Hàng tiêu dùng giả lộng hành cuối năm, người tiêu dùng khó phân biệt

author 06:46 31/12/2015

(VietQ.vn) - Càng cuối năm, nạn hàng giả hàng nhái càng hoành hành, nhất là các loại hàng tiêu dùng như bột ngọt, bột canh..., người tiêu dùng khó mà phân biệt.

Càng cuối năm, tình trạng hàng giả, hàng nhái, nhất là hàng tiêu dùng giả càng trở nên phức tạp. Ngày 26/12 mới đây, Đội kinh tế thương mại – Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hà Nội vừa phát hiện số lượng lớn mì chính Ajinomoto và Miwon bị làm giả.

Hàng giả hàng nháiKhó phân biệt giữa túi mì chính Ajinomoto thật và túi mì chính Ajinomoto giả

Các gói bột ngọt giả bị thu giữ chuẩn bị tuồn ra thị trường có hình thức bao bì rất khó phân biệt so với hàng thật. Nếu để song song hai sản phẩm thật – giả, có thể nhận thấy, hình ảnh in trên mặt sau bao bì hàng giả mờ nhạt và thiếu sắc nét hơn so với bao bì của Ajinomoto thật. Bột ngọt giả có giá thấp hơn sản phẩm thật từ 6.000-10.000 đồng/gói tùy loại.

Cụ thể, đối tượng Nguyễn Thị Nụ (sinh năm 1963, trú tại Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội) bị bắt quả tang đang vận chuyển 1 bao tải, bên trong có 30 gói bột ngọt  mang nhãn hiệu Ajinomoto. Đại diện Công ty Ajnomoto đã xác nhận, số hàng do bà Nụ vận chuyển là hàng giả.

Khám xét khẩn cấp nhà ở của đối tượng Nụ, cơ quan điều tra đã thu giữ 1.433 gói bột ngọt các loại có nhãn hiệu Ajinomoto và Miwon, 125 kg bột ngọt nguyên liệu, 1.313 vỏ bao bì các loại, máy ép miệng túi hàn nhiệt nhãn hiệu Tân Thanh, vỉ bao bì, cân...

Đối tượng Nụ đã khai sản xuất hàng giả các loại nhãn hiệu Ajinomoto, Miwon từ khoảng tháng 8/2015 trở lại đây. Phương thức sản xuất của Nụ là mua bột ngọt không nhãn hiệu, vỏ bao bì bằng nilon các loại nhãn hiệu nổi tiếng do Trung Quốc sản xuất tại xã Ninh Hiệp, Gia Lâm từ người không quen biết. Sau đó, tự sang chiết, đóng gói tại nhà và đem tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Thượng úy Nguyễn Mạnh Hà, Đội Kinh tế Thương mại, PC 46 cho hay, bột ngọt là không rõ nguồn gốc, buôn bán trôi nổi trên thị trường, không qua giám sát kiểm định nào của lực lượng chức năng nên nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng là rất lớn. Từ nay đến cuối năm, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Tp. Hà Nội sẽ mở đợt cao điểm để trấn áp tội phạm, tăng cường mọi biện pháp để điều tra, xử lý những sai phạm trong hoạt động buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng. Trong đó, Phòng sẽ tiếp tục triển khai các chuyên án, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân trong dịp lễ Tết sắp tới.

Giáp Tết chính là thời điểm hàng giả, kém chất lượng, gian lận thương mại được tung vào thị trường nhiều nhất. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, gian lận thương mại thể hiện rõ nhất là hiện tượng kéo dài hạn sử dụng. Đối tượng làm giả, làm nhái không từ một mặt hàng nào, từ quần áo, đồ chơi, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến thực phẩm như mì chính, bột nêm, nước uống… Theo đó, người tiêu dùng nên chủ động nắm bắt thông tin. Khi mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm thì phản ánh với các cơ quan chức năng để họ phát hiện xử lý.

Theo ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ KH&CN, một trong những lý do của thực trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan như hiện nay, đặc biệt vào dịp cuối năm là do hàng giả, hàng nhái chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Với cửa khẩu giao thương hàng hóa với Trung Quốc rất lớn như vậy thì Việt Nam khó tránh hàng hóa giả mạo tràn vào.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang