Hàng hóa dồi dào, giá cả không đổi, người dân không cần tích trữ

author 18:35 31/03/2020

(VietQ.vn) - Các siêu thị bán lẻ cam kết, vẫn đủ hàng hóa thiết yếu và nhu yếu cho người dân từ 3-6 tháng. Nên người dân không nên tích trữ, hạn chế đến chỗ đông người.

Các siêu thị đẩy mạnh bán hàng online

Ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 16, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4, trên phạm vi toàn quốc để khống chế dịch Covid-19, các siêu thị bán lẻ ghi nhân lượng khách tăng đột biến.

Trong chiều 31/3, Công ty VinCommerce - đơn vị chủ quản chuỗi bán lẻ VinMart, VinMart+ cho biết, đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu và nhu yếu phẩm (gạo, thịt, mỳ tôm, thực phẩm chế biến, hàng đông lạnh…) với giá cả bình ổn đến tay người tiêu dùng đến quý 2-2020, góp phần bình ổn thị trường.

Từ ngày 1/4, hệ thống VinMart, VinMart+ đẩy mạnh hơn nữa và triển khai bán hàng online qua trang VinMart.com và đặt hàng qua điện thoại.

Cùng với đó, VinCommerce kết hợp với Tổng công ty Lương thực miền Bắc đảm bảo cung cấp đầy đủ gạo cho nhu cầu thiết yếu của người dân tại 63 tỉnh thành thông qua 3.000 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+.

Ngoài ra, VinCommerce làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp uy tín của Việt Nam, đảm bảo cung ứng đầy đủ sản phẩm tiêu dùng thiết yếu cho người dân như sữa, đường, muối, mì, thịt…

Đại diện chuỗi bán lẻ này cũng khuyến cáo, người tiêu dùng không cần quá lo lắng tích trữ hàng hóa, tập trung đến chỗ đông người sẽ gia tăng nguy cơ lây nhiễm.

Khách hàng chỉ cần mua một lượng hàng hóa đủ dùng, VinMart & VinMart+ đã chuẩn bị kế hoạch đảm bảo tất cả các nhu yếu phẩm, đến siêu thị và cửa hàng lúc nào cũng có. Đồng thời, chuỗi bán lẻ này cũng đẩy kênh bán hàng online, giao tận nhà.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Saigon Co.op cũng khẳng định, siêu thị vẫn hoạt động bình thường. Người dân có thể ăn 3- 6 tháng cũng không hết. Bà con có thể yên tâm, không cần tích trữ hàng hóa.

Đại diện Saigon.Co.op cho biết, nội dung chỉ thị yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa. Theo đó, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op vẫn hoạt động bình thường nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của toàn xã hội, bà con yên tâm, không cần tích trữ.

Ông Nguyễn Anh Đức cho biết, hệ thống Saigon Co.op đã dự trữ lượng hàng rất dồi dào, bao gồm gạo, mì tôm, đồ hộp, nước tinh khiết, trứng gia cầm, thịt gia súc, giấy vệ sinh …

Ông Đức khẳng định: “Người dân có thể ăn 3- 6 tháng cũng không hết”.

Ngoài nguồn cung vào đều đặn mỗi ngày, hiện đơn vị dự trữ 11 nhóm sản phẩm thiết yếu như gạo, mì, giấy vệ sinh,... Để có được sự ổn định này là do đơn vị nhận định được vấn đề dịch bệnh nên lên kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ ngay từ đầu tháng 2, với lượng trữ giống như cho mùa Tết.

Về giá bán, Saigon Co.op không tăng giá với phần lớn sản phẩm, thậm chí đơn vị còn tổ chức rất nhiều chương trình giảm giá, chấp nhận thua lỗ để giữ giá thật tốt cho người dân.

Ngoài ra, để tiện cho việc hạn chế ra ngoài của người dân, ngoài tăng nhân viên phục vụ kênh mua sắm qua điện thoại, Saigon Co.op cũng tiếp nhận đơn hàng qua viber/zalo/phát phiếu mua hàng đến tận nhà khách hàng. Khách hàng chỉ cần liên hệ với siêu thị thông qua kênh này, siêu thị sẽ “ship” hàng về tận nhà.

Ngoài ra, các hệ thống siêu thị khác như Big C, Lotte Mart, MM Mega Market... cũng cho biết đã tăng lượng hàng dự trữ lên 30-50%.

Doanh nghiệp tăng lượng dự trữ hàng hóa

Cũng trong chiều nay, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, các chợ, siêu thị, cơ sở, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn duy trì hoạt động bình thường sau 0h ngày 1/4 để đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân trên địa bàn TP.HCM.

Sở Công Thương khuyến cáo người dân không mua tích trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm.

Cơ quan này khẳng định các đơn vị kinh doanh hệ thống siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP.HCM đã có kế hoạch dự trữ, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Chiều 31/3, trao đổi với báo Thanh niên, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, không có xáo trộn, khó khăn gì trong việc cung ứng hàng hóa đến người dân, đặc biệt là các hàng thiết yếu, như lương thực, thực phẩm, khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cách ly xã hội 15 ngày. Thêm vào đó, thời gian vừa qua, Hà Nội cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp tích trữ hàng hóa lên đến 300%, chuẩn bị cho mọi tình huống.

Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, dù Hà Nội đã dừng những dịch vụ kinh doanh không cần thiết kể từ 25/3, nhưng cung ứng hàng thiết yếu đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Số liệu của Sở Công thương Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội có 26 trung tâm thương mại, chỉ riêng Tràng Tiền kinh doanh quần áo, mỹ phẩm cao cấp, còn lại 25 trung tâm thương mại đều kinh doanh đa dạng, trong đó có siêu thị.

Thêm vào đó, thành phố có 141 siêu thị (103 siêu thị tổng hợp, 38 siêu thị chuyên doanh), 674 cửa hàng gas, hơn 400 chợ… Đây là các đối tượng được mở cửa, để phục vụ hàng hóa bình thường.

Đó là chưa kể đến các chợ quy mô nhỏ, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, siêu thị mini, chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm, trái cây thì mở cửa cùng với cửa hàng thuốc, phòng khám, ngân hàng…

“Đối với việc dự trữ hàng hoá, theo chỉ đạo của Bộ Công thương, chúng tôi đã xây dựng lại phương án 3, theo 5 cấp độ, để tổ chức triển khai thực hiện và chúng tôi cũng sẽ gửi lại cho các doanh nghiệp, UBND các quận, huyện để trên cơ sở đó, rà soát, nắm bắt tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, xây dựng kế hoạch cung ứng cho sát, phù hợp từng cấp độ”, bà Lan cho biết.

Sở Công thương Hà Nội cũng nhiều lần khẳng định việc các doanh nghiệp đã chuẩn bị tích trữ hàng thiết yếu có thể đáp ứng nhu cầu trong ít nhất 1 tháng đến 3 tháng, nhiều doanh nghiệp tăng dự trữ lên 300%.

Bảo My (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang