Hàng giả sống khỏe hơn hàng thật

author 13:39 15/03/2013

Có thể thấy hoạt động sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi và phổ biến. Trong khi đó, các lực lượng chức năng, đặc biệt là cán bộ quản lý thị trường còn lơ là, lỏng lẻo trong công tác kiểm tra, quản lý hoặc xử lý tràn lan, dàn trải.

Sự kiện: Bí quyết sống khỏe

 

Giá thật, hàng giả
 
Kỷ niệm 10 năm ngày cưới, bàn ra tán vào cuối cùng vợ chồng chị Liên (Hà Nội) cũng thống nhất mua một cặp đồng hồ đeo tay (còn được gọi là đồng hồ đôi) làm quà tặng nhau.
 
Dịp cuối tuần, cùng đi bộ trên tuyến phố Hàng Ngang - Hàng Đào - Đồng Xuân, vợ chồng chị Liên ghé vào một cửa hiệu bán đồng hồ có uy tín, ưng ý sắm cặp đồng hồ Seiko sang trọng có giá hơn 18 triệu đồng cùng phiếu bảo hành 3 năm tại cửa hàng.
 
Hài lòng với món quà ý nghĩa chẳng được bao lâu, cặp đôi đồng hồ như cùng bảo nhau dở chứng. Chiếc của anh chồng thì chạy nhanh, đồng hồ của chị Liên lại chạy chậm, thấm nước... Lúc đầu cả hai cùng nghĩ là do cách lấy giờ không chuẩn, nhưng sau vài lần kiểm chứng thì anh chị bực mình biết rằng đồng hồ “có vấn đề”.
 
Sai hỏng không đổi được thì bảo hành. Hai chiếc đồng hồ được đưa trở lại cửa hàng nơi nó đã đi ra với giấy biên nhận: Đảm bảo trong vòng 1 tuần đồng hồ sẽ được chỉnh sửa chuẩn xác bởi chính hãng nổi tiếng! Thế nhưng, nhận về cũng chỉ được vài ngày, đồng hồ vẫn chứng nào tật đó. Sau nhiều lần bảo hành thất vọng, từ món quà kỷ niệm, cặp đôi đồng hồ của vợ chồng chị Liên nay hóa thành kỷ vật của…hàng giả.
 
Chiếc đồng hồ của vợ chồng chị Liên chỉ là một trong số muôn vàn câu chuyên dở khóc dở cười về hàng giả, hàng nhái. Đã từ nhiều năm trở lại đây, vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội, gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống chung cũng như tính mạng người tiêu dùng.
Mũ bảo hiếm kém chất lượng được bày bán nhiều ngoài thị trường
Mũ bảo hiếm kém chất lượng được bày bán nhiều ngoài thị trường
 
Hà Nội là một trong những địa phương đông dân nhất cả nước. Do vậy, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phức tạp, đòi hỏi yêu cầu cao hơn nhất là trong bối cảnh luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn chưa thực sự đi vào cuộc sống.
 
Cách đây ít lâu, Hà Nội đã đưa ra quyết tâm xây dựng 3 tuyến phố “nói không” với hàng giả, hàng nhái đó là Phố Hàng Bông, Hàng Ngang và Hàng Đào. Cam kết được đưa ra là vậy, thế nhưng chỉ sau đó không lâu tình hình đâu lại vào đó. Hàng nhái lại tràn ngập.
 
Hàng giả giờ đây không còn chỉ xuất hiện ở những mặt hàng có giá trị lớn như vàng SJC, tiền giấy, điện thoại di động cao cấp… số vụ hàng giả, hàng nhái bị phát hiện ngày càng tăng mạnh, tăng nhiều đặc biệt ở lĩnh vực an toàn sức khỏe của con người như thực phẩm, sữa, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, mũ bảo hiểm…
 
Được biết, Hà Nội hiện có tới 5 cơ quan hành chính xử lý vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, do sự phối hợp thiếu đồng bộ, mạnh ai nấy làm nên hàng giả, hàng nhái vẫn ngang nhiên lộng hành mọi nơi, mọi lúc.
 
Còn tại TP HCM, theo phản ánh của báo chí, tại nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại đã xuất hiện những sản phẩm nhái hàng hiệu, được bày bán công khai. Trong một hội chợ nhận biết hàng thật, phân biệt hàng giả đang được tổ chức tại TP HCM, với hơn 300 sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực, rất nhiều sản phẩm như mũ bảo hiểm, mỹ phẩm, quần áo may sẵn, đồ đa dụng, điện tử… được làm giả, làm nhái rất tinh vi và rất khó để người tiêu dùng phân biệt được.
 
Đặc biệt, nhiều loại hàng giả ngoài tem nhãn giả đã rất khó phân biệt bằng mắt thường, nay lại còn có hình thức bắt mắt hơn cả hàng thật. Chính những điều này đã dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng, và sẽ chẳng khó gì để qua mắt được người tiêu dùng không tinh ý.
 
Chế tài chưa nghiêm hay người tiêu dùng dễ dãi?
 
Có thể thấy hoạt động sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi và phổ biến. Trong khi đó, các lực lượng chức năng, đặc biệt là cán bộ quản lý thị trường còn lơ là, lỏng lẻo trong công tác kiểm tra, quản lý hoặc xử lý tràn lan, dàn trải.
 
Bên cạnh đó, chế tài chống hàng giả theo đánh giá vẫn chưa thực sự đủ sức răn đe nên trong nhiều năm qua hàng giả, hàng nhái mới có đất sống. Các quy định pháp luật làm cơ sở pháp lý, công cụ cho công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn này còn có những mâu thuẫn, chồng chéo, không thống nhất. Ngoài ra, quy định về xử phạt hành chính đối với hàng giả phân tán ở nhiều văn bản khác nhau, khó áp dụng và chưa nghiêm minh, triệt để.
 
Tuy nhiên, việc hàng giả, hàng nhái vẫn còn tồn tại, một nguyên nhân chính không thể không kể đến đó là do nhiều người tiêu dùng vẫn đang tiếp tay cho hàng nhái lộng hành. Chẳng hạn, với tâm lý sữa xách tay tốt hơn hàng nội, rẻ hơn hàng nhập khẩu chính ngạch, thường được mang về từ các quốc gia phát triển, đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm… nhiều người tiêu dùng hiện nay tìm kiếm và lựa chọn các sản phẩm sữa xách tay thay vì hàng chính hãng.
 
Các loại sữa này đều vào Việt Nam theo con đường không chính thống, không hóa đơn chứng từ, không đăng ký kinh doanh, được quảng cáo là do người thân mang về nên đảm bảo chất lượng cũng như giá thành rẻ hơn hàng nhập khẩu chính thống. Sự bát nháo của thị trường sữa không còn là câu chuyện mới. Nhưng nếu người tiêu dùng kiên quyết tẩy chay, hàng nhái sẽ không còn đất tồn tại.
 
Thêm một thực tế là hiện nay, không ít người tiêu dùng chưa biết cách tự bảo vệ mình trước sự bủa vây của hàng giả, hàng nhái. Đơn cử, nhiều người chưa thực sự nắm được 8 quyền của người tiêu dùng cũng như các quy định trong công tác đảm bảo quyền lợi cho chính mình khi mua sắm.
 
Cần hơn ý thức bảo vệ chính mình và cộng đồng
 
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, trong đó có nêu rõ: Từ ngày 1/3/2013, các hành vi sản xuất hàng giả có thể bị phạt tới 100 triệu đồng, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tới 70 triệu đồng, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm khắc phục tình trạng trên. Đây được xem là động thái mạnh, đủ sức răn đe ngăn ngừa các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
 
Để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, song hành với Tháng Hành động vì người tiêu dùng được tổ chức hàng năm, việc cho ra đời Tổng đài 04.1081 hoạt động cả năm để sẵn sàng là một kênh thông tin chính thức tư vấn khiếu nại, giải đáp thắc mắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 
Theo thông tin từ Tổng đài 04.1081, trong 2 năm triển khai Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mỗi năm tổng đài 04.1081 đã tiếp nhận giải đáp hơn 5.000 cuộc gọi hỏi thông tin về luật mới, về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, trong đó có gần 100 cuộc khiếu nại của người tiêu dùng đã được tổng đài tư vấn và kết nối đến Chi cục quản lý thị trường và hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng.
 
Bên cạnh đó, việc bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng bằng giải pháp tem chống hàng giả SMS được xem là biện pháp nhận biết hàng giả mới. Tem chống hàng giả SMS đã được Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT&DL cấp Giấy chứng nhận bản quyền số 339/2012/QTG. Tem SMS đang được đánh giá là rất khó làm giả bởi để sản xuất ra loại tem này, người làm giả phải sử dụng thiết bị máy móc hiện đại, bắt buộc phải tích hợp nhiều loại công nghệ cao, đắt tiền.
 
Theo đó, khi mua sản phẩm có dán tem chống hàng giả SMS mà người tiêu dùng vẫn thấy nghi ngờ sản phẩm mình mua là giả, nhái thì có thể lấy mã số trên tem bằng cách thấm nước, hơ lửa, soi đèn chuyên dụng rồi nhắn tin SMS kiểm tra, hoặc kiểm tra mã số qua internet.
 
Tuy nhiên, để sớm có thể quét sạch hàng giả, hàng nhái ra khỏi thị trường, hơn lúc nào hết cần thêm sự chung sức, đồng lòng của người dân với các lực lượng chức năng. Có ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần chọn một vài lĩnh vực đang nóng và bức xúc nhất tập trung xử lý mạnh, liên tục, thậm chí điều tra, đưa ra xử lý trước pháp luật một số trường hợp vi phạm. Có như vậy mới hy vọng lập lại được trật tự trong lĩnh vực này./.
Một số quyền cơ bản của người tiêu dùng:
 
- Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
- Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
- Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
 
Nguyễn Quỳnh/vov

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang