Việt Nam có trên 30 ngành hàng bị làm giả 'trắng trợn'

author 06:59 24/03/2018

(VietQ.vn) - Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Văn phòng Sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu (EU), mỗi năm thế giới mất hơn 460 tỷ USD cho hàng nhái. Tại Việt Nam hiện nay có tới 30 ngành hàng bị làm giả một cách trắng trợn.

Theo báo cáo của tổ chức này, những mặt hàng bị làm nhái nhiều nhất thường thuộc về lĩnh vực thời trang, trang sức, ngoài ra còn có dược phẩm, điện thoại thông minh.

Những thương hiệu bị làm nhái nhiều nhất như thời trang North Face, thương hiệu Michael Kors, thời trang quần bò Levi's, trang sức Tiffany của Mỹ hay thương hiệu trang sức cao cấp Cartier của Pháp. Điện thoại Iphone của Apple hay Galaxy của Samsung cũng là hai sản phẩm công nghệ thường xuyên bị làm nhái. Báo cáo cũng cho biết, giá trị giao dịch hàng nhái có thể tăng lên đến đến 2,3 nghìn tỷ USD vào năm 2022.

Hàng nhái tập chung chủ yếu ở một số nhóm hàng hóa như thời trang, trang sức và điện thoại thông minh. Ảnh minh họa

Hàng nhái tập chung chủ yếu ở một số nhóm hàng hóa như thời trang, trang sức và điện thoại thông minh. Ảnh: VOV

Tại Việt Nam, hơn 18.000 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái được phát hiện trong năm 2017, với tổng số tiền xử phạt và tịch thu trên 200 tỷ đồng. Đây là những con số đáng báo động cho thấy tình trạng hàng giả, hàng nhái ở nước ta diễn biến ngày càng phức tạp, phá vỡ thị trường, triệt "đường sống" của nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Những vụ việc hàng giả, hàng nhái bị phát hiện, xử lý gần đây có xu hướng gia tăng với tính chất và mức độ vi phạm ngày càng tinh vi, trắng trợn hơn. Thế nhưng một điều dễ nhận thấy là dù có rất nhiều cuộc ra quân, tuyên truyền nhưng đâu lại vào đấy.

Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho hay, hiện đã có tới trên 30 ngành hàng ở Việt Nam bị làm giả. Trong khi đó, hệ thống pháp luật liên quan đến xử lý hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều chồng chéo, trùng lắp.

Theo các chuyên gia, hoạt động chống hàng gian - hàng giả chỉ có thể đạt hiệu quả tốt hơn nếu doanh nghiệp và các lực lượng chức năng có được những giải pháp hỗ trợ tốt hơn.

Hàng chục nghìn xe Corolla và xe Toyota, Lexus NK bị triệu hồi do lỗi túi khí(VietQ.vn) - Hãng xe ô tô Toyota tiếp tục triệu hồi xe Corolla và xe Toyota. Theo đó có tới 16.000 xe trong diện phải triệu hồi để kiểm tra và thay thế cụm bơm khí của túi khí.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hàng giả, hàng nhái đang len lỏi vào thị trường một cách công khai. Nhiều người tiêu dùng luôn kêu ca về vấn nạn này nhưng lại dễ dàng chấp nhận, tiếp tay cho những sản phẩm kém chất lượng vì lợi nhuận và giá cả rẻ hơn. Hàng giả, hàng nhái tràn lan khiến nhiều doanh nghiệp chân chính điêu đứng bởi sự dễ dãi của người tiêu dùng cũng như việc thực thi pháp luật chưa nghiêm của các lực lượng chức năng...

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội phó Đội 7 - Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. HCM cho biết, hầu hết những vụ việc bắt giữ hàng giả đều có quy mô rất lớn và vi phạm rất nghiêm trọng. Hiện cơ quan điều tra đang cố gắng tập trung làm rõ để đưa ra xét xử sớm để góp phần cảnh báo người tiêu dùng cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn chân chính..

Sản phẩm bị làm giả, nhái trở nên phổ biến đến mức tinh vi không chỉ ở những sản phẩm doanh nghiệp trong nước sản xuất mà còn ở cả những sản phẩm của nước ngoài phân phối tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp bức xúc vì tồn tại quá nhiều bất hợp lý, như doanh nghiệp trong nước nhập hàng nước ngoài mang về phân phối nhưng sau đó làm giả, làm nhái rồi đi đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ trong nước.

Tình trạng này không phải là hiếm, do không có sự kiểm tra giám sát quyền sở hữu trí tuệ ngay từ đầu của cơ quan chức năng nên phát sinh nhiều hệ lụy rắc rối cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính khi bước vào "sân chơi quốc tế".

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân Sài Gòn - ASEAN cho rằng, thực tế các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn và đang phải "tự bơi" để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, kể cả vấn đề chiếm dụng sở hữu trí tuệ. Việc xử lý liên quan nhiều lực lượng nên rất chậm và nếu có xử lý được thì hầu như không đủ sức răn đe do vướng luật.

Để phòng chống hàng gian, hàng giả có hiệu quả, nhiều chuyên gia kinh tế kiến nghị cần rà soát lại việc cấp phép lưu hành sở hữu trí tuệ về logo nhãn hiệu, trong đó, doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước cần nêu cao lòng tự tôn dân tộc đối với những sản phẩm thương hiệu Việt, đặc biệt phải nói không với hàng giả, hàng nhái...

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Người tiêu dùng TP HCM cho rằng, chống hàng giả hiện vẫn chưa có biện pháp đồng bộ cũng như việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Nếu khi có phản ánh thông tin, các cơ quan có trách nhiệm tích cực phối hợp làm ngay sẽ giúp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm bớt thiệt hại, ông Thu nêu rõ.

Việt Nam đang hội nhập và tham gia nhiều hiệp định song phương cũng như đa phương về kinh tế, dự báo tình trạng hàng giả, hàng nhái sẽ còn phức tạp, tinh vi hơn. Việc triển khai chống hàng giả, hàng nhái trong thời gian tới cần có hoạt động thiết thực nói đi đôi với làm.

Đặc biệt lực lượng chức năng cần duy trì liêm chính không chấp nhận bất cứ hành vi nào tiếp tay bảo kê cho các vi phạm thì công tác chống hàng giả, hàng nhái mới bền vững và đạt được hiệu quả như mong muốn.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang