Tiếp viên, phi công dính nghi vấn 'buôn lậu', trách nhiệm Vietnam Airlines ở đâu?

author 09:05 18/01/2019

(VietQ.vn) - "Nếu quy trách nhiệm rõ ràng doanh nghiệp phải có phần trách nhiệm rất lớn trong đó vì người phạm lỗi là nhân viên của mình", PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhận định về hàng loạt vụ tiếp viên, phi công Vietnam Airlines "buôn lậu".

Mới đây, một cơ trưởng của hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines bị lực lượng chức năng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thu giữ ước tính tổng giá trị gần 120 triệu đồng gồm 120 chai nước hoa nhãn hiệu Bleu De Channel Paris, Allure Home Sport, Channel Chance... và 3 ĐTDĐ.

Điều đáng nói, số hàng trên không có hóa đơn chứng từ tại thời điểm kiểm tra. Sự việc đã được Đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chuyển cho Công an quận Tân Bình tiếp tục điều tra, xử lý. Vụ việc khiến dư luận một lần nữa xôn xao. Bởi lẽ, đây không phải lần đầu tiên tiếp viên, phi công của hãng này có những hành động tương tự.

 Cơ trưởng hãng hàng không VNA bị điều tra về nghi vấn buôn lậu nước hoa hàng hiệu từ Pháp về Việt Nam. 

Trao đổi với phóng viên dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài Chính) đã đưa ra cái nhìn khách quan về những hành động của một số nhân viên Vietnam Airlines. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, ở phương diện nào đó, việc một người mang vật dụng xách tay khi đi qua biên giới các quốc gia với khối lượng hạn chế, theo quy định là điều bình thường mà trên thế giới, quốc gia nào cũng có. Nhưng để mang những đồ đó và biến thành tính chất buôn bán thường xuyên, với số lượng lớn hàng không có hóa đơn chứng từ lại là vấn đề rất lớn.

"Chúng ta không kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ để trở thành vấn đề mang tính chất buôn lậu là điều không chấp nhận được. Các nhân viên hàng không từ tiếp viên, phi công, cơ trưởng mang hàng đi dưới hình thức buôn lậu cũng không còn là chuyện ghê gớm hay lạ nhưng đó là điều không bình thường.

Vì về mặt nguyên tắc, theo quy định khi đi qua biên giới các quốc gia, các cá nhân được mang theo một số vật dụng nhưng khối lượng không quá lớn. Nhưng câu chuyện ở đây, ban đầu chỉ mang 1, 2 lọ nước hoa hay vài ba chiếc điện thoại cũng thấy không sao, nhưng nếu mang một lúc hàng trăm chiếc điện thoại hay lọ nước hoa lại là hành vi buôn lậu", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Những 'vết đen' buôn lậu tai tiếng của tiếp viên, phi công hãng hàng không Vietnam Airlines(VietQ.vn) - Những "vết đen" về các vụ buôn lậu của tiếp viên, phi công hãng hàng không Vietnam Airlines từng nhiều lần xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Để kiểm soát được việc này, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, ngay trong hợp đồng với các nhân viên hàng không nói chung cũng như cơ trưởng, những người có điều kiện đi qua cửa khẩu, biên giới... trước tiên các hãng hàng không sau đó là cơ quan quản lý cần có quy định chặt chẽ. Chúng ta không thể đánh đồng chuyện buôn lậu với mang các vật phẩm cá nhân qua biên giới. Đó là chuyện cần làm rõ, phải trở thành quy định chung trong các đơn vị, cơ quan có những người có thể mang qua đồ biên giới dễ dàng. Kể cả bên ngoại giao và cơ quan khác cũng nên làm điều đó. 

"Hành vi buôn lậu như trên khi bị phát hiện sẽ trở thành vấn đề lớn mang tính quốc gia chứ không chỉ cá nhân hay doanh nghiệp nào đó. Đã tới lúc chúng ta cần siết chặt quy định quản lý ngay từ các doanh nghiệp, đơn vị có người đi qua biên giới các quốc gia để có đảm bảo tính công bằng trong xã hội, để giữ gìn quốc thể và cũng để nâng cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ trong các ngành nghề khác nhau. Chỉ những quy định bắt buộc, những chế tài mạnh mới giảm được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ để buôn lậu", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Về trách nhiệm của Vietnam Airline trong những sự việc như trên, PGS.TS Định Trọng Thịnh chỉ rõ, đầu tiên chúng ta phải nói tới trách nhiệm của cơ quan quản lý, đó là việc không chặt chẽ ngay trong quy định cũng như việc kiểm tra, giám sát, xem xét quá trình thực thi công vụ của các cán bộ, nhân viên đơn vị. Và với bất kỳ hành vi gian dối nào cũng đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vietnam Airline cũng không nằm ngoài quy định đó.

Nâng cao giáo dục chính trị tư tưởng, làm tốt các công việc từ đó quản lý được nhân viên của mình một cách tốt nhất và đảm bảo tư cách đạo đức của cán bộ nhân viên của mình, đó là  vấn đề doanh nghiệp cần xem xét lại theo chia sẻ của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh. "Nếu quy trách nhiệm thì rõ ràng doanh nghiệp phải có phần trách nhiệm rất lớn trong đó vì người phạm lỗi là nhân viên của mình", PGS.TS Thịnh nói thêm.

Trước vấn đề mà dư luận quan tâm về việc Vietnam Airline là hãng hàng không Quốc gia, luôn được hành khách tin tưởng khi lựa chọn, việc "buôn lậu" xuất hiện có lợi ích câu kết trên các chuyến bay không, chuyên gia này cho rằng, điều đó chưa hẳn. Bởi, theo ông, thực tế chỉ ra, môi trường làm việc lương thấp nên nhiều khi có việc "nhắm mắt làm ngơ", từ đó nhân viên có điều kiện "làm liều", làm lớn, có thể đó là những hành vi vi phạm luật pháp khiến họ vướng vòng lao lý. Điều đó cứ tự nhiên bào mòn từng ngày đạo đức xã hội, con người dần sa ngã rồi có hành vi buôn lậu.

"Từ xưa tới nay, bức tranh thu nhập của nhân viên ngành hàng không theo mặt bằng chung là cao. Vì có điều kiện nên nếu chúng ta không theo dõi, quản lý, giáo dục họ rất dễ bị sa ngã. Đó là chuyện cần làm và đã đến lúc phải làm một cách nghiêm túc", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Nguyễn Huệ

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang