Hai thảm họa tàu ngầm tồi tệ nhất lịch sử hải quân thế giới

author 05:45 28/09/2016

(VietQ.vn) - Hai thảm họa tàu ngầm tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại phải kể đến vụ nổ tan của Thresher Mỹ và tàu ngầm Komsomolets Nga.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh USS Thresher Mỹ

VNE dẫn nguồn National Interest, tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh USS Thresher có lượng giãn nước khi nổi là 3.540 tấn, dài gần 85m. Tàu được trang bị 4 ống phóng ngư lôi, các tên lửa UUM-44A SUBROC, UGM-84A/C Harpoon, thủy lôi MK 57, MK 60 CAPTOR, các thiết bị cảm biến và hệ thống định vị thủy âm BQQ-5, TB-16. Ngoài ra, tàu được trang bị một lò phản ứng hạt nhân S5W, hai động cơ tuốc bin khí, giúp nó đạt vận tốc 54 km/h ở độ sâu 396 m.

Tàu Thresher được đóng theo công nghệ mới, giúp nó chạy êm và lặn sâu hơn bất kỳ tàu ngầm nào ở thời điểm đó. Bởi vậy, USS Thresher trở thành niềm tự hào của hải quân Mỹ đầu thập niên 1960.

Tuy nhiên, cái ngày định mệnh đã đến. Vào sáng 10/4/1963, tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Thresher, niềm tự hào của hạm đội tàu ngầm Mỹ thời đó, rời cảng nhà Portsmouth ở New Hamshire để tham gia hành trình thử nghiệm trên biển. Những gì xảy ra sau đó đã khiến không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới phải choáng váng khi con tàu cùng 129 thủy thủ đoàn nằm lại dưới đáy đại dương ngoài khơi bang New England.

Hình ảnh con tàu ngầm bị vỡ thành nhiều mảnh

Hình ảnh con tàu ngầm bị vỡ thành nhiều mảnh. Ảnh: VNE/US Navy 

Hồi tưởng lại sự cố lúc bấy giờ, đại úy hải quân James Watson, hoa tiêu trên tàu Skylark, mọi việc diễn ra suôn sẻ cho đến khi tàu ngầm Thresher gửi đi một thông điệp lộn xộn rối rắm và cuối cùng mà tàu USS Thresher truyền lên chỉ có con số "900", và sau khi không nhận được phản hồi từ tàu ngầm, tàu Skylark nhận ra nó đã bị chìm và phát lệnh báo động.

Khoảng 5 phút sau, hình ảnh thủy âm cho thấy tàu Thresher đã nổ tung và chìm xuống lòng biển. 16 sĩ quan, 96 thủy thủ và 17 nhân viên dân sự có mặt trên tàu khi ấy đều thiệt mạng. Ngày 12/4, Tổng thống Mỹ John F. Kenedy ra lệnh treo cờ rủ trên toàn quốc để tưởng nhớ những thủy thủ đã thiệt mạng trong thảm họa này.

Phần còn lại của con tàu bị vỡ làm sáu và cuối cùng cũng được tìm thấy nằm rải rác trên một khu vực rộng 2,4 km dưới đáy biển. Sau khi điều tra kỹ qua các bức ảnh chụp và những gì vớt lên từ đáy biển, cơ quan điều tra kết luận rằng thảm kịch tàu Thresher nhiều khả năng bắt nguồn từ các mối hàn. Giả thuyết khi đó là có ít nhất một mối hàn bị bung khiến nước biển tràn vào tàu, gây chập điện dẫn đến lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngừng hoạt động.

Khi không còn động cơ đẩy, tàu Thresher mất sức nâng và bắt đầu chìm xuống do nước biển tràn vào phần đuôi càng lúc càng nhiều. Để khởi động lại lò phản ứng hạt nhân, các thủy thủ phải mất tới 7 phút, không kịp để cứu vãn con tàu.

Trong bối cảnh đó, giải pháp duy nhất cho thủy thủ đoàn trên tàu Thresher là cho nổ bể dằn chính để đẩy tàu nổi lên mặt nước. Tuy nhiên, khí nén từ vụ nổ bể dằn xì ra với áp suất cao qua các van đã khiến hơi nước trong buồng máy bị đóng băng, bít chặt các van này.

Có vẻ như thủy thủ trên tàu ngầm đã tìm cách cho nổ bể dằn hai lần, nhưng đều vô vọng vì hiện tượng đóng băng khiến khí nén không thoát được vào bể để đẩy nước ra bên ngoài, giúp con tàu nổi lên. Chiếc tàu ngầm chúi đuôi xuống và từ từ chìm dần xuống đáy biển, vỡ tan dưới áp suất cực cao trong lòng biển.

Việc lần đầu tiên mất một tàu ngầm hạt nhân đã khiến hải quân Mỹ choáng váng, nhưng những hy sinh của thủy thủ trên tàu Thresher không vô nghĩa bởi thảm họa này đã thôi thúc hải quân Mỹ tái kiểm tra mẫu thiết kế tàu ngầm lặn sâu và lập ra một chương trình đảm bảo chất lượng có tên gọi là Subsafe.

Đây được coi là thảm họa tàu ngầm hạt nhân đầu tiên và là tai nạn tàu ngầm tồi tệ nhất trong lịch sử hải quân Mỹ ở thời kỳ đỉnh điểm cuộc Chiến tranh Lạnh.

Bom thông minh SDB II mới của Mỹ có thể tiêu diệt mục tiêu bất chấp mọi thời tiết(VietQ.vn) - Bom thông minh SDB II được Mỹ thiết kế nhằm tiêu diệt mục tiêu di chuyển trong mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Thảm họa tàu ngầm Komsomolets kinh hoàng nhất trong lịch sử Liên Xô

Thảm họa tàu ngầm Komsomolets không chỉ khiến 42 thủy thủ chết thảm mà còn làm nó chìm sâu dưới đáy biển hoang lạnh và có nguy cơ gây rò rỉ phóng xạ, tin tức trên Trí Thức Trẻ.

Sau khi chế tạo thành công tàu ngầm K-19 năm 1959 (thế hệ tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của Liên Xô) để bắt kịp Mỹ, năm 1966 Liên Xô bắt tay ngay vào việc chế tạo chiếc tàu ngầm quân sự lặn sâu nhất thế giới.

Sau 8 năm dòng tiêu tốn tiền của và công sức, vào năm 1974 cuối cùng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Komsomolets có khả năng lặn sâu nhất thế giới của Liên Xô cũng hoàn thành và nó trở thành niềm tự hào lớn lao của Hải quân Liên Xô.

Tàu ngầm Komsomolets trở thành niềm tự hào lớn lao của Hải quân Liên Xô khi nắm giữ nhiều kỷ lục: Với lớp vỏ thiết kế bằng titan có khả năng chịu lực cao, tàu ngầm hạt nhân Komsomolets có thể lặn ở độ sâu mà chưa một chiếc tàu ngầm nào tính đến đầu thế kỷ 21 đạt đến: 1.000 mét.

Vào ngày 4/8/1984, tàu ngầm Komsomolets lập kỷ lục thực tế khi lặn được ở độ sâu 1.020 mét tại biển Na Uy. Từ đó, Komsomolets bắt đầu thực hiện các chuyến tuần tra dưới biển sâu.

Tàu ngầm Komsomolets

 Tàu ngầm Komsomolets. Ảnh: VNE

Tàu ngầm Komsomolets ký hiệu K.278 có tổng chiều dài 122 mét, rộng 11,5 mét, thuộc lớp 685 Plavnik-class. Tàu có sức chứa khoảng gần 100 thủy thủ.

Nhờ khả năng lặn sâu vô địch và được trang bị 22 tên lửa hành trình và hai ống phóng ngư lôi, tàu ngầm hạt nhân Komsomolets được mệnh danh là "bất khả xâm phạm" vì không 1 tàu ngầm nào có khả năng địch lại nó.

Tuy nhiên vào ngày 7/4/1989, khi đang tuần tra tại vùng biển Barents (thuộc Bắc Băng Dương, ở phía bắc Na Uy và Nga) ở độ sâu 381 mét, một sự cố kỹ thuật đã chấm dứt hoàn toàn "đế chế" tàu ngầm lặn sâu nhất thế giới của Liên Xô.

Sau khi kết thúc cuộc tuần tra, Komsomolets trở về căn cứ như dự kiến. Vào lúc 11 giờ trưa, báo cáo của sĩ quan trực tàu cho biết các khoang của tàu vẫn hoạt động bình thường.

Thế nhưng, chỉ 3 phút sau, hệ thống báo động hú vang khi nhiệt độ ở khoang 7 của tàu (gần đuôi tàu) cao bất thường ở nhiệt độ 70 độ C.

Bằng cách nào, một tia dầu đã xịt lên bề mặt nóng trong khoang làm bùng lên ngọn lửa lớn. Sĩ quan đang trực tại khoang 7 liên lạc với thuyền trưởng nhưng không được.

Sau khi được báo cáo xảy ra hỏa hoạn ở khoang số 7 và liên tục liên lạc với thủy thủ khoang 7 nhưng không có tín hiệu, thuyền trưởng tàu quyết định xả khí freon nhằm dập tắt đám cháy trước khi nó lan rộng ra các khoang khác, gây nguy hiểm cho toàn bộ con tàu và 69 thủy thủ.

Kể từ giây phút đó, sĩ quan trực tàu chẳng còn cơ may sống sót. Tai họa không ngừng lại khi khí freon chẳng đủ sức dập tắt ngọn lửa đang càng ngày càng bùng lên dữ dội, khiến khoang 7 trở thành lò nung nóng rẫy.

Áp suất khổng lồ tại khoang 7 đã đẩy dầu sang các khoang 6 khiến lửa cháy lan sang các khoang bên cạnh. Ngọn lửa khủng khiếp tới mức, các thủy thủ khoang 6 không kịp đeo mặt nạ khí và đồ bảo hộ. Họ nhanh chóng tử vong trong biển lửa và khí độc freon.

Khí CO ở khoang 7 phát tán khiến các thủy thủ còn lại mặc dù đã đeo mặt nạ dưỡng khí bắt đầu thấy nôn nao, chóng mặt. Thuyền trưởng liên tục đánh điện về căn cứ, nhưng sở chỉ huy chỉ nhận được những tín hiệu rời rạc, báo rằng 1 tàu ngầm Liên Xô đang bị mắc kẹt ngoài vùng biển Barents.

Hạm đội phương Bắc lập tức lên đường cứu trợ sau khi xác định rõ tọa độ của tàu Komsomolets. Đến 14h40, máy bay đã tiếp cận được tàu ngầm. Khá nhiều thủy thủ đã được cứu khi bên trong tàu là ngọn lửa nóng hơn 1.000 độ C và bên ngoài là nhiệt độ biển ở mức 2 độ C.

Con tàu dường như chìm dần khi số thủy thủ trên tàu chưa được cứu hết, thuyền trưởng hạ lệnh tiếp tục cho nổ 2 bể dằn để giữ cho tàu nổi tiếp. Vị thuyền trưởng không lên trực thăng cứu hộ mà tiếp tục xuống dưới để cứu các thủy thủ mắc kẹt.

Komsomolets lúc này chìm rất nhanh, buộc những thủy thủ còn lại phải đóng nắp tháp để không cho nước tràn vào. Những người còn mắc kẹt trong tàu còn tia hi vọng cuối cùng vào những kén thoát hiểm.

Sau tiếng nổ, những chiếc kén vọt lên mặt biển rồi nhanh chóng chìm sâu dưới dòng biển lạnh dò nước tràn vào nắp kén bị bung trước đó. Kết quả, thuyền trưởng và 4 thủy thủ khác đã vĩnh viễn chìm sâu dưới đáy biển hoang lạnh cùng con tàu Komsomolets xấu số. Cuối cùng, 42 người trong tổng số 69 thủy thủ đã hi sinh.

Thảm họa chìm tàu ngầm Komsomolets ngày 7/4/1989 trở thành thảm họa kinh hoàng nhất trong thế giới tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô.

Không chỉ kết thúc "đế chế" tàu ngầm lặn sâu nhất thế giới, thảm họa Komsomolets còn tạo ra "nguy cơ Tchernobyl" cho vùng biển Bắc Âu khi lò phản ứng và 2 đầu đạn hạt nhân vẫn đang chìm ở độ sâu 1.677 mét.

Đến nay, Nga đã liên tục thực hiện các kế hoạch trục vớt tàu ngầm Komsomolets nhằm ngăn chặn thảm họa rò rỉ phóng xạ khi tàu bị nước biển mặn ăn mòn. Để tránh nguy cơ rò rỉ, Nga đã dùng các biện pháp đặc biệt để vây kín con tàu, biến nó trở thành "nấm mồ chôn titan" khổng lồ ở độ sâu hơn 1.600 mét.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang