Hàng loạt gói thầu tiền tỷ tại Viễn thông Sơn La có vi phạm Luật đấu thầu?

author 07:14 17/03/2020

(VietQ.vn) - Theo quy định pháp luật về đấu thầu, trong Hồ sơ mời thầu (HSMT) không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Tuy vậy, HSMT của hàng loạt gói thầu mua sắm do Công ty Viễn thông Sơn La làm chủ đầu tư đã đưa ra những quy định khó hiểu.

Đơn cử như Gói thầu số 6 “Mua sắm máy phát điện” cho 21 công trình xây dựng CSHT trạm BTS của Viễn thông Sơn La năm 2019. Gói thầu được tổ chức theo hình thức chào hàng cạnh tranh. Giá gói thầu: 2.702.700.000 đồng. Kết quả nhà thầu trúng là Công ty Cổ phần Quảng cáo và Cơ điện NIKI. Giá trúng thầu phê duyệt: 2.286.900.000 đồng, đã bao gồm thuế (Quyết định phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu số 882/QĐ-VNPT-SL-KTĐT ngày 24/10/2018).

Yêu cầu về năng lực tài chính và kinh nghiệm mà HSMT gói thầu có nội dung: Phần tiêu chí năng lực kinh nghiệm thực hiện hợp đồng, yêu cầu: Có giấy uỷ quyền bán hàng của nhà sản xuất (hoặc nhà lắp ráp thiết bị) cho dự án này; Có tối thiểu 02 hợp đồng có giá trị ≥ 01 tỷ đồng về cung cấp máy phát điện chạy xăng có công suất bằng hoặc lớn hơn hoặc bằng 8,5 KVA cho các đơn vị Viễn thông thuộc Tập đoàn VNPT mà nhà thầu đã hoàn thành với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) trong thời gian từ năm 2018 trở lại đây (Kèm theo bản sao chứng thực Hoá đơn GTGT liên 1 và Biên bản nghiệm thu của hợp đồng).

Nhiều nhà thầu cho rằng, việc Viễn thông Sơn La đưa vào tiêu chuẩn đánh giá kinh nghiệm, năng lực như yêu cầu hợp đồng cung cấp trong năm 2018 trở lại đây và khống chế việc trước đó phải cung cấp cho VNPT như vậy là nhằm tạo lợi thế cho một số ít nhà thầu có điều kiện đã thực hiện hợp đồng tại các đơn vị viễn thông của VNPT. Và chủ đầu tư đưa ra những quy định như trên là chưa tạo thuận lợi cho nhà thầu mới, trong khi đây đều là những mặt hàng mua sắm thông dụng. Chưa kể việc “Có giấy uỷ quyền bán hàng của nhà sản xuất (hoặc nhà lắp ráp thiết bị) cho dự án” là những văn bản rất trái khoáy làm khó cho nhà thầu.

Không chỉ với mặt hàng mua sắm máy phát điện, ở một số gói thầu cung cấp, lắp đặt máy điều hoà, chủ đầu tư/Viễn thông Sơn La cũng đưa ra những quy định “rất riêng”. Cụ thể như: Gói thầu “Cung cấp, lắp đặt 38 máy điều hòa nhiệt độ 12.000 BTU” thuộc kế hoạch “Trang bị 38 máy điều hòa nhiệt độ 12.000 BTU thay thế cho các trạm VT/BTS của TTVT Thành phố, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Sông Mã và Mường La năm 2019”. Hình thức đấu thầu: Chào hàng cạnh tranh. Giá gói thầu: 453.530.000 đồng. Nhà thầu trúng thầu: Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật công nghệ Hà Nội (HTS). Giá trúng thầu phê duyệt (bao gồm cả thuế): 439.945.000 đồng (theo Quyết định phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu số 480/QĐ-VNPT-SL-KTĐT ngày 25/07/2019).

Yêu cầu về năng lực tài chính và kinh nghiệm trong HSMT gói thầu có nêu: “Các tài liệu để chứng minh năng lực thực hiện hợp đồng nếu được công nhận trúng thầu phải có tối thiểu 01 hợp đồng cung cấp điều hòa nhiệt độ cho các trạm Viễn thông/BTS của một trong các đơn vị thành viên VNPT hoặc Mobifone, có giá trị ≥ 300 triệu đồng trong thời gian từ năm 2018 trở lại đây”.

Tương tự, ở Gói thầu: “Cung cấp cột bê tông vuông 7m” cho 3 công trình xây dựng tuyến cáp quang treo trên địa bàn huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai năm 2019. Hình thức đấu thầu: Chào hàng cạnh tranh; Giá gói thầu: 2.129.050.000 đồng. Nhà thầu trúng thầu: Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây lắp Dịch vụ Viễn thông. Giá trúng thầu phê duyệt (bao gồm cả thuế): 2.116.884.000 đồng. Quyết định phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu số 800/QĐ-VNPT-SL-KTĐT ngày 4/11/2019).

Theo yêu cầu của chủ đầu tư, các tài liệu để chứng minh năng lực thực hiện hợp đồng nếu được công nhận trúng thầu phải thực hiện hợp đồng tương tự cho “công trình viễn thông”. Cụ thể, bảng dữ liệu HSMT của Gói thầu trên quy định: Tối thiểu 01 hợp đồng có giá trị từ 1.300.000.000 đồng (Một tỷ, ba trăm triệu đồng) trở lên về cung cấp cột bê tông cho xây lắp “công trình viễn thông” mà nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ với tư cách là nhà thầu chính hoặc nhà thầu phụ (độc lập hoặc thành viên liên danh) trong thời hạn từ năm 2018 trở lại đây (tính đến thời điểm đóng thầu).

Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Khoản 5, Mục I Chỉ thị số 47/2017/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước, quy định: Khi xây dựng HSMT/Hồ sơ yêu cầu, không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; Không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử. Đồng thời, không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu như: đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể… hoặc quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu…

Việc chủ đầu tư “lồng ghép” và “cài cắm” các tiêu chí về giới hạn hợp đồng ngành viễn thông hoặc của VNPT hay Mobifone là không tuân thủ Chỉ thị số 47/CT-TTg và không đúng với tinh thần Luật đấu thầu là cạnh tranh bình đẳng. Theo một chuyên gia của Cục Quản lý Đấu thầu, tinh thần lớn nhất của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn chính là lựa chọn nhà thầu trên cơ sở cạnh tranh, minh bạch. HSMT/Hồ sơ yêu cầu phải được xây dựng đảm bảo khoa học, khách quan, phù hợp yêu cầu cụ thể từng gói thầu, đảm bảo theo đúng quy định, không mang tính định hướng, tạo lợi thế hoặc cản trở sự tham gia của một hoặc một số nhà thầu. Do đó, việc một chủ đầu tư/bên mời thầu luôn cố gắng để loại bằng được nhà thầu là đi ngược tinh thần này. Các chuyên gia về đấu thầu khẳng định, đối với những gói thầu mà HSMT thể hiện nhiều tiêu chí bất cập, cần có biện pháp chấn chỉnh. Có như vậy, mới tạo ra tinh thần tích cực, động lực lớn cho các nhà thầu cạnh tranh.

Có hay không chủ đầu tư Viễn thông Sơn La cố tình đưa ra những điều kiện để tạo ưu ái cho nhà thầu thân quen, chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh những số tiếp theo.

Theo Tuổi trẻ thủ đô

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang