Hải Phòng: Nâng cao năng suất thủy sản nhờ ứng dụng chế phẩm sinh học

author 07:47 14/06/2015

(VietQ.vn) - Sử dụng chế phẩm sinh học Neo-polymic xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản với những đặc tính nổi trội góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thành phố Hải Phòng (Sở KH&CN thành phố Hải Phòng) vừa tổ chức Hội nghị phổ biến kỹ thuật sử dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất nông nghiệp; kỹ thuật sơ chế và bảo quản nấm ăn, nấm dược liệu thương phẩm tại Hải Phòng.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo UBND huyện Tiên Lãng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thành phố Hải Phòng; đại diện Phòng Nông nghiệp, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, chủ nhiệm các hợp tác xã và các hộ nông dân sản xuất điển hình của huyện và các xã trên địa bàn huyện Tiên Lãng; đại diện một số hộ trồng nấm ở các huyện Kiến Thụy, An Lão, Vĩnh Bảo, An Dương,…

Hải Phòng: Nâng cao năng suất thủy sản nhờ ứng dụng chế phẩm sinh học

Hải Phòng: Nâng cao năng suất thủy sản nhờ ứng dụng chế phẩm sinh học

Tại hội nghị, các cán bộ thuộc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thành phố Hải Phòng giới thiệu, phổ biến tới các học viên cách sử dụng chế phẩm sinh học Neo-polymic xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản với những đặc tính nổi trội, trong đó có tác dụng phân hủy tối đa các chất hữu cơ, giảm độ nhớt của nước, phòng tảo nở hoa và hấp thụ nguồn tảo chết, giảm độc tố trong ao nuôi đến mức thấp nhất, giúp cải thiện màu nước, ổn định pH và cân bằng hệ sinh thái, tăng lượng ô-xy hòa tan trong ao, giảm lượng vi khuẩn có hại và mùi hôi của nước, phòng bệnh và giảm hiện tượng gây bệnh cho đối tượng nuôi trong ao. Việc sử dụng chế phẩm sinh học Neo-polymic sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nuôi mau lớn, ít hao hụt, ít nhiễm bệnh, đạt năng suất cao.

Thực tế tại UBND xã Tiên Thắng, địa phương này đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN) với hai quy trình: Kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học Neo-polymic xử lý ô nhiễm tầng đáy ao nuôi cá nước ngọt và Kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học quản lý chất lượng nước nuôi, đảm bảo chất lượng nước, phòng chống dịch bệnh cho cá nước ngọt thương phẩm theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sau khi tiếp nhận quy trình công nghệ, Dự án xây dựng hai mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học Neo-polymic với tổng diện tích là 1ha ao nuôi ghép các loại cá trắm, chép, mè, trôi, rô phi. Trước hết, sử dụng 1 - 2 kg chế phẩm cho 1.000 m2 ao nuôi để ổn định và phát triển hệ vi sinh vật có lợi ở đáy ao. Khi đưa nước cấp vào ao nuôi, tiếp tục sử dụng 1 kg chế phẩm/1.000 m2 ao nuôi để xử lý nước ao trước khi thả giống. Sau đó, định kỳ hàng tuần sử dụng chế phẩm để quản lý chất lượng nước ao nuôi.

Hội nghị cũng giới thiệu tới học viên kỹ thuật sử dụng chế phẩm vi sinh vật Compost maker xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn.

Cũng tại hội nghị này, các học viên được tìm hiểu kỹ thuật trồng, thu hái, sơ chế và bảo quản nấm linh chi trên mùn cưa; kỹ thuật trồng mộc nhĩ, nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ thương phẩm với việc tận dụng nguồn nguyên liệu rơm rạ sẵn có của địa phương, qua đó giúp nông dân tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Nguồn SKH&CN Hải Phòng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang