Hàng chất lượng cao tiêu thụ khó

author 06:59 15/10/2014

Nghịch lý của thị trường nông sản hiện nay là người làm ra sản phẩm an toàn, có chứng nhận nhưng rất khó tiêu thụ trong khi người tiêu dùng lại phải đỏ mắt đi tìm.

Nhiều mô hình điểm tiên phong trong việc trồng lúa GlobalGAP (Global Good Agricultural Practice - thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), lúa hữu cơ (organic) đang gặp khó khăn về đầu ra dù diện tích trồng còn rất nhỏ, trong khi đây là mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của hạt gạo trên thương trường.

Hiếm nhưng không được quý

Ông Võ Minh Khải - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Viễn Phú, người được xem là tiên phong trong việc nâng tầm giá trị hạt gạo Việt khi xây dựng được thương hiệu gạo hữu cơ Hoasuafoods - thừa nhận doanh nghiệp (DN) đang phải tái cơ cấu để tồn tại, thu hẹp sản xuất 50%. Nguyên nhân do DN không được cấp phép xuất khẩu trực tiếp (vì kho chứa và công suất nhà máy xay xát không đáp ứng diện tích và công suất theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP) mà phải qua ủy thác nên đối tác không chấp nhận trong khi thị trường tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 10%. “Không bán được hàng, không tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi dù lĩnh vực đầu tư của DN nằm trong diện đặc biệt ưu đãi theo danh mục khuyến khích đầu tư của Chính phủ” - ông Khải chia sẻ.

Các DN bán hàng chất lượng cao đang gặp khó

Bắt đầu dự án từ năm 2008, đến năm 2012, Hoasuafoods chính thức được công nhận là gạo hữu cơ (không có hóa chất) của tổ chức quốc tế Control Union (Hà Lan) theo tiêu chuẩn chất lượng của Mỹ, EU từ khâu chọn giống, quá trình canh tác, thu hoạch đến chế biến, đóng gói. Gạo của Công ty CP Viễn Phú khi ra thị trường được đóng gói, hút chân không và đóng nhãn mác đẹp mắt mang thương hiệu Hoasuafoods với giá bán rất cao trong khi trước giờ gạo Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là dạng xá. Tuy nhiên đến nay, những nỗ lực của công ty dường như chỉ mới thu được “tiếng”, còn “miếng” không biết đợi đến bao giờ.

Còn nhớ những năm 2008-2009, xã Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) trở thành mô hình điểm của cả nước khi xây dựng được vùng sản xuất lúa gạo đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Thời điểm đó, Công ty TNHH ADC tham gia bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường khoảng 20%. Tuy nhiên không lâu sau đó, Công ty TNHH ADC ngưng mua, lúa trồng ra, nông dân bán với giá không khác lúa thường trong khi chi phí đầu tư cao hơn. “Chúng tôi buộc phải ngừng bao tiêu lúa gạo cho nông dân vì đầu ra không có. Người tiêu dùng lúc đó chưa phân biệt gạo an toàn và gạo thường” - ông Phan Quốc Hùng, Giám đốc marketing của Công ty TNHH ADC, lý giải.

Loay hoay tìm thị trường

Theo bà Trần Thị Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy, sau một thời gian chạy vạy khắp nơi để tìm đầu ra nhưng không có kết quả, người trồng lúa ở xã Mỹ Thành Nam nản lòng và thu hẹp dần diện tích. “Giấy chứng nhận GlobalGAP hết hiệu lực nhưng không có đơn vị đứng ra bao tiêu và thực hiện tái chứng nhận, trong khi nông dân và huyện thì không có kinh phí. Mãi đến vụ đông xuân 2014, Công ty TNHH Thương mại Tân Thành mới tìm đến và thu mua lúa cho nông dân với giá khoảng 6.000 đồng/kg, cao hơn giá lúa sản xuất thông thường 20%. Tuy nhiên, diện tích được DN bao tiêu rất ít, chỉ 30 ha với 34 hộ tham gia, trong khi nông dân khu vực này có thể tham gia sản xuất với diện tích gần 100 ha” - bà Nguyên nói.

GS-TS Võ Tòng Xuân - người gắn bó lâu năm với cây lúa, hạt gạo của Việt Nam - cho rằng người dân chưa có thói quen sử dụng gạo an toàn, gạo sạch. Chưa kể người tiêu dùng muốn sử dụng nhưng lại không có tiêu chí nào để phân biệt nên họ không biết tin vào đâu.

“Thực tế, không phải nhà kinh doanh gạo an toàn nào cũng áp dụng quy trình bài bản, khép kín. Nhiều DN, thương lái thu mua lúa của nông dân, đưa ra nhà máy bên ngoài xay xát, đóng gói rồi bán ra thị trường một cách “hỗn độn” khiến không chỉ người tiêu dùng mà ngay người sản xuất cũng nhìn thị trường như một bát quái trận đồ về gạo an toàn” - đại diện một DN gạo có thương hiệu nói.

Còn theo TS Nguyễn Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, mấu chốt của vấn đề bấp bênh đầu ra cho hạt gạo an toàn Việt Nam không phải là kỹ thuật mà là năng lực và “tự lấy đá ghè chân mình”. “Tôi biết có DN được đối tác nước ngoài đặt hàng nhưng họ lại không đủ số lượng hoặc có DN được đối tác đặt hàng xuất khẩu đến 85.000 tấn/năm nhưng theo chỉ tiêu mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ thì năm đó DN này chỉ được xuất 35.000 tấn nên cuối cùng bị ứ lại, không xuất khẩu được” - TS Bảnh dẫn chứng. 

Để có gạo chất lượng không dễ

Ông Phan Quốc Hùng cho biết chi phí DN bỏ ra để làm thủ tục tái chứng nhận GlobalGAP khoảng 4.000 USD trên số lượng 15 hộ tham gia. Tuy nhiên, chứng nhận này chỉ được cấp trong 1 năm, nếu tiếp tục thực hiện thì phải làm lại nên chi phí không hề nhỏ. Đó là một trong những lý do khiến giá gạo GlobalGAP cao hơn gạo thông thường.

Còn theo TS Nguyễn Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Công ty ITA Rice, để sản xuất gạo theo tiêu chuẩn GlobalGAP, công ty đã đầu tư khép kín từ khâu canh tác đến xay xát, đóng gói, bảo quản với diện tích lúa 500 ha, chi phí đầu tư lên đến vài trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, do người dân đã quen ăn gạo xá nên dù gạo sạch, có thương hiệu nhưng giá bán chỉ đắt hơn vài ngàn đồng/kg họ cũng chưa mặn mà, DN rất khó cạnh tranh.

Theo Nguoilaodong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang