Hàn Quốc sẽ sửa quy định ghi nhãn để hạn chế lãng phí thực phẩm

author 15:33 01/06/2021

(VietQ.vn) - Cơ quan chức năng Hàn Quốc đang lên kế hoạch chi tiết về sửa đổi quy định ghi nhãn hàng hóa nhằm hạn chế lãng phí thực phẩm.

Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc cho biết, cơ quan này đang có kế hoạch sửa đổi lại hệ thống quy định, phương thức ghi nhãn trên thực phẩm. Lý do được đưa ra là hệ thống hiện tại đang gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, dẫn đến tình trạng lãng phí thực phẩm và làm tăng lượng khí thải carbon ra ngoài môi trường. Cụ thể, sẽ thay thế nhãn “bán đến ngày” (sell-by date) đang được in phổ biến trên các bao bì thực phẩm bằng nhãn “dùng đến ngày” (use-by date), nhằm giúp thực phẩm được sử dụng hợp lý hơn.

Nhãn “bán đến ngày” thông thường chỉ phản ánh từ 60 đến 70% thời gian sử dụng thực phẩm và thực phẩm vẫn giữ được chất lượng ổn định cùng độ an toàn trong khoảng thời gian sau nhãn này. Theo Hiệp hội người tiêu dùng Hàn Quốc, với sản phẩm sữa tươi, mặc dù có nhãn “bán đến ngày” trong khoảng 9 đến 14 ngày kể từ khi sản xuất, nhưng thực tế, với điều kiện bảo quản tốt từ 0 đến 5 độ C, sữa tươi vẫn có thể sử dụng trong vòng 50 ngày.

Việc các công ty thực phẩm chỉ in nhãn “bán đến ngày” trên bao bì khiến người tiêu dùng Hàn Quốc bị hiểu sai thông tin nhãn mác và vứt bỏ thực phẩm quá sớm. Trong cuộc khảo sát mới đây với 2.038 người trưởng thành của Viện Phát triển Công nghiệp Y tế Hàn Quốc, 56,4% số người được hỏi đều cho rằng việc nên làm là vứt bỏ thực phẩm sau hạn “bán đến ngày”.

Việc hiểu sai nhãn mác cũng gây nên vấn nạn lãng phí thực phẩm tại quốc gia này. Cũng theo Viện Phát triển Công nghiệp Y tế Hàn Quốc, có khoảng 30% thực phẩm chưa qua sử dụng được thải ra toàn cầu hàng năm. Trong đó, có trung bình 14,314 tấn thực phẩm chưa qua sử dụng được bỏ đi mỗi ngày chỉ riêng tại Hàn Quốc. Cùng với đó, rác thải thực phẩm là nguyên nhân gây ra 8,85 triệu tấn khí thải được cho là phát sinh ra quá trình phân hủy hoặc đốt thực phẩm.

Một người tiêu dùng Hàn Quốc đang đọc hạn sử dụng in trên vỏ hộp sữa. Ảnh: The Korea Times

Các nhóm hoạt động vì môi trường đang lên tiếng mạnh mẽ trong việc cần sửa đổi lại hệ thống ghi nhãn trên thực phẩm, hướng tới việc giảm tình trạng lãng phí ở Hàn Quốc. Hiện tại, hầu hết các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mà quốc gia này tham gia cũng đều chuyển sang sử dụng mác “dùng đến ngày” thay cho “bán đến ngày”. Chính phủ Hàn Quốc cho biết họ có kế hoạch thay đổi hệ thống ghi nhãn thực phẩm vào năm tới.

Liên quan tới vấn đề trên, trước đó, hồi tháng 5/2020, thực hiện Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) của WTO, Hàn Quốc đã có thông báo về việc đề xuất sửa đổi “Các tiêu chuẩn ghi nhãn đối với thực phẩm”.

Một số thay đổi được đề xuất gồm các qui định chủ yếu sửa đổi liên quan tới ghi nhãn thực phẩm được chia nhỏ hoặc đóng gói như thông tin về “vật liệu bao gói” được bổ sung và qui định liên quan tới thông tin ghi nhãn có thể thay đổi được.

Bên cạnh đó, thông tin về việc nội dung “sản phẩm không chứa caffeine” sẽ được cho phép ghi nhãn đối với “trà và các sản phẩm từ trà” nếu hàm lượng caffeine được loại bỏ hơn 90%. Đối với nước tương hỗn hợp, tất cả thành phần của nước tương hỗn hợp phải được công bố trên bề mặt hiển thị chính. Đối với các phụ gia thực phẩm, bao gồm cả chất khử trùng dụng cụ bếp, phải công bố ngày bán và ngày sản xuất.

Cùng thời điểm, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc cũng có thông báo về phương thức kiểm tra hồ sơ đối với cơ sở sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đây là phương thức kiểm tra lâm thời thực hiện trong năm 2020 do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới. Theo đó, bên cạnh phương thức nộp hồ sơ theo hướng dẫn trước đây của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm Việt Nam, các doanh nghiệp có thể tự chuẩn bị và nộp hồ sơ theo danh sách yêu cầu của MFDS.

Một hệ thống nộp hồ sơ trực tuyến cũng được xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp hồ sơ, trao đổi thông tin giữa MFDS và doanh nghiệp.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang