Hạn chót chuyển 7.000 tỷ 'thâu tóm' Vinaconex, An Quý Hưng có làm nên điều kỳ diệu?

author 09:10 04/12/2018

(VietQ.vn) - Theo thông báo của SCIC, hôm nay (ngày 4/12/2018) là hạn chót để An Quý Hưng chuyển số tiền gần 7.000 tỷ, hoàn tất thương vụ "thâu tóm" Vinaconex.

Trước đó, tại Thông báo nộp tiền mua cổ phần của Nhà đầu tư trúng giá trong phiên đấu giá cả lô cổ phần của SCIC tại Vinaconex, số 2159/ĐTKDV-ĐT2, xác nhận Công ty TNHH An Quý Hưng đã đăng ký mua thành công 254.901.153 cổ phần của SCIC với tổng giá trị thanh toán là 7.3666.643.321.700 đồng.

Trong đó, số tiền đã đặt cọc là 542.939.500.000 đồng. SCIC đề nghị Công ty An Quý Hưng thanh toán số tiền còn lại 6.823.703.821.700 vào tài khoản của SCIC theo đúng quy định trong Quy chế đấu giá cả lô cổ phần của SCIC tại Vinaconex muộn nhất trong ngày 04/12/2018.

 Văn bản thông báo nộp tiền của SCIC.

Đồng thời, SCIC cũng gửi văn bản thông báo đã hoàn trả tiền cọc đến 2 nhà đầu tư tham gia đấu giá là ông Nguyễn Văn Đông và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest. Theo đó, SCIC đã hoàn trả lại 542,9 tỷ đồng tiền đặt cọc cho 2 nhà đầu tư này trong ngày 26/11/2018. Như vậy, hôm nay sẽ là hạn chót để An Quý Hưng chuyển tiền và hoàn tất thương vụ. Đến thời điểm hiện tại, phía SCIC vẫn chưa công bố thêm những thông tin liên quan đến giao dịch này.

Trước đó, như Chất lượng Việt Nam online thông tin, Công ty TNHH An Quý Hưng (doanh nghiệp đã bỏ ra số tiền gần 7.400 tỷ đồng để mua trọn lô cổ phần của Vinaconex) đã thực hiện thế chấp hàng loạt lô đất thuộc dự án Geleximco – Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn (Hà Nội) cho ngân hàng Indovina, chi nhánh Thiên Long, trụ sở tại 36 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, Q. Đống Đa. Địa chỉ này cũng là nơi đặt trụ sở của Tập đoàn Geleximco.

Được biết, tài sản bảo đảm mà An Quý Hưng vừa thế chấp là quyền tài sản phát sinh từ 20 Hợp đồng mua bán nhà ở của 20 lô đất thuộc Dự án Geleximco. Diện tích các lô đất dao động từ 95,8 m2 đến 330 m2, phổ biến ở mức 100 m2, tọa lạc trong các khu B (15 lô), C (3 lô), D (2 lô) thuộc dự án Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn. Tổng diện tích các lô đất là 2.794,2 m2, diện tích xây dựng là 10.462,4 m2.

Hợp đồng thế chấp giữa An Quý Hưng với Ngân hàng TNHH Indovina – Chi nhánh Thiên Long được ký ngày 23/11/2018 (số hiệu 178/2018/HĐTC-QTS/IVBTL-PM). Biên bản định giá tài sản được xác lập cùng ngày xác định giá trị của tài sản đảm bảo trên ở mức 197,387 tỷ đồng.

 Dư luận đặt câu hỏi, liệu An Quý Hưng có làm nên điều kỳ diệu trong thương vụ "thâu tóm" Vinaconex.

Thực tế đây là con số khá nhỏ nếu so sánh với nghĩa vụ thanh toán lên tới gần 7.400 tỷ đồng mà An Quý Hưng sẽ phải thu xếp cho SCIC. Chưa kể, giá trị cấp tín dụng mà ngân hàng sẽ giải ngân thông thường cũng không vượt 70% giá trị tài sản đảm bảo.trước phiên đấu giá ngày 22/11, An Quý Hưng đã phải đặt cọc 10% ở mức giá khởi điểm, khoảng 550 tỷ đồng theo quy định. Ước tính công ty sẽ phải huy động thêm khoảng gần 7.000 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, An Quý Hưng được thành lập năm 2001, số vốn điều lệ ban đầu vỏn vẹn 300 triệu với khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên đến nay, sau nhiều nỗ lực, doanh thu hàng năm của công ty không ngừng tăng, ước tính tổng số vốn năm 2012 lên tới 310 tỷ đồng, 2013 là 320 tỷ đồng, 2014 lên tới 468 tỷ đồng, 2015 lên 260 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2017, tổng tài sản của An Quý Hưng xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn gần 550 tỷ đồng, dài hạn 450 tỷ đồng.

Cũng theo giới thiệu của An Quý Hưng, đơn vị này có 17 năm kinh nghiệm thi công trên 60 dự án lớn, nhỏ cho các đối tác trong và ngoài nước, trong đó có trên 50 nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một số công trình quy mô lớn do An Quý Hưng thực hiện như nhà máy đồ chơi Cheewah, nhà máy sản xuất linh kiện điện tử MicroShine – Vina, nhà máy công nghiệp Henrry Việt Nam, nhà máy bia Tiger, nhà máy công nghiệp Toyotaky,…

An Quý Hưng được góp vốn bởi 2 cá nhân gồm ông Nguyễn Xuân Đông (70%) và vợ ông Đông là bà Đỗ Thị Thanh (30%). Ông Nguyễn Xuân Đông sinh năm 1966, tại Hà Đông, Hà Nội. Bên cạnh An Quý Hưng, trong giai đoạn từ tháng 4/2014 đến tháng 4/2017, ông Đông là Thành viên HĐQT CTCP Vimeco (Mã CK: VMC).

Ngoài ra, từ tháng 4/2018 đến nay, ông Nguyễn Xuân Đông là thành viên HĐQT của một doanh nghiệp bất động sản khác là CTCP Đầu tư Hải Phát (Mã CK: HPX).

Trước thực lực của An Quý Hưng, nhiều người không khỏi băn khoăn về khả năng huy động đủ số tiền 7.400 tỷ cho SCIC trong vài ngày tới để trở thành ông chủ mới của Vinaconex. Trước đó như thông tin đã đưa, trước ngày 4/12/2018, An Quý Hưng sẽ phải trả cho SCIC gần 7.400 tỷ đồng trong khi các nhà đầu tư khác không trúng giá sẽ được hoàn trả tiền đặt cọc sau 5 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức đấu giá.

Hoàng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang