Hàng hóa chủ lực tại Đồng Tháp sẽ được áp dụng truy xuất nguồn gốc

author 10:59 06/06/2020

(VietQ.vn) - Đồng Tháp sẽ ban hành ít nhất 02 tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật địa phương về truy xuất nguồn gốc trong năm 2020 và các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương sẽ được truy xuất nguồn gốc trên ứng dụng thông tin điện tử sử dụng mã QR và mã số mã vạch.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Thông tin trên được ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đồng Tháp chia sẻ khi đề cập đến công tác triển khai Quyết định 100/QĐ-TTg về áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc cho hàng hóa chủ lực của địa phương.

Ông Tuấn cho biết, với mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời giúp nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm, trong đó chú trọng sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của Tỉnh, qua đó kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu: sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ; bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường.

Nhãn là một trong 5 ngành hàng chủ lực sẽ được triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc tại Đồng Tháp.

Thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2020 – 2025.

Theo đó, trong năm 2020, Đồng Tháp đặt mục tiêu có ít nhất 200 lượt tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Tỉnh được tập huấn, đào tạo kiến thức về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa; triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Truy xuất được nguồn gốc sản phẩm của 03 cơ sở sản xuất các sản phẩm chủ lực, các đặc sản của địa phương dựa trên ứng dụng thông tin điện tử sử dụng mã QR và mã số mã vạch; Ban hành ít nhất 02 tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật địa phương về truy xuất nguồn gốc; Xây dựng, vận hành Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn Tỉnh, kết nối Cổng Thông tin điện tử của Tỉnh và Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Theo Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đồng Tháp, để triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc cho hàng hóa chủ lực của địa phương, Đồng Tháp đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 sẽ có 100% tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Tỉnh được tập huấn, đào tạo kiến thức về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Truy xuất được nguồn gốc sản phẩm của 30 cơ sở sản xuất các sản phẩm chủ lực, các đặc sản của địa phương dựa trên ứng dụng thông tin điện tử sử dụng mã QR; mã số - mã vạch; mã vùng, mã xưởng; sổ tay điện tử.

Ban hành ít nhất 05 tiêu chuẩn cơ sở hoặc quy chuẩn kỹ thuật địa phương về truy xuất nguồn gốc, các tài liệu hướng dẫn áp dụng cho từng nhóm sản phẩm cụ thể.

Tối thiểu 20% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sử dụng mã số - mã vạch tại Tỉnh có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của Tỉnh, của Quốc gia trên Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của Tỉnh.

Triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc cho hàng hóa chủ lực của Đồng Tháp, từ năm 2019, Sở NN-PTNT Đồng Tháp kết hợp với Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Tập đoàn Chứng nhận và Kiểm định Trung Hoa (CCIC) cùng Công ty CP VN Trace đã thực hiện triển khai khảo sát, đánh giá mã vùng, mã xưởng và kê khai sản phẩm. Theo đó, các sản phẩm nông sản tại Đồng Tháp, cụ thể là sản phẩm xoài tại HTX xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) và nhãn tại xã An Nhơn, xã Phú Hựu (huyện Châu Thành) sẽ được đánh giá truy xuất nguồn gốc.

Ông Lê Văn Chấn, Phó Chi cục trưởng,Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Tháp cho biết: Nhãn là một trong 5 ngành hàng chủ lực theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Châu Thành. Quy hoạch đến năm 2020, tỉnh sẽ phát triển vùng trồng nhãn diện tích 4.000ha, sản lượng ước đạt 70.000 tấn/năm. Những năm gần đây, các nhà vườn đã từng bước ứng dụng tiến bộ KHKT như bao trái, chọn giống, tỉa cành tạo tán, xử lý ra hoa rải vụ, bón phân hữu cơ, đăng ký mã số vùng trồng, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP cho gần 200ha.

Nhãn là loại cây ăn trái giá trị kinh tế cao, dễ trồng, có thể xử lý ra hoa rải vụ quanh năm, giúp người dân thu lợi nhuận từ 350-400 triệu/ha/năm. Nhiều năm nay sản phẩm nhãn Châu Thành đã được liên kết với DN để cung ứng thị trường trong nước và bước đầu được XK sang thị trường khó tính: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu.

Năm 2020, Trung tâm MSMV Quốc gia tiếp tục chủ trì và phối hợp xây dựng dự thảo các văn bản: thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến lĩnh vực TXNG, đồng thời chủ trì và phối hợp phổ biến các văn bản mới về quản lý, sử dụng MSMV và TXNG. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao chủ trì trong kế hoạch thực hiện Đề án 100, trong đó công tác hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 100 sẽ được tổ chức song song với hoạt động đào tạo cho các tổ chức, cá nhân liên quan về MSMV và TXNG… Hiện Trung tâm đã nghiên cứu, áp dụng sáng tạo nhiều nguồn lực và đang từng bước thực hiện nhiều hoạt động nhằm phát triển hoạt động truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam.

 
Hỗ trợ doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu(VietQ.vn) - Truy xuất nguồn gốc hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế là xu hướng ngày càng được khách hàng trong và ngoài nước yêu cầu. Đây cũng là điều kiện cần để hàng hóa, nông sản Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu bền vững ra thị trường thế giới.

Bảo Anh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang