Hai người dân tộc Thái "tố" bị lừa 12 con trâu bò

author 12:01 09/09/2012

(VietQ.vn) - Được giới thiệu, anh Lò Văn Tưởng và Vì Văn Hưng người dân tộc Thái ở bản Púng Bánh, xã Sốp Cộp (Sốp Cộp – Sơn La) tìm đến lò mổ trâu, bò của anh Nguyễn Văn Huy ở thôn Ông Tố, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ - Hưng Yên) để hỏi về giá mua. Tại đây, 2 anh đã bị lừa.

Cưỡng đoạt tài sản?

Trong đơn gửi cơ quan báo chí anh Lò Văn Tưởng trình bày: Ngày 18/6/2012, như đã thỏa thuận trước, anh Tưởng và Hưng thuê chiếc xe tải mang BKS 89K-9661 chở 12 con trâu, bò (08 trâu, 04 bò) từ Sơn La về đến nhà anh Huy ở thị trấn Yên Mỹ. Khi đến nơi thì trời chập choạng tối, hai bên chưa có thỏa thuận với nhau về giá cả, cân đong. Tuy nhiên, khoảng 1 giờ 30 phút rạng sáng ngày 19/6, Huy đã cho người giết mổ 01 con bò. Nửa đêm bật dậy, anh Tưởng bức xúc khi chứng  sự việc trên, lúc này Huy giải thích: “Mổ để hai bên cầm cân sao cho chính xác hơn”. Đến sáng ngày 19/6, hai bên thống nhất khối lượng 12 con trâu, bò nặng 1.335kg, thành tiền là 220.275.000 đồng. Tuy nhiên, Huy không nói gì đến việc trả tiền cho anh Tưởng. Chiều cùng ngày, anh Huy mới hứa với anh Tưởng là ngày mai (20/6) sẽ có tiền.

Vụ việc 12 con trâu bò của anh Tưởng có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản
Vụ việc 12 con trâu bò của anh Tưởng có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản

Tuy nhiên, dù không trả tiền như đã hứa, đến ngày 22/6, Huy lại giết mổ tiếp 02 con trâu, 02 con bò và gọi người đến bán 02 con bò nữa. Bức xúc trước việc tiền chưa thấy, trâu bò thì lần lượt bị người khác bán đi, anh Tưởng mới ngăn cản những người đến mua. Lúc ngày, Huy đã có những lời lẽ “dọa giết”, gọi “xã hội đen” và trả lời thẳng thừng là không trả tiền cho anh Tưởng.

Theo anh Tưởng “đấy là tài sản khổng lồ của cả gia đình nên không thể để bị cướp trắng trợn như vậy được”. Thấy a Tưởng làm căng, Huy đồng ý đưa cho anh Tưởng hơn 30 triệu đồng và viết giấy biên nhận tiền còn nợ 190 triệu đồng đến ngày 25/6 sẽ trả hết.

Không thực hiện đúng như thỏa thuận, ngược lại Huy còn lớn tiếng đe dọa anh Tưởng “tao không trả đấy, thích thì tao gọi đầu gấu cho”. Ngày 26/6, anh Tưởng và Hưng đến Công an huyện Yên Mỹ tố cáo sự việc. Đến ngày 27/6/2012, trước sự chứng kiến của Công an huyện, Huy đồng ý trả cho anh Tưởng thêm 20 triệu đồng nữa và hẹn đến ngày 17/7 sẽ trả hết. Đến ngày như đã hẹn, Huy vẫn không thực hiện thỏa thuận, Công an huyện Yên Mỹ thì thông báo sự việc lúc không thuộc thẩm quyền của họ mà thuộc Tòa án.

Có bỏ lọt tội phạm?

Theo phản ánh, ngày 20/7, anh Tưởng có đến Công an huyện hỏi về sự việc trên thì bị một số đồng chí trong Đội Điều tra Công an huyện dùng lời lẽ thô tục để quát mắng, xua đuổi.

Trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, Phó trưởng Công an huyện Yên Mỹ Thượng tá Nguyễn Minh Hiền khẳng định: “Sự việc diễn ra từ ngày 19/6 đến nay như trong đơn trình bày là có thật. Công an huyện đã mời anh Tưởng lên làm việc rất nhiều lần, tuy nhiên quan điểm của chúng tôi đây chỉ là tranh chấp dân sự nên đã hướng dẫn người dân làm đơn ra Tòa”.

Thượng úy Đỗ Xuân Ký, người trực tiếp xử lý vụ việc cho rằng: “Chúng tôi đã mời hai bên lên làm việc rất nhiều lần. Tôi không yêu cầu anh Huy trả tiếp 20 triệu đồng cho anh Tưởng và viết giấy biên nhận như đơn nêu. Năm 2004, anh Huy từng có một tiền án về tội hủy hoại tài sản công dân. Việc trong đơn nêu tôi có những lời lẽ không đúng tác phong, điều lệnh ngành là không đúng vì ai chứng minh trong ghi âm đấy là lời nói của tôi”.

Để có thông tin đa chiều, chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Văn Huy và vợ là Phạm Thị Thư. Anh Huy khẳng định: “Anh  Ký Công an huyện yêu cầu gia đình trả tiếp cho anh Tưởng 20 triệu đồng và viết giấy biên nhận”. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc thực hiện cam kết như đã thỏa thuận, chị Thư cho rằng: “Chúng tôi sẽ trả nhưng chưa biết đến khi nào, có thể 01 tháng, 01 năm hay lâu hơn nữa”.

Ngày 23/7/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Mỹ ra Thông báo số 111 về việc giải quyết đơn tố cáo trong đó có nội dung: “Cơ quan CSĐT Công an huyện tiến hành xác minh vụ việc trên không có dấu hiệu phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự. Vụ việc trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án”

Chúng tôi tiếp tục mang hồ sơ vụ việc tìm đến Văn phòng Luật sư số 7 thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội (Hoàng Mai, Hà Nội), Luật sư Vi Văn A, Trưởng Văn phòng phân tích:“Theo đơn trình bày của ông Tưởng, tôi nhận thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự cần được xử lý dứt điểm. Vì khi chưa có thỏa thuận về số lượng, giá trị mà đã mang giết thịt trâu vào ban đêm, khi anh Tưởng ngăn không cho bán thì bị Huy đe dọa. Chỉ khi anh Tưởng nói đưa ra pháp luật để giải quyết, Huy mới chịu thanh toán 30 triệu đồng và yêu cầu viết giấy ghi nợ là hành vi nhằm che dấu pháp luật. Khi anh Tưởng đến trình báo vụ việc với Công an huyện, nhưng họ đã không làm rõ sự vụ mà còn tiếp tay thêm cho Huy viết biên nhận bổ sung 20 triệu đồng…

Sau đó, phía Cơ quan Công an lấy đó làm căn cứ trả lời công dân rằng vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết. Phía bị hại là người dân tộc, không am hiểu pháp luật nên đã tạo cơ hội cho Huy thực hiện liên tiếp các hành vi phạm pháp. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 135, Bộ luật Hình sự: người nào chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đến 200 triệu đồng có thể bị phạt từ 03 năm đến 10 năm tù”.

Phong Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang