Hàng loạt sản phẩm, thương hiệu làm từ dầu bẩn Đài Loan tràn vào Việt Nam

author 07:25 25/09/2014

(VietQ.vn) - Theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trong nước đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện biện pháp kiểm tra các lô hàng nhập khẩu từ Đài Loan và phát hiện thấy nhiều sản phẩm, thương hiệu được làm từ dầu ăn bẩn Đài Loan có mặt tại Việt Nam.

Theo Tổng cục Hải quan, trong thời gian gần đây, nhiều kênh truyền hình và báo chí thông tin tại Đài Loan có dầu ăn bị nhiễm bẩn và thực phẩm được chế biến từ dầu ăn bị nhiểm bẩn được xuất khẩu đi các nước, trong đó có Việt Nam.

Trước tình hình đó, để xử lý và ngăn chặn kịp thời thực phẩm bị nhiễm bẩn nhập khẩu từ Đài Loan vào Việt Nam, ngày 23/9, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 11540/TCHQ-GSQL về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thực phẩm nhập khẩu từ Đài Loan.

Vì vậy, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, đơn vị vừa ký công văn gửi sở y tế tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc dừng lưu thông và thu hồi sản phẩm có chứa dầu ăn được chế biến từ rác thải của Đài Loan.

480 thùng sản phẩm làm từ dầu ăn bẩn Đài Loan tại Việt Nam

Theo điều tra, hai sản phẩm đóng hộp được xác định có tên Dưa chuột trộn thịt lợn đóng hộp (Canned picked cucumber with pork) loại 170 gam và Sốt thịt cay đóng hộp (Canned meat with chilli) loại 150 gam tại Công ty TNHH Dịch vụ Cửu Hương (địa chỉ ở 31 lô I, đường số 7, cư xá Bình Thới, phường 8, quận 11, TPHCM) vì chứa dầu ăn bẩn. Vì vậy, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu đơn vị nhập khẩu này dừng lưu thông và thu hồi các sản phẩm.

480 thùng sản phẩm làm từ dầu ăn bẩn Đài Loan đã tràn vào Việt Nam

480 thùng sản phẩm làm từ dầu ăn bẩn Đài Loan đã tràn vào Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo ông Trung, song song với việc công bố tên sản phẩm cho người dân biết để không mua, sử dụng, sở y tế các tỉnh cũng có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị tiến hành kiểm tra, rà soát trên thị trường về các sản phẩm này.

Được biết, hai sản phẩm trên do Công ty Hữu hạn Cổ phần Công nghiệp thực phẩm Wei Chuan Đài Loan sản xuất. Công ty TNHH Dịch vụ Cửu Hương đã nhập về gần 480 thùng. Sản phẩm có hạn sử dụng đến tháng 5/2017. Sản phẩm sau khi nhập về được xé lẻ để bán tại các cửa hàng, các chợ ở khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận.Trước đó nhiều ngày, các nhà chức trách Đài Loan xác định 14 sản phẩm được chế biến từ dầu ăn bẩn được xuất khẩu sang 12 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Mỹ, Pháp, Úc, New Zealand, Chile,Việt Nam...

Giới chức Đài Loan cũng khẳng định, sau khi phát hiện vụ bê bối đã liên hệ với các nước để cung cấp thông tin mã hàng, sản phẩm và các thông tin cần thiết liên quan đến sản phẩm chế biến từ dầu ăn bẩn. Mỹ, Nhật Bản đã có lệnh thu hồi và hủy bỏ các sản phẩm bẩn trên.

Tại một số siêu thị ở Hà Nội như Ocean Mart, Minh Hoa, Fivimart và các điểm hàng hóa bán lẻ đều không bán 2 sản phẩm kể trên. Chị Trần Thị Trung Thành, ở khu Thành Công (Hà Nội) nói: “Đến giờ này, Việt Nam mới công bố sản phẩm chứa dầu bẩn là quá muộn”. Ông Trần Quang Trung thì cho hay, đơn vị phải gửi công văn tới Phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội xác nhận vụ việc và chờ đợi câu trả lời.

Nhiều thương hiệu quốc tế tại Việt Nam nằm trong danh sách “đen”

Trước đó, trong danh sách các nhà hàng, doanh nghiệp nhập dầu bẩn của Chang Guann tại đặc khu hành chính Hong Kong có 383 cái tên được đưa vào "sổ đen". Điều đáng chú ý là trong danh sách này, có 2 nhà hàng thuộc sở hữu của những công ty quốc tế có mặt tại Việt Nam.

Nhiều thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam cũng nằm trong danh sách

Nhiều thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam cũng nằm trong danh sách "đen" vì chứa dầu ăn bẩn. Ảnh minh họa

Đứng thứ 21 trong danh sách sử dụng dầu bẩn là "BAKERY CAFÉ LTD", một nhà hàng thuộc sở hữu của tập đoàn Maxim's. Tập đoàn Maxim's đang quản lý 840 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Hong Kong, Trung Quốc và Việt Nam.

Maxim's chính là đơn vị đã đưa chuỗi cà phê Starbucks nổi tiếng của Mỹ vào thị trường Việt Nam. Trong khi trước đó, Maxim's Group cũng đã thừa nhận rằng họ có sử dụng dầu bẩn của Chang Guann.

Trong danh sách "đen" này cũng xuất hiện một cái tên quen thuộc với thực khách TP.HCM. Đó là thương hiệu bánh BreadTalk Concept HK. BreadTalk là tập đoàn sở hữu một chuỗi 4.000 cửa hàng bánh trên khắp thế giới, có gốc gác ở Hong Kong. Hiện đang có tới 9 cửa hàng của BreadTalk có mặt tại TP.HCM, một cửa hàng tại Bình Dương và một cửa hàng tại Khánh Hòa.

Mặt khác, trên một vài tờ báo châu Á, trong đó có Nikkei Asian Review của Nhật Bản khẳng định rằng dầu bẩn của Chang Guann đã xuất tới Việt Nam.

Thực phẩm chứa dầu bẩn Đài Loan tại Việt Nam sẽ bị “siết” mạnh tay hơn

Cơ quan chức năng đang tăng cường rà soát thực phẩm làm từ dầu ăn bẩn tại Việt Nam

Cơ quan chức năng đang tăng cường rà soát thực phẩm làm từ dầu ăn bẩn tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Ngày 23/9, UBND TP.HCM đã có công văn yêu cầu Chi cục An toàn Thực phẩm (Sở Y tế) chủ động phối hợp với Chi cục Quản lý Thị trường, Công an thành phố, Hải quan thành phố và UBND quận – huyện để tăng cường kiểm tra toàn địa bàn thành phố để phát hiện sớm nhất có thể các thực phẩm có chứa dầu bẩn của Đài Loan được nhập khẩu vào Việt Nam. Đồng thời, UBND TP.HCM cũng yêu Chi cục an toàn thực phẩm báo cáo kết quả kiểm tra trước ngày 10/10.

Linh Nguyễn (Tổng hợp từ Pháp luật & đời sống, Tiền phong và Lao động)


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang