Cả nghìn con sán ‘làm tổ’ trong ống mật vì nghiện ăn gỏi, ốc, rau sống

authorThanh Nhàn 15:11 28/04/2018

(VietQ.vn) - Thói quen ăn đồ sống như ăn gỏi, ốc, rau sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm giun sán, chúng ký sinh trong đường ruột, gan, mật, thậm chí cả trong não người.

Mới đây, thông tin về một bệnh nhân của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai nhập viện với triệu chứng đau bụng vùng hạ sườn phải, sốt, vàng da do tắc mật. Sau khi được thăm khám, siêu âm, chụp CT, xét nghiệm và tiến hành mổ cấp cứu, các bác sĩ đã gắp, hút được khoảng 1000 con sán lá gan lớn trong ống mật của bệnh nhân. Mỗi con sán có chiều dài khoảng 3cm, chiều ngang từ 1-1,5cm.

Được biết, bệnh nhân này có thói quen ăn gỏi cá sống, tiết canh heo, vịt, rau sống trong một thời gian dài. Theo BS Trần Quốc Vĩ, Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, ký sinh trùng sán lá gan ký sinh chủ yếu ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu, dê, cả chó, mèo và ốc.

Hàng nghìn con sán ‘làm tổ’ trong ống mật vì nghiện ăn gỏi, ốc, rau sống

 Những con sán được lấy ra từ bụng bệnh nhân. Ảnh Suckhoedoisong.vn

Đường lây là trứng sán lá gan lớn từ phân người hay các động vật nhiễm sán ra môi trường ngoài, xuống nước, qua ốc phát triển thành ấu trùng đuôi. Vì vậy, người chỉ là vật chủ ký sinh tình cờ do khi ăn thực vật sống dưới nước như rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong; ăn ốc khi đun nấu ấu trùng sán lá gan chưa bị tiêu diệt; ăn rau sống, uống nước chưa đun sôi mà trong nước có ấu trùng sán lá gan.

Sau khi vào dạ dày, tá tràng, các vỏ nang trùng bị phá hủy và giải phóng ra ấu trùng, ấu trùng xuyên qua thành tá tràng vào ổ bụng rồi di chuyển đến gan, ấu trùng đục thủng bao gan chui vào nhu mô gan để sinh trưởng và phát triển ở đấy chúng tiết ra các các chất độc phá hủy nhu mô gan gây áp-xe gan.

Sau một thời gian từ 2 - 3 tháng phát triển ở nhu mô gan, sán trưởng thành có thể chui vào đường mật tiếp tục phát triển và đẻ trứng ở đấy và suốt trong thời gian dài (khoảng 10 năm) nếu không được điều trị sẽ dẫn đến ung thư đường mật.

Ngoài ra, có một số rất ít trường hợp ấu trùng di chuyển lạc chỗ, chúng không đến gan mà đến một số cơ quan khác như da, cơ, khớp, vú, thành dạ dày, đại tràng, thậm chí là cả não người và gây bệnh ở đó.

Những lưu ý khi ăn rau cần kẻo hối không kịp(VietQ.vn) - Rau cần là loại rau thông dụng mang nhiều đặc tính chữa bệnh, nhưng vẫn có những đối tượng được khuyến cáo không nên ăn rau cần.

Bệnh sán lá gan gặp ở mọi lứa tuổi. Triệu chứng nhiễm bệnh thường là mệt mỏi kèm sốt, đau nhẹ ở hạ sườn phải, đôi khi đau bụng âm ỉ không rõ vị trí, gan sưng to và đau. Một số trường hợp có rối loạn tiêu hóa, chán ăn, tiêu chảy. Đôi khi bị dị ứng da, biểu hiện các nốt sẩn trên da gặp chủ yếu ở đùi, mông, lưng, cảm giác ngứa, khó chịu. Các trường hợp vàng da có thể do sán di chuyển vào đường mật và phát triển ở đấy gây viêm đường mật.

Khi xác định là bệnh do sán lá gan lớn cần điều trị càng sớm càng tốt, tránh để xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Khi áp-xe gan không điều trị kịp thời có thể áp-xe bị vỡ vào màng phổi, màng bụng, thành bụng gây viêm phúc mạc, nhiễm độc rất nguy hiểm cho tính mạng. Để tránh mắc bệnh, không ăn rau, canh, ốc nấu chưa chín. Không uống nước chưa đun sôi. Cần rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn.

Thanh Nhàn (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang