Hầm biệt thự tiền tỷ ngập nước: Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân

author 17:56 20/07/2017

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia về quy hoạch, tình trạng hầm biệt thự bị ngập ở Hà Nội là do hệ thống thoát nước còn nhiều tồn tại.

Sau cơn mưa lớn ngày 18/7 vừa qua, tầng hầm của nhiều căn biệt thự liền kề ở khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) bị ngập sâu tới 1,5m khiến nhiều người phải lội xuống vớt xe máy, đồ đạc.

Thậm chí, cho đến tối 19/7, tình hình ngập nước ở khu vực này vẫn tiếp diễn khiến người dân vô cùng vất vả để đưa nước ngập ra bên ngoài. Tuy nhiên, không chỉ có khu đô thị Nam An Khánh có tình trạng này mà nhiều khu đô thị có hệ thống tiêu thoát nước hiện đại khác cũng chịu chung số phận.

Có thể lấy ví dụ điển hình như tại khu vực cao ốc cao cấp Keangnam, từ khi triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, khu dự án 72 tầng này luôn được xếp vào hàng hiện đại nhất Hà Nội. Tuy nhiên, hoàn lưu bão số 2 vừa qua lại tiếp tục khiến dân cư ở đây phải lội nước bì bõm đi làm.

Tầng hầm của nhiều căn biệt thự ở Hà Nội bị ngập sâu. Ảnh: Thời đại 

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng trên, phía đơn vị phụ trách thoát nước cho địa bàn TP Hà Nội là công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho rằng việc ngập úng tại nhiều khu biệt thự, đô thị là do trên địa bàn thành phố Hà Nội còn tồn tại nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông, dự án xây dựng lớn... ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thoát nước của thành phố. Hơn nữa, mưa lớn vượt công suất thoát nước theo thiết kế cũng chính là nguyên nhân xảy ra tình trạng ngập cục bộ ở một số khu vực.

Theo thông tin từ ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội, đối với các trận mưa có lượng lớn hơn 50mm - 100mm/2 giờ thì nội thành Hà Nội sẽ xuất hiện 18 điểm úng ngập. Tuy nhiên, với những trận mưa cấp tập trong thời gian ngắn, số điểm bị nước ngập lớn hơn rất nhiều.

Người dân sử dụng biện pháp tạm thời là dùng bơm để hút nước ra khỏi tầng hầm bị ngập. Ảnh: Thời đại

Liên quan tới vấn đề này, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên KTS trưởng Hà Nội cho rằng tình trạng ngập úng đặc biệt là ở các tầng hầm của biệt thự, khu đô thị có phần nguyên nhân từ sự thiếu kết nối giữa hệ thống thoát nước của các khu biệt thự, đô thị đối với hệ thống thoát nước khung của Hà Nội.

“Khi tiến hành giám sát xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhất là hệ thống thoát nước của các khu đô thị, nhà ở này chưa kết nối được với hệ thống thoát nước khung ở bên ngoài của thành phố. Do đó, tình trạng ngập úng xảy ra là tất yếu và tùy nơi thì mức độ sẽ nặng nhẹ khác nhau”, TS Đào Ngọc Nghiêm cho hay.

Cũng theo nhận định của TS Nghiêm, tình trạng ngập cục bộ ở Hà Nội sau mưa lớn cũng có nguyên nhân quan trọng xuất phát từ thiếu sót, yếu kém trong chính hệ thống thoát nước mặt chung của Hà Nội.

“Vấn đề đầu tiên phải nêu ra là hệ thống thoát nước mặt của Hà Nội hiện nay chưa được giải quyết đồng bộ các yếu tố. Trong đó, liên kết của toàn bộ hệ thống thoát nước còn yếu. Hệ thống đường ống khung của Hà Nội nối kết với các khu đô thị chưa được hoàn thiện cho nên nước chưa thể thoát từ các khu đô thị hay biệt thự ra bên ngoài. Hà Nội chia thành 4 lưu vực và khi các lưu vực chưa kết nối đồng bộ thì tình trạng ngập úng ngập cục bộ chắc chắn sẽ xuất hiện. Thêm nữa, đối với công tác điều hòa nước mặt, hệ thống hồ điều hòa Hà Nội (cả nội thành và ngoại thành) hiện nay mới chỉ đạt gần 2% diện tích tự nhiên (tương đương hơn 6000 ha) nhưng để đảm bảo thoát nước mặt và có diện tích nước để điều hòa nước chảy ra hệ thống cống thì phải cần từ 5-7%”, TS Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm.

Ngoài các lý do trên, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cũng chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại có liên quan đến tình trạng ngập úng cục bộ ở nhiều điểm trong thành phố. Đó chính là việc hệ thống kênh mương dù đã chú trọng quản lý nhưng công tác nạo vét chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đến mỗi khi mưa ngập, nước không kịp thoát ra hệ thống kênh mương do tắc nghẽn, hỏng hóc hay sự cố kỹ thuật.

 TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội.

Ở một góc ý kiến khác, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng các khu đô thị mới có tình trạng chung là quá trình thực hiện, triển khai quy hoạch chắp vá và không có sự kiểm soát nên ngập úng là điều khó tránh khỏi. Tình trạng người xây sau xây nền cao hơn người xây trước, dồn hết nước cho khu vực làm trước vẫn diễn ra thường xuyên chính là một trong những mấu chốt của việc những tầng hầm biệt thự tiền tỷ phải chịu chung cảnh nước ngập.

Về giải pháp trước mắt, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng hiện cần điều tra xác định khu vực úng ngập cục bộ, nhất là các khu đô thị, cao ốc để có giải pháp cứu cục bộ như sử dụng trạm bơm để giải thoát nước từ bên trong công trìn ra hệ thống khung bên ngoài.

Về giải pháp lâu dài, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng phải sớm hoàn thành quy hoạch thoát nước mặt giai đoạn II đến năm 2020. Thậm chí, có những chỗ trong quy hoạch phải sửa đổi như việc tính nước mặt đến 370ml nước mưa nhưng thực chất có những trận mưa vừa qua đến cả 400ml. Lượng mưa lớn quá dự đoán bắt buộc phải điều chỉnh lại quy hoạch để hạn chế tình trạng ngập úng.

Phong Lâm

Cận cảnh hồ điều tiết ngầm chống ngập tại Tp.HCMHồ đặt tại nhà thiếu nhi quận Thủ Đức do một công ty Nhật Bản làm thí điểm, sau khi xây ngầm xong sẽ hoàn trả mặt bằng.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang