Hầm Đèo Cả và những ký ức về miền đất đẹp

author 06:23 30/07/2016

(VietQ.vn) - Sau hơn hai năm thi công, hầm Đèo Cả - cái hầm nối liền tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên - sẽ thông vào cuối tháng này, vượt tiến độ.

Điều đáng nói, hầm Đèo Cả phải mang cái tên mà nội hàm chỏi nhau, vừa “hầm”, vừa “đèo”, vì khi sinh ra cái đèo tên chỉ có một chữ Cả. So với hầm Cổ Mã ngắn hơn rất nhiều, đáng đàn em xa, chỉ dài 500m trong khi hầm Đèo Cả dài 4.125m.

 Thứ trưởng Lê Đình Thọ thị sát Dự án hầm Đèo Cả, lần đầu tiên đi thông tuyến đường hầm. Hình: TL

Đèo Cả và Cổ Mã cửa ngỏ Bắc và Nam của Đại Lãnh

Hầm Cổ Mã và hầm Đèo Cả chỉ cách nhau chừng vài cây số chiều dài của thị trấn Đại Lãnh, nơi có bãi biển hoang sơ và là một trong những bãi biển đẹp nhất nước.

Cho đến nay, do nằm ở vị trí lỡ cỡ - cách Nha Trang 80km, ít du khách, nên bãi biển đẹp này còn hoang sơ, nước biển trong xanh, một tặng vật của mẹ thiên nhiên dành cho những người “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”.

Cặp bên một phần bãi biển cách chừng vài chục mét là một dòng sông nhỏ chảy ra biển.

Nhưng điều đáng nói hơn hết hầm Đèo Cả là hầm đường bộ đầu tiên do người Việt thi công vượt tiến độ đến hai tháng, chứ không như nhiều dự án khác thi công thường trễ tiến độ.

Ngày xưa, khi hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa còn là tỉnh Phú Khánh, tôi vẫn phải thường xuyên đi qua cái đèo Cả dài 12km này, để dự những lớp tập huấn về nông nghiệp.

Và một thời phải đi trên những chiếc xe cũ kỹ, không có dầu diesel phải chuyển sang chạy bằng than.

Lúc đó có nhiều đoạn đường đèo rất meo, do mùa mưa sạt lỡ mà thời gian thi công sửa chữa kéo dài, mỗi lần đi là một lần lo lắng.

Có một lần từ Vạn Giã đi Tuy Hòa, mê cảnh đẹp từ trên đèo nhìn xuống biển Đại Lãnh, tôi ra đứng sau tấm ván phía sau xe, đối bên với cái thùng than, giáp phía biển.

Ông bạn cùng làm trong hợp tác xã nông nghiệp đi cùng hỏi: “Ủa, sao không ngồi ghế mà ra đứng cho mỏi chân?”

Tôi trả lời đùa: “Đường meo qua, đứng ngoài này, có chuyện gì nhảy cho chắc ăn.”

Ông bạn tưởng thật, vội leo ra ngoài đứng cùng, làm tôi cười thầm trong bụng.

Đèo Cả có một đoạn đi qua Vũng Rô, một nơi cảnh trí đẹp hiểm tuấn và tiềm năng khiến khi chia tách, tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa ra sức giành giựt Vũng Rô về cho mình.

Sự náo nức sau khi thông hầm Đèo Cả

Bây giờ, sau khi thông hầm, có lẽ đèo Cả cũng như đèo Hải Vân sẽ trở nên thưa vắng xe, nhưng đông du khách mạo hiểm sẽ chọn cung đường đèo làm nơi ngoạn cảnh trong hành trình của họ.

Sự vượt tiến độ này nhờ chiều dài khoan đào các gương hầm tăng lên 3,5m so với độ dài ban đầu từ 1-2m, nhiều gương đạt từ 4-4,5m chiều dài.

Khối đá mỗi chu kỳ phải xử lý lên từ 400-600 khối với thời gian được kiểm soát tối đa là 14-16 tiếng.

“Tốc độ này tương đương với các nhà thầu quốc tế chuyên nghiệp,” báo Giao Thông dẫn lời ông Ichizuru Ishimoto, giám đốc tư vấn giám sát thuộc Nippon Koei, Nhật.

Cách đây một tháng tám ngày, ngày 21/6, bốn nhà thầu chính thức hội nhau ở hai gương hầm cuối cùng.

Ba mét gương hầm cuối cùng gặp nhau, được ông Lê Quỳnh Mai, Phó Tổng giám đốc thường trực công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả, đánh giá là chính xác đến từng cen-ti-mét.

Tới nay, toàn hầm hoàn thành 2km đổ bê tông vỏ, bảy cầu trên tuyến gần hoàn thành.

Hầm Đèo Cả, cả nước có thêm một niềm vui, miền Trung và quê tôi có thêm một niềm vui.

Trần Bích

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang