Hàng loạt tài khoản ngân hàng có nguy cơ ‘xóa sổ’: Ngân hàng nhà nước lên tiếng

authorĐỗ Thu Thoan 15:42 05/06/2017

(VietQ.vn) - Theo đại diện Ngân hàng nhà nước, quy định của Thông tư 32 hạn chế rủi ro cho các bên, bảo đảm giao dịch mở, sử dụng tài khoản không bị vô hiệu do vi phạm quy định về chủ thể theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.

Theo Trí thức trẻ, thời gian qua, dư luận có những ý kiến quan ngại liên quan đến việc thực hiện quy định tại Thông tư số 32/2016/TT-NHNN đối với việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán của các tổ chức không có tư cách pháp nhân. Về vấn đề này phía NHNN đã chính thức lên tiếng.

Cụ thể, theo bà Hoàng Tuyết Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, Thông tư 32 được ban hành sau khi Quốc hội thông qua Bộ Luật Dân sự 2015 và theo quy định tại Điều 1 Bộ luật Dân sự 2015, có hiệu lực từ 01/01/2017, chủ thể của quan hệ dân sự chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân. Do đó, Thông tư 32 được xây dựng trên cơ sở đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về chủ thể trong quan hệ dân sự.

Đối với các tổ chức không có tư cách pháp nhân, theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, không phải là chủ thể của quan hệ dân sự, do đó, không đủ điều kiện tham gia quan hệ mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

hang-loat-tai-khoan-ngan-hang-co-nguy-co-xoa-so-ngan-hang-nha-nuoc-len-tieng

Nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 32/2016 có nhiều bất cập, gây khó cho hộ gia đình, tổ hợp tác... Ảnh minh họa

Cũng theo Trí thức trẻ, việc hạn chế chủ thể tham gia giao dịch mở, sử dụng tài khoản thanh toán chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân đã được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 và quy định về đối tượng mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại Thông tư 32 là phù hợp với quy định trong Bộ luật Dân sự 2015. Quy định này hạn chế rủi ro cho các bên, bảo đảm giao dịch mở, sử dụng tài khoản không bị vô hiệu do vi phạm quy định về chủ thể theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.

Bà Hoàng Tuyết Minh cho biết thêm việc tồn tại của các tài khoản thanh toán của tổ chức không có tư cách pháp nhân trước khi Thông tư 32 có hiệu lực thi hành là thực tế và để hạn chế xáo trộn trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán, Thông tư 32 đã có hướng dẫn quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện việc xử lý chuyển tiếp đối với các tài khoản thanh toán này.

Về vấn đề này, Dân trí dẫn lời TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chuyển đổi theo như quy định tại Thông tư 32/2016/TT-NHNN là cần thiết và phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015. "Việc chuyển đổi này sẽ không quá phức tạp, nhưng cần có hướng dẫn cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân để họ hiểu để mà áp dụng theo đúng quy định của NHNN, có thể thông qua một thông tư hướng dẫn giữa NHNN, Bộ Kế hoạch & Đầu tư... kể cả phải có sự phối hợp của các cơ quan thuế, bảo hiểm... Tôi nghĩ việc phối hợp này là không hề nhanh và đơn giản", TS Bùi Quang Tín nói.

TS Bùi Quang Tín cho rằng, kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư 32/2016 cần thiết phải rõ ràng và đồng bộ giữa các cơ quan có liên quan. Đồng thời, nên có thêm thời gian để thực hiện thay vì phải ngắn như trong thông tư trên.

Không có tư cách pháp nhân: Hàng loạt tài khoản ngân hàng có nguy cơ ‘xoá sổ’(VietQ.vn) - Nhiều hộ kinh doanh, văn phòng luật sư... khi nắm bắt được thông tin liên quan đến Thông tư 32/2016 đã chủ động chuyển đổi mô hình kinh doanh bằng cách "lên" doanh nghiệp và thay đổi chủ tài khoản.

Bên cạnh đó, cũng theo Dân trí, nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 32/2016 có nhiều bất cập, gây khó cho hộ gia đình, tổ hợp tác. Nhiều văn phòng luật sư, doanh nghiệp tư nhân… lo lắng khi phải xác định tư cách cá nhân hoặc pháp nhân mới được giao dịch ngân hàng, mở tài khoản.

Đỗ Thu Thoan (t.h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang