích tăng trưởng cây trồng…lỏng lẻo gây thiệt hại cho người nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Qua kiểm tra, Bộ đã nhận trên thị trường đang lưu hành số lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú ý, thức ăn chăn nuôi có chất lượng kém, thậm chí có loại làm giả, buôn lậu ngoài danh mục. Do đó, vài năm trở lại đây, ngành NN&PTNN xác định trong toàn ngành quản lý chất lượng, đảm bảo vệ sinh thực phẩm là trách nhiệm số 1.

Về bộ máy quản lý chất lượng vật tư, Bộ trưởng cho biết, hiện ở một số địa phương, thanh tra sở NN&PTNT rất yếu. Ví dụ như tại Sở Nông nghiệp Bắc Cạn chỉ có 1 người làm thanh tra, Bắc Giang có 2 người trong khi bình quân cả nước 1 tỉnh có 8 - 9 người. “Nguyên nhân là do theo luật hiện nay chỉ công chức mới được thanh tra trong khi hệ thống thú y chủ yếu là viên chức”, Bộ trưởng nêu lên lý do của sự tồn tại khập khiễng đó.


Thùy Minh (lược ghi)

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:Hai Lúa, nông dân,

tin liên quan

video hot

Về đầu trang