Hai Lúa sáng chế máy móc, nhà khoa học có “ngồi chơi”?

author 07:46 15/11/2013

(VietQ.vn) – Trong khi nông dân làm máy gặt lúa và đạt giải sáng chế, liệu các nhà khoa học có ngồi chơi hoặc vô dụng như người ta suy diễn?

Vừa qua, Bộ KHCN đã trao giải Nhất sáng chế cho “Hai Lúa” Phạm Hoàng Thắng với sản phẩm máy gặt đập.

Khi mới đọc thông tin này, nhiều người đã vội vã kết luận, các nhà khoa học Việt Nam đều “vô dụng”, để nông dân mày mò làm ra sáng chế, còn những người được ăn học lại chẳng làm gì !

Để làm rõ vấn đề này, Chất lượng Việt Nam đã gặp gỡ và tìm hiểu công việc của một số chuyên gia ở Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch.

Viện trưởng, TS Chu Văn Thiện cho biết, các nhà khoa học ở đây luôn đánh giá cao phát minh của những người nông dân. Việc họ tự tìm tòi, làm ra các nông cụ cải tiến sức lao động là rất đáng hoan nghênh.

Nhưng điều đó không đồng nghĩa là các nhà khoa học nông nghiệp toàn…ngồi chơi. Vì thực tế, họ đã và đang làm nhiều đề tài được đưa vào thực tiễn, như máy cấy lúa, máy thu hoạch mía…và các hệ thống thiết bị bảo quản các loại nông sản như ngô, lúa, chè…

Máy gieo mạ
Máy gieo mạ do TS Lê Sỹ Hùng sáng chế

Máy Máy cấy lúa đang làm việc tại Vạn Phúc - Hà Đông - Hà Tây

Máy gieo mạ của TS Hùng đang làm việc tại Vạn Phúc - Hà Đông - Hà Tây

Với những người làm khoa học, sản phẩm của họ phải tính đến việc nhân rộng, sản xuất đại trà trên các địa phương khác nhau, chứ không chỉ giới hạn ở một cánh đồng nào đó.

Đã từng có nhiều địa phương mua sản phẩm máy cắt cỏ của một nông dân làm ra (nhưng bị các nhà khoa học phản đối vì thiếu an toàn). Sau đó, những chiếc máy đấy phải “đắp chiếu” vì rất nguy hiểm khi dùng (bị văng lưỡi cắt ra ngoài).

Còn TS Lê Sỹ Hùng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu máy nông nghiệp và thủy khí, tác giả của sáng chế máy cấy mạ, lại phân tích, nhiều sáng chế của các nhà khoa học Việt Nam, khi đưa vào sản xuất, do không chú ý khâu bản quyền, nên đã bị sao chép hoặc thay đổi vài bộ phận nhỏ. Vì thế, có nhiều sản phẩm của tư nhân bán, người dân cũng không biết là do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu.

Mặt khác, các nhà nông học của Việt Nam phải làm đề tài theo cơ chế giao nhiệm vụ từ cấp trên. Nên có khi đề tài này mới hoàn thành, chưa đưa ra thị trường thì đã phải nhận nhiệm vụ nghiên cứu mới.

Hơn nữa, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, rất hiếm doanh nghiệp trong nước mặn mà nhận sản xuất loạt lớn các sản phẩm bán cho nông dân, vì lợi nhuận rất thấp. Nên những người như TS Lê Sỹ Hùng đã và sẽ rất vất vả để tìm doanh nghiệp nhận sản xuất các máy trong nông nghiệp mà mình sáng chế.

Chất lượng Việt Nam sẽ lần lượt giới thiệu một số máy móc của các nhà nông học đã được đưa vào thực tế sản xuất.

Hoàng Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang