Hạn chế tác hại cháy nổ trong nhà cao tầng qua thiết kế

author 17:20 25/09/2014

(VietQ.vn) – Gần đây có rất nhiều vụ cháy xảy ra gây nhiều thiệt hại về người và của. Khi xây nhà cao tầng việc cần thiết đầu tiên là yếu tố an toàn cháy nổ.

Nếu vấn nạn giao thông xảy ra hàng ngày, đem lại bao nhiêu phiền toái và tiêu tốn thời gian cho con người thì hỏa hoạn mặc dù xảy ra hi hữu, nhưng lại mang tới những thảm họa vô cùng to lớn về người và của, khó có thể bù đắp được. Khi thiết kế nhà cao tầng, yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu. An toàn được xếp trước cả Công năng, Kỹ thuật và Thẩm mỹ. Tuy nhiên, khái niệm này lại chưa được quan tâm trong kiến trúc hiện đại, đặc biệt đối với nhà cao tầng. 

Các nguyên tắc thiết kế để hạn chế tác hại của hỏa hoạn

Hạn chế tác hại của lửa: Các đường lan truyền cháy trong không gian các tầng về nguyên tắc luôn chịu ảnh hưởng của gió và không khí. Vì vậy, các đường lan truyền cháy theo chiều ngang sẽ len lỏi vào các tuyến hành lang. Các đường lan truyền cháy theo chiều đứng sẽ len lỏi vào các đường ống kỹ thuật, giếng trời, thang máy và thang bộ. Do áp suất chênh lệch giữa trong và ngoài nên các đường lan truyền cháy có xu hướng đẩy ra các bề mặt bao quanh, nơi có nhiều không khí, với các vật liệu dễ cháy.

Để đảm bảo ngăn chặn phát triển lây lan lửa và khói trong không gian nhà cao tầng, về cơ bản cần phải phân chia các khu vực không gian sử dụng thành các bộ phận không gian tách biệt bằng các kết cấu hoặc không gian ngăn chia linh hoạt. Có 3 biện pháp ngăn chia: Thứ nhất là sử dụng hệ thống cửa sập được chế tạo bằng vật liệu chịu lửa, ngăn lửa, có thể được làm bằng thép hoặc kính chịu lửa, để ngăn tách các đoạn hành lang. Sau đó có thể sử dụng một màn nước phun tự động được hình thành từ hệ thống vòi phun nước đặt trên trần nhà, nhằm ngăn cách hai khu vực khác nhau. Hoặc có thể làm một hệ thống “Rèm không khí” nhằm ngăn chặn lây lan của lửa.

Khói và lửa là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại về người và của. Ảnh minh họa

Khói và lửa là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại về người và của. Ảnh minh họa

 Hạn chế tác hại của khói: Các nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra rằng, trong hỏa hoạn có đến trên 50% nạn nhân bị chết do ngộ độc khí CO, bởi lẽ trong vòng 30 phút hít phải khí CO con người sẽ bị tử vong . Để ngăn chặn sự lây lan khói trong các không gian của tòa nhà cao tầng thì cần cô lập hóa đám cháy bởi các vách ngăn chia không gian, được sử dụng các vật liệu không cháy và hạn chế cháy. Sử dụng các vật liệu kính, thạch cao để ngăn chia không gian sẽ tốt hơn là nhựa và gỗ... xét về mặt an toàn phòng cháy.  Để tránh sự lây lan khói vào các không gian ở và làm việc thì cần phải tạo áp suất âm để hút khói ra bên ngoài. Các biện pháp hút khói tự nhiên thông qua các không gian thông tầng và hút khói cưỡng bức thông qua các thiết bị hút gió cưỡng bức, thường  được sử dụng trong không gian nhà cao tầng.

Thiết kế cầu thang thoát hiểm

Cầu thang thoát hiểm (Fire-escape) là một yếu tố không thể thiếu trong việc thiết kế và xây dựng các tòa nhà cao tầng, nhằm sử dụng thoát thân cho những trường hợp khẩn cấp và nguy hiểm như: Hỏa hoạn, cháy, nổ… Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam nói chung và Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về an toàn cho nhà và công trình nói riêng (kèm theo Quyết định số 439/BXD-CSXD ngày 25/09/1997 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Thông tư số 07/2010/TT-BXD ngày 28/07/2010 của Bộ Xây dựng), các nhà cao tầng đều thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhà cao tầng phải đảm bảo nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về PCCC; phải được cơ quan quản lý nhà nước về PCCC có thẩm quyền thẩm duyệt, nghiêm thu, thi công... các hạng mục PCCC của công trình trước khi công trình đi vào xây dựng và đảm bảo an toàn PCCC, thoát hiểm, thoát nạn... cho người trong công trình khi đưa vào sử dụng, hoạt động.

Vì cầu thang thoát hiểm được thiết kế dùng cho một mục đích duy nhất và vô cùng quan trọng đó là thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp nên các cánh cửa của cầu thang thoát hiểm tại mỗi tầng lầu đều chỉ có thể mở theo hướng thoát ra ngoài. Nhiều người khi cố tình mở cửa thoát hiểm từ bên ngoài để đi vào trong cầu thang không được đã dùng lực mạnh để đẩy cửa có thể làm cho các cánh cửa bị hư hỏng. Hành động này sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng nếu xảy ra trường hợp nguy hiểm khẩn cấp cần thoát thân ra ngoài.

Cửa thoát hiểm chỉ dành cho mục đích duy nhất

Cửa thoát hiểm chỉ dành cho mục đích duy nhất. Ảnh minh họa

Một điểm đáng lưu ý nữa là trên tường ở các hành lang tòa nhà cao tầng đều có gắn biển “Fire exit” để chỉ dẫn mọi người lối đi đến cầu thang thoát hiểm. Mọi người hãy cùng chú ý để đề phòng có thể thoát thân trong trường hợp nguy hiểm hoặc khẩn cấp nhé.

Sử dụng không gian trống tầng

Một số tòa nhà cao tầng có cấu trúc trống tầng tạo ra một khoảng liên thông theo chiều cao thường được xem như một thủ pháp trong tổ hợp không gian kiến trúc hiện đại. Những không gian này thường được bố trí ở sảnh hoặc ở khoảng giao nhau giữa hai tòa nhà, tạo nên nhiều hiệu quả tốt về mặt không gian, ánh sáng và đặc biệt là sự thoáng mát nhờ dòng đối lưu trao đổi khí tươi giữa bên trong và bên ngoài. Xét về mặt phòng hỏa thì không gian này rất tốt cho sự lan tỏa khói ra bên ngoài, đặc biệt nếu bố trí thiết bị hút gió ở tầng trên.

 

Nguyễn Duy


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang