Hạn chế nhập cư dân tỉnh lẻ: Người giàu sẽ thắng?

author 09:08 20/06/2013

(VietQ.vn) - Chiều nay, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua dự luật Cư trú.

Trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú tại UB Thường vụ Quốc hội,  Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nêu rõ, một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong dự án luật chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tự do cư trú của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật mà chủ yếu tạo thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý nhà nước.

Ai sẽ bảo vệ quyền lợi của người tỉnh lẻ?
Ai sẽ bảo vệ quyền lợi của người tỉnh lẻ?

Còn theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, là người Việt Nam, muốn ở đâu trên đất Việt Nam thì ở, không đăng ký hộ khẩu, người dân vẫn ở cũng không cấm được. Vì vậy, quy định lẽ ra phải khuyến khích người dân đăng ký để cơ quan chức năng quản lý được chứ không phải cấm mọi thứ.

Chủ tịch Quốc hội từng nói: “Người dân phải được tự do cư trú. Cơ quan quản lý phải tạo điều kiện tối đa cho người dân thực hiện quyền tự do cư trú, thay vì “cấm” và “xóa”, bắt phải thế này thế kia là người dân rất khổ”.

Dự thảo luật Cư trú sửa đổi có nhiều điểm mới. Một trong số đó là  "công dân có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ hai năm trở lên; được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu là người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; ông, bà nội, ngoại về ở với cháu ruột. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ cá nhân, tổ chức thì phải đảm bảo điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Nơi đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. Công dân đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thì thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô".

Đây được coi là quy định hạn chế người tỉnh lẻ về Hà Nội để mưu sinh. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, rồi cũng như luật Thủ đô, rồi luật Cư trú sửa đổi, khi được đặt lên bàn Quốc hội, sẽ được thông qua.

TS Nguyễn Thanh Hải (Ba Lan) từng phân tích, cứ mỗi khi kinh tế suy thoái là người ta thường đem chuyện dân nhập cư ra bàn luận. Đó cũng là lẽ thường tình vì khi nhà bạn gặp khó khăn về kinh tế, điều đầu tiên bạn nghĩ đến sẽ là xem ai cần vắng mặt trong bữa cơm, mà đứng đầu danh sách chính là những người khách không mời mà đến.

Ông cho rằng, dân nhập cư luôn sẵn sàng gánh lấy những công việc mà người ở lâu trong thành phố không muốn làm, mà nếu từ nay cấm tuyển thêm ôsin, cấm thuê thêm lao động tay chân thời vụ, cấm thợ từ quê ra thi công các hạng mục đang cần nhiều nhân công giá rẻ, thì kinh tế của thành phố có đột quỵ vì liều thuốc quá độc này hay không? Đó là những điều mà hệ thống làm luật ở các nước phát triển luôn cân nhắc.

Thu Lan

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang