Hàng bị làm giả, doanh nghiệp cũng không dám kêu

author 10:39 10/04/2015

(VietQ.vn) - “Các doanh nghiệp đều biết hàng giả vào Việt Nam nhưng chỉ có rất ít doanh nghiệp lên tiếng, thậm chí ngay chính sản phẩm của họ bị làm giả cũng không dám kêu”.

Chính vì động thái đó của các doanh nghiệp (DN) nên ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Hải quan kiêm Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 nhận định, họ còn quá thờ ơ với vấn nạn hàng giả, hàng nhái.

11/21.000 vụ hàng giả bị xử lý hình sự

Tại tọa đàm trực tuyến “Chống hàng giả: Cần sự quyết liệt của nhiều ngành” diễn ra sáng 9/4, ông Nguyễn Văn Cẩn - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, những kết quả chống hàng giả đã đạt được trong thời gian qua còn chưa tương xứng so với thực trạng buôn bán, vận chuyển trái phép hàng giả.

Theo thống kê, năm 2014 ngành Hải quan đã phát hiện và xử lý gần 230.000 vụ vi phạm. Tính chất, quy  mô khác hơn nhiều so với trước đó với đủ thể loại mặt hàng được làm giả từ nguyên liệu sản xuất, thực phẩm chức năng, thuốc, hàng hiệu, hàng tiêu dùng...

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Tín cho biết, năm 2014, Cục Quản lý thị trường đã bắt 21.000 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, trong đó có sự chiến đấu quyết liệt của lực lượng quản lý thị trường. Lực lượng QLTT trực tiếp kiểm tra và xử lý trên 17.000 vụ, với số tiền xử phạt trên 57 tỷ đồng, hàng hóa vi phạm trên 35 tỷ đồng. Thế nhưng, số vụ được xử lý hình sự mới vỏn vẹn được 11 vụ.

‘Không có doanh nghiệp nào bị làm giả thờ ơ như ở nước ta’

Vấn nạn hàng giả đang hoành hành người tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: Lao Động

Doanh nghiệp: “Oan” cũng không dám kêu

Theo ông Cẩn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả nhức nhối như tỷ lệ lưu thông lớn, các địa phương vào cuộc chưa quyết liệt. Đặc biệt, DN có sản phẩm, hàng hóa bị làm giả chưa quyết liệt xử lý và giải quyết; các hiệp hội chưa phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng…“Các doanh nghiệp đều biết hàng giả vào Việt Nam nhưng chỉ có rất ít doanh nghiệp lên tiếng, thậm chí ngay chính sản phẩm của họ bị làm giả cũng không dám kêu”, ông Cẩn nói.

Giải thích về hiện tượng này, ông Mai Hòa Việt – Trưởng ban bảo vệ Quyền Sở hữu trí thuệ toàn quốc, Giám đốc công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam cho biết: đơn vị này là một trong những đơn vị bị làm giả nhiều nhất bởi các sản phẩm tiêu dùng thường xuyên như dầu gội, sữa tắm, xà phòng, kem đánh răng, hóa mỹ phẩm… Tuy nhiên, ngay bản thân DN cũng không dám lên tiếng công bố bởi tâm lý khách hàng có thể ngay lập tức quay lưng với sản phẩm thật của hãng vì tư tưởng “quay lưng còn hơn bỏ sót”. Chính những rào cản này mà nhiều DN cũng ngại lên tiếng.

Ngoài những lý do trên, ông Cẩn cho hay, hiện nay, các văn bản quy định chưa đầy đủ và chưa đáp ứng được yêu cầu cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn hàng giả. Nhiều vụ vi phạm xử lý quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Ngoài ra, ở đây còn có sự tham gia của yếu tố nước ngoài, “trong giả có lậu, trong lậu có giả”.

Đối với ông Trần Đức Vĩnh – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế (C46) cho rằng, khó khăn lớn nhất trong công tác chống hàng giả hiện nay chính là vướng mắc về luật pháp và khó khăn về phương tiện, điều kiện phục vụ cho công tác đấu tranh chống tội phạm như thiết bị giám định hàng giả còn thiếu…

“Người tiêu dùng Việt Nam đang ở thế yếu. Trên thị trường lưu thông hàng hóa, từ hàng tiêu dùng đến máy móc thiết bị đều có thể là hàng giả. Thóc giống giả, phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật giả… là những nỗi lo của người nông dân. Thậm chí đến mũ bảo hiểm – bảo vệ an toàn tính mạng cho con người cũng tràn ngập hàng giả” - Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhận định.

Trong khi đó, ông Lê Thế Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam khẳng định, thực trạng hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam đã trở thành vấn nạn, không thể giải quyết trong một sớm, một chiều và cần sự vào cuộc của nhiều ngành.

Trà Phương


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang