Hàng nghìn thủ tục, giấy phép vẫn đang ‘ngốn’ thời gian, chi phí của doanh nghiệp

author 15:45 29/08/2017

(VietQ.vn) - Các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, thế nhưng với 5.719 thủ tục, giấy phép của các bộ, ngành, DN vẫn tốn nhiều thời gian, chi phí thông quan tại cửa khẩu.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Bộ KH&CN đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 19

Chia sẻ thông tin tại buổi giao lưu trực tuyến "Để kiểm tra chuyên ngành không còn là “rào cản” đối với doanh nghiệp" trên Báo Hải Quan điện tử sáng ngày 29/8, ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho hay, trong thời gian qua, các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã nỗ lực, cố gắng trong việc triển khai thực Nghị quyết 19 của Chính phủ ; tích cực soạn thảo, sửa đổi, bổ sung thay thế hoặc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền quy định về kiểm tra chuyên ngành; tình trạng chồng chéo, trùng lặp, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục, thời gian, chi phí liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được khắc phục một phần.

Ông Ngô Minh Hải: Nhiều mặt hàng NK phải đồng thời chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành do một bộ hoặc nhiều bộ quy định.

 

“Tính đến nay, Nghị quyết 19/2017 có tổng số 98 nhiệm vụ giao 13 Bộ quản lý chuyên ngành (87 nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung, thay thế 87 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành; 11 nhiệm vụ giao liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Đến nay, các Bộ đã thực hiện 64/98 nhiệm vụ. Có Bộ đã hoàn thành 100% nhiệm vụ giao, gồm: Khoa học công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, còn 23 nhiệm vụ đang thực hiện”, ông Hải cho biết.

Ông hải cũng thừa nhận thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, một số quy định còn chồng chéo, xung đột, bất cập, chưa được bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ kịp thời dẫn đến một mặt hàng bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật, phải thực hiện nhiều thủ tục, kiểm tra chuyên ngành của nhiều Bộ, làm tăng chi phí, phiền hà cho doanh nghiệp.

Việc thống nhất ban hành danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và gắn mã HS còn chậm; chưa đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, quản lý trên cơ sở đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, chưa chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm dẫn đến tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan chưa giảm nhiều, vẫn ở mức 25-27% (mục tiêu giảm xuống còn 15%)… chưa đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ông Hải chia sẻ.

Chậm chuyển biến vì còn chồng chéo

Ông Ngô Minh Hải cũng cho rằng, theo thống kê thì số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành chiếm tỷ lệ khoảng 25% - 27% trên tổng số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và vướng mắc quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu ( XK), nhập khẩu (NK) chủ yếu thuộc trách nhiệm của hầu hết các Bộ, ngành. Trong đó nhiều nhất phải kể đến hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành chủ yếu của Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT và Bộ Y tế.

Lý giải việc chậm chuyển biến của các bộ, ngành ông Ngô Minh Hải cho rằng, nhiều mặt hàng NK phải đồng thời chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành do một bộ hoặc nhiều bộ quy định. Bên cạnh đó, có trường hợp một mặt hàng nhưng lại chịu nhiều hình thức quản lý của cùng một bộ quản lý chuyên ngành.

Việc nhiều bộ, ngành áp dụng cùng lúc nhiều chế độ, phương thức quản lý khác nhau đối với một mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm giảm năng lực cạnh tranh và mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; làm phát sinh thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thông quan…

Ngoài ra, việc kiểm tra chuyên ngành (KTCN) thực hiện chủ yếu vẫn bằng phương thức thủ công, chưa áp dụng đúng bản chất của phương pháp quản lý rủi ro trong lĩnh vực KTCN; chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận xử lý hồ sơ, trao đổi dữ liệu thông tin, công nhận kết quả KTCN.

"Thêm vào đó là việc hạn chế trong đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động KTCN; hạn chế trong công tác truyền thông, đào tạo và nâng cao năng lực hoạt động KTCN cho các DN XNK và các đơn vị, tổ chức có liên quan...", ông hải chia sẻ.

Tổng cục TCĐLCL nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành - Thực thi Nghị quyết 19(VietQ.vn) - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang